Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới sau báo cáo PPI, giá dầu tăng 2 tuần liên tiếp

Nhà đầu tư hứng khởi khi báo cáo mới từ Bộ Lao động Mỹ giúp xoa dịu mối lo về lạm phát...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (11/10), với hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng lập kỷ lục mới, khi mùa báo cáo tài chính khởi động đầy khả quan và số liệu thống kê mới cho thấy lạm phát xuống thang nhanh hơn kỳ vọng. Giá dầu thô giảm phiên này, nhưng hoàn tất tuần tăng thứ hai liên tiếp do mối lo về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.

Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,61%, đạt 5.815,03 điểm. Dow Jones tăng 409,74 điểm, tương đương tăng 0,97%, đạt 42.863,86 điểm. Đây là mức điểm chốt phiên cao chưa từng thấy của hai thước đo.

Chỉ số Nasdaq tăng 0,33%, chốt phiên ở mức 18.342,94 điểm. Với mức điểm này, Nasdaq chỉ còn thấp hơn chưa đầy 2% so với mức kỷ lục.

“Sự tăng điểm đang diễn ra trên diện rộng hơn”, trưởng nghiên cứu chứng khoán của công ty Amundi US, ông Craig Sterling, nhận định với hãng tin CNBC.

Tính đến tuần này, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều ghi nhận chuỗi 5 tuần tăng liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq tăng 1,1% mỗi chỉ số trong tuần, trong khi Dow Jones tăng 1,2%.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024 mang lại một cú huých cho giá cổ phiếu ở Phố Wall, khi những ngân hàng lớn - các doanh nghiệp thường mở màn mỗi mùa báo cáo - đưa ra những con số tốt hơn kỳ vọng. Cả doanh thu và lợi nhuận của JPMorgan Chase đều cao hơn dự báo, đưa giá cổ phiếu nhà băng này chốt phiên với mức tăng 4,4%. Cổ phiếu Wells Fargo tăng 5,6% nhờ lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng.

Giới đầu tư cổ phiếu ở Mỹ thường xem kết quả kinh doanh của các ngân hàng như một thước đo về sức khỏe của nền kinh tế. Báo cáo tài chính của các ngân hàng lớn vì thế được xem như chỉ báo đáng tin cậy về một mùa báo cáo.

Phiên này, nhà đầu tư còn hứng khởi khi báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ giúp xoa dịu mối lo của phiên ngày hôm trước về việc lạm phát dường như đang giảm với tốc độ không đủ nhanh. Theo báo cáo, chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 9 tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 1,9% ghi nhận trong tháng 8. Dữ liệu này cho thấy Fed có thể đạt được mục tiêu hạ cánh mềm - đưa lạm phát về mục tiêu 2% mà không khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ Năm cho thấy lạm phát giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021 nhưng cao hơn so với dự báo. Số liệu này đã khiến nhà đầu tư lo ngại về tốc độ giảm chậm của lạm phát và dẫn tới một phiên giảm điểm của chứng khoán Mỹ.

“Nói chung, các báo cáo lạm phát hiện nay cũng không còn ảnh hưởng lớn đến thị trường, vì lạm phát đã yếu đi nhiều rồi. Fed có thể sẽ giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm mỗi lần trong 2 cuộc họp tới”, chiến lược gia trưởng David Russell của công ty Trade Station nhận xét.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng 95,6% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 11 và khả năng 4,4% Fed giữ nguyên lãi suất.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 0,36 USD/thùng, tương đương giảm 0,45%, còn 79,04 USD/thùng. Giá dầu WWTI giao sau tại New York giảm 0,29 USD/thùng, tương đương giảm 0,38%, còn 75,56 USD/thùng.

Cả tuần, giá mỗi loại dầu đều tăng hơn 1%, chủ yếu do tình hình địa chính trị ở Trung Đông - “vựa dầu” của thế giới - tiếp tục căng thẳng.

“Thị trường có thể cảm nhận được sự căng thẳng, vì Israel đang cân nhắc mức độ và dạng thức của một cuộc tấn công trả đũa vụ tấn công tên lửa của Iran. Nếu Israel nhằm vào hạ tầng dầu khí của Iran, giá dầu sẽ tăng”, nhà kinh tế trưởng Tim Snyder của công ty Matador Economics nhận định.

“75 USD/thùng dầu WTI là một mức giá hợp lý trong bối cảnh căng thẳng ở mức cao”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nhận định.

“Chúng ta cần chờ xem Israel phản ứng ra sau, nhưng tôi cho rằng cho tới khi đó, thị trường dầu sẽ duy trì một mức phần bù rủi ro”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nói với hãng tin Reuters.

Các quốc gia vùng Vịnh đang vận động Mỹ ngăn Israel tấn công các cơ sở dầu lửa của Iran vì lo ngại rằng hạ tầng dầu khí của chính mình có thể hứng chịu các cuộc tấn công tương tự từ các đồng minh của Tehran nếu xung đột leo thang - nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-lap-ky-luc-moi-sau-bao-cao-ppi-gia-dau-tang-2-tuan-lien-tiep.htm