Chứng khoán tuần qua: Áp lực bán gia tăng khiến VN-Index giảm điểm, thanh khoản chưa cải thiện

Thị trường chứng khoán trong nước vừa trải qua một tuần giao dịch (6/1 - 10/1/2025) không tích cực. Chỉ số VN-Index giảm điểm trước áp lực bán tăng lên và đóng cửa cuối tuần lùi về sát mốc 1.230 điểm. Thanh khoản tuy giảm cho thấy biểu hiện của dòng tiền thận trọng, trong khi đó nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì đà bán ròng trước áp lực tỷ giá.

VN-Index lùi về sát mốc 1.230 điểm

Thị trường chứng khoán trong nước tuần (6/1 - 10/1) tiếp tục duy trì xu hướng giảm điểm. Tính chung cả tuần, thị trường chỉ 2 phiên tăng nhẹ, còn lại có 3/5 phiên giảm điểm. Tiếp nối đà giảm tuần trước, VN-Index giảm điểm ngay trong phiên đầu tuần và đà giảm nối tiếp đến cuối tuần. Chỉ số VN-Index không chỉ rời mốc 1.250 điểm, sau đó là 1.240 điểm và đóng cửa cuối tuần về sát mốc kháng cự 1.230 điểm.

Sau tuần giảm điểm trước đó, không giữ được giá trung bình 200 phiên, xu hướng ngắn hạn của VN-Index và tâm lý thị trường trở nên kém tích cực. VN-Index trong tuần này phục hồi kiểm tra lại vùng giá 1.260 điểm với thanh khoản giảm. Sau đó áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên cuối tuần, nhất là khi VN30 cũng không giữ được hỗ trợ mạnh, quan trọng giá trung bình 200 phiên quanh 1.300 điểm. Kết tuần VN-Index giảm -1,92% về mức 1.230,48 điểm, chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá 1.200 điểm - 1.210 điểm.

Độ rộng thị trường nghiên về điều chỉnh, áp lực bán mạnh trên hầu hết các nhóm ngành với khối lượng giao dịch gia tăng kém tích cực. Trong đó gia tăng mạnh, kém tích cực ở các nhóm tài chính, bất động sản khu công nghiệp, công nghệ-viễn thông...

Trên sàn Hà Nội, các chỉ số chính cũng diễn biến tương tự và có xu hướng giảm trước áp lực bán lấn lướt bên mua. Cụ thể, chỉ số HNX-Index giảm -2,73%, xuống 219,49 điểm và chỉ số UPCoM-Index cũng giảm -2,32% về mức 92,15 điểm.

Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp hoặc cải thiện không đáng kể ở hầu hết các ngành, trong khi chỉ số giá của 19/19 ngành cấp 2 cùng giảm mạnh, đặc biệt là bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép, thực phẩm, bán lẻ, dầu khí.

Thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp thể hiện dòng tiền bắt đáy vẫn chưa tham gia giải ngân nhiều, giá trị giao dịch bình quân chỉ tính khớp lệnh đạt 9.875 tỷ đồng, giảm 2% so với tuần trước. Đây là mức thanh khoản thấp nhất (xét theo tuần) kể từ tháng 5/2023, trong đó cả 3 nhóm nhà đầu tư chính (cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài) cùng giao dịch kém tích cực đi.

Về giao dịch của khối ngoại, dòng vốn ngoại mua ròng trong phiên đầu tuần, tuy nhiên nhanh chóng quay đầu bán ròng mạnh trong 4 phiên còn lại. Lũy kế sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.314 tỷ đồng trên toàn thị trường. Xét riêng từng sàn, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 1.289 tỷ đồng trên HOSE, bán ròng 44 tỷ đồng trên HNX và mua ròng 19 tỷ đồng trên sàn UPCoM.

Thống kê theo các mã chứng khoán, đà bán dàn trải trên diện rộng. Áo lực bán ròng mạnh nhấn tuần này ghi nhận tại cổ phiếu chứng khoán SSI với giá trị bán ròng 178 tỷ đồng. Cũng tại chiều bán, thị trường ghi nhận hai cổ phiếu là STB và NLG bị bán ròng lần lượt 143 tỷ đồng và 135 tỷ đồng. Danh sách bán ròng còn ghi nhận cổ phiếu FPT và GMD với giá trị lần lượt đạt 108 tỷ đồng và 87 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, mã ngân hàng HDB bất ngờ được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 140 tỷ đồng. Dòng vốn ngoại cũng chảy vào cổ phiếu VGC và TCB với giá trị lần lượt là 131 tỷ đồng và 116 tỷ đồng, đồng thời mua ròng DHT với 65 tỷ đồng…

