Chứng khoán Mỹ lao dốc không phanh, Dow Jones 'bốc hơi' gần 700 điểm
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm mạnh, trong đó S&P 500 xóa sạch mức tăng kể từ đầu năm 2025, sau khi báo cáo việc làm tích cực của Mỹ làm gia tăng lo ngại về lạm phát nóng trở lại.
Chốt phiên giao dịch ngày 10/01, chỉ số Dow Jones mất 696,75 điểm (tương đương 1,63%) xuống còn 41.938,45 điểm. Chỉ số S&P 500 sụt 1,54%, về mức 5.827,04 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,63% xuống còn 19.161,63 điểm.
Theo báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ, khu vực phi nông nghiệp của nước này có 256.000 công việc mới trong tháng 12, cao hơn nhiều so với con số 155.000 công việc mới mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. Tỷ lệ thất nghiệp giảm về mức 4,1%, thay vì duy trì ở mức 4,2% như dự báo của giới chuyên gia.
Sau khi báo cáo việc làm được công bố, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 30 năm nhảy vọt lên 4,96% - mức cao nhất kể từ tháng 11/2023.
“Dữ liệu việc làm tốt cho nền kinh tế nhưng không phải là lực đẩy cho thị trường, ít nhất là thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sự tăng trưởng bất ngờ mạnh hơn dự báo của thị trường việc làm không khiến chúng tôi thay đổi quan điểm rằng thị trường việc làm có thể tiếp tục suy yếu trong những quý sắp tới” - chiến lược gia Scott Wren của ngân hàng Wells Fargo nhận định.
Thị trường tương lai đang đặt cược rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 1 này và nhiều khả năng sẽ không thay đổi lãi suất vào tháng 3.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, kỳ vọng cắt giảm lãi suất trong tháng 3 đã giảm từ 41% xuống khoảng 25% sau báo cáo việc làm mới nhất.
Theo giáo sư Jeremy Siegel tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, cổ phiếu bị bán tháo trong phiên ngày thứ Sáu do số liệu bảng lương phi nông nghiệp mạnh mẽ trong tháng 12 làm lu mờ kỳ vọng rằng Fed sẽ thực hiện thêm nhiều đợt hạ lãi suất trong năm nay.
"Nhà đầu tư cổ phiếu thất vọng khi dữ liệu kinh tế mới nhất báo hiệu rằng có thể sẽ không có đợt nới lỏng chính sách nào của Fed vào năm 2025 và[lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thể dễ dàng vượt mức 5%" – ông Siegel lưu ý thêm.
Thậm chí, một số chuyên gia tại BofA Global Research còn dự báo về khả năng tăng lãi suất trong năm nay.
"Thị trường sẽ chao đảo vì Fed có thể sẽ không chỉ dừng việc cắt giảm lãi suất mà còn có khả năng tăng lãi suất vào năm 2025”, ông Bryant VanCronkhite, quản lý danh mục cấp cao tại Allspring cho hay.
Trong phiên giao dịch này, áp lực đối với giá cổ phiếu tăng thêm sau khi báo cáo chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy tín hiệu đáng lo ngại về lạm phát. Chỉ số niềm tin tháng 1 giảm còn 73,2 điểm, thấp hơn mức dự báo 74 điểm của Dow Jones, và một phần của sự suy yếu niềm tin này là kỳ vọng về lạm phát tăng lên.
Kỳ vọng về mức lạm phát sau 1 năm tới của người tiêu dùng tăng lên 3,3% từ 2,8% trước đó. Kỳ vọng lạm phát 5 năm cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2008.
Vào ngày 15/1 tới, các nhà đầu tư sẽ dõi theo công bố chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng, một yếu tố có thể gây ra biến động lớn nếu dữ liệu vượt kỳ vọng.
Cổ phiếu tăng trưởng thường là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ. Cụ thể, cổ phiếu Nvidia mất 3%, AMD và Broadcom giảm tương ứng 4,8% và 2,2%. Tương tự, cổ phiếu Plantir cũng sụt hơn 1%.
Cổ phiếu vốn hóa nhỏ cũng là nhóm có độ nhạy cảm cao với lợi suất. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu nhỏ chốt phiên với mức giảm hơn 2%.
"Lợi suất đang biến động quá lớn, quá nhanh và thị trường chứng khoán đang rơi vào tình trạng bán tháo" - chiến lược gia Adam Turnquist tại LPL Financial cho biết.
Ông cũng nói thêm rằng diễn biến gần đây về lợi suất báo trước khả năng giảm hoặc điều chỉnh đối với chỉ số S&P 500.
Cả ba chỉ số cùng giảm hai tuần liên tiếp, với S&P 500 giảm 1,9% trong tuần này, Nasdaq giảm 2,3% và Dow Jones giảm 1,9%./.