Chứng khoán Mỹ: Ngóng dữ liệu lạm phát, S&P 500 lao dốc 5 phiên liên tiếp
Chứng khoán Mỹ giao dịch ảm đạm trong phiên giao dịch ngày 11/10 do các nhà đầu tư thận trọng chờ dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ.
Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong ngày thứ Ba trong bối cảnh giới đầu tư hờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng công bố vào cuối tuần sẽ cung cấp cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông tin cập nhật về tình hình kinh tế Mỹ.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 11/10, chỉ số S&P 500 mất 0,65% xuống còn 3.588,84 điểm, sau khi phục hồi ở đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite cũng sụt 1,1% xuống 10.426,19 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Đà lao dốc trong ngày thứ Ba ghi nhân phiên sụt giảm thứ 5 liên tiếp của cả 2 chỉ số này. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones nhích nhẹ 36,31 điểm (tương đương 0,12%) lên mức 29.239,19 điểm, nhờ đà đi lên của cổ phiếu Amgen và Walgreens Boots Alliance.
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến sát ngưỡng 4% quan trọng và đóng cửa ở mức 3,943%. Lợi suất kỳ hạn 2 năm cũng leo lên mức 4,314%.
Cổ phiếu viễn thông và công nghệ rất nhạy cảm với rủi ro lãi suất tăng và cũng là những nhóm giảm sâu nhất trong phiên ngày 11/10. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu bất động sản và tiêu dùng thiết yếu diễn biến khả quan nhưng không đủ mạnh để kéo S&P 500 lên sắc xanh.
Cả 3 chỉ số chính trên sàn Phố Wall đều đảo chiều đi xuống ở cuối phiên giao dịch sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Andrew Bailey yêu cầu các nhà quản lý quỹ hưu trí hoàn thành việc tái cân bằng vị thế vào ngày 14/10 để kết thúc chương trình hỗ trợ khẩn cấp cho thị trường trái phiếu của nước này.
Hiện tại, giới đầu tư sẽ chờ đợi một số báo cáo quan trọng từ nay đến cuối tuần, với báo cáo giá sản xuất (PPI), chỉ số giá tiêu dùng tháng 9, doanh số bán lẻ tháng 9 của Mỹ. Các báo cáo này sẽ cho biết Fed sẽ nâng lãi suất quyết liệt như thế nào trong tương lai để kiềm chế lạm phát. Nhịp độ tăng lãi suất của Fed sẽ quyết định liệu nền kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái hay sẽ hạ cánh mềm.
Ông David Bahnsen, Giám đốc đầu tư của The Bahnsen Group nói rằng thị trường cổ phiếu hiện đang chịu nhiều áp lực khi nền kinh tế ngày càng suy yếu, những bất định xoay quanh lợi nhuận doanh nghiệp và kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed.
“Tâm lý nhà đầu tư đang rất hoang mang. Chúng tôi tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất thêm một hoặc hai lần nữa cho đến khi mức lãi suất chạm mốc 4%. Sau đó Fed sẽ tạm dừng điều chỉnh lãi suất và đánh giá các tác động" - ông Bahnsen lưu ý thêm.
Trước đó, hôm 10/10, Giám đốc điều hành ngân hàng JPMorgan, ông Jamie Dimon, cảnh báo rằng nền kinh tế mỹ có thể rơi vào suy thoái trong vòng 6-9 tháng tới, đồng thời dự đoán S&P 500 có thể lao dốc thêm 20% tùy thuộc vào việc Fed đưa ra quyết định nhẹ nhàng hay cứng rắn với nền kinh tế. Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên đầu tuần, với Nasdaq Composite chạm mức thấp nhất trong 2 năm.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed tại Cleveland, bà Loretta Mester hôm 11/10 cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại cùng với việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ của Fed có nguy cơ đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình trạng suy thoái. Tuy nhiên, bà Mester khẳng định rằng việc giải quyết lạm phát là điều quan trọng nhất để nền kinh tế Mỹ tăng trưởng bền vững.
Tuần này cũng khởi động mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022. Vào ngày 14/10 tới, JPMorgan, Wells Fargo, Morgan Stanley và Citi - 4 trong số những ngân hàng lớn nhất thế giới - sẽ công bố báo cáo kinh doanh quý III.