Chỉ số kiểm định lại vùng kháng cự mạnh

Theo đánh giá của các chuyên gia, VN-Index liên tục hứng chịu các đợt giảm điểm trong tuần qua phản ánh tâm lý ngày càng e dè của nhà đầu tư. Hơn nữa, khối lượng giao dịch nằm dưới mức trung bình 20 tuần cho thấy dòng tiền tham gia vào thị trường vẫn còn hạn chế. Hiện tại, khối ngoại vẫn duy trì việc bán ròng cũng là yếu tố không mấy tích cực đối với chỉ số.

Báo cáo nhận định thị trường trong năm 2025 của SGI Capital cho thấy, khác với bối cảnh đầu năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào năm 2025 kém thuận lợi hơn khi hai lực đẩy quan trọng là dòng tiền và tăng trưởng nội tại doanh nghiệp đều có biểu hiện suy yếu đáng kể.

Chứng khoán tuần qua: Áp lực bán gia tăng khiến VN-Index giảm điểm, thanh khoản chưa cải thiện. Ảnh: T.L

Chứng khoán tuần qua: Áp lực bán gia tăng khiến VN-Index giảm điểm, thanh khoản chưa cải thiện. Ảnh: T.L

Trong bối cảnh chính sách tiền tệ nới lỏng đã hết dư địa, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước đòi hỏi hệ thống ngân hàng sẽ phải huy động một lượng vốn rất lớn tương ứng. Điều này có thể khiến mặt bằng lãi suất tăng mạnh hơn kỳ vọng và ảnh hưởng tới dòng tiền nội trên thị trường chứng khoán vốn đã cạn kiệt sau những đợt bán ròng của khối ngoại và phát hành từ các doanh nghiệp niêm yết (chủ yếu là nhóm chứng khoán và bất động sản).

Những giai đoạn nới lỏng tiền tệ luôn chứng kiến dòng tiền nội chảy vào thị trường chứng khoán mạnh mẽ hấp thụ, thậm chí áp đảo nguồn cung khối ngoại để duy trì đà tăng tích cực cho thị trường.

Tuy nhiên, khi giai đoạn nới lỏng đi qua, lãi suất nhích tăng trở lại, dòng tiền nội suy yếu khiến thanh khoản sụt giảm, rủi ro giảm giá sẽ tăng lên nếu khối ngoại vẫn duy trì bán ròng hoặc có những biến cố khiến nguồn cung tăng đột biến. SGI Capital đưa ra quan điểm cho rằng, mối bận tâm lớn của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2025 vẫn là áp lực bán ròng từ khối ngoại.

Trong khi đó, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SHS nhận định, xu hướng ngắn hạn Vn-Index sau khi không giữ được hỗ trợ giá trung bình 200 phiên quanh 1.260 điểm, trở nên kém tích cực và đang chịu áp lực kiểm tra lại vùng giá 1.200 điểm -1.210 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh tâm lý và định giá của thị trường.

Tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018, cạnh dưới kênh giá tích lũy kéo dài từ đầu năm 2024 đến nay, cũng như kênh giá tăng trưởng trung dài hạn nối các vùng giá thấp nhất từ tháng 11/2022 đến nay, thời điểm Vn-Index chạm đáy do khủng hoảng trái phiếu. Xu hướng trung hạn tích lũy kém tích cực ở nửa dưới của kênh giá rộng trong vùng 1.200 điểm đến 1.300 điểm.

Các chuyên gia phân tích SHS cho rằng, ở thời điểm hiện tại Vn-Index chịu áp lực bán mạnh về vùng hỗ trợ với tâm lý ngắn hạn trở nên bi quan. Tổng vốn hóa toàn thị trường hiện tại khoảng 277 tỉ USD, khoảng 60% GDP 2024. Đây vùng vốn hóa hợp lý, nhiều mã ở vùng giá tương đối hấp dẫn so với nội tại doanh nghiệp và triển vọng tăng trưởng trung dài hạn.

Các chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên hạn chế bán tháo khi Vn-Index điều chỉnh về vùng giá 1.200 điểm -1.220 điểm. Đồng thời, nhà đầu tư duy trì tỉ trọng hợp lý. Xem xét chọn lọc giải ngân các mã cơ bản tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chung-khoan-tuan-qua-ap-luc-ban-gia-tang-khien-vn-index-giam-diem-thanh-khoan-chua-cai-thien-168493.html