Chứng khoán Mỹ 'nín thở' đợi báo cáo lạm phát, giá dầu tăng do căng thẳng Trung Đông

Thị trường trở nên thận trọng hơn trước khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi nhà đầu tư hồi hộp đợi báo cáo lạm phát quan trọng có thể định hình lại kỳ vọng về chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) trong thời gian tới. Giá dầu thô tăng hơn 1% do mối lo về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh mới ở Trung Đông.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,09%, đạt 5.482,87 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,3%, đạt 17.858,68 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 36,26 điểm, tương đương tăng 0,09%, đạt 39.164,06 điểm.

Loạt cổ phiếu chip vốn hóa lớn chốt phiên trong sắc đỏ, khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI) có tiếp tục đủ sức nóng để duy trì đà tăng cho thị trường trong nửa sau của năm nay. Cổ phiếu Micron giảm hơn 7% sau khi hãng công bố dự báo doanh thu quý 4 không nằm ngoài dự báo. Cổ phiếu Nvidia - cổ phiếu AI được ưa chuộng nhất ở Phố Wall thời gian qua - giảm 1,9%.

Thị trường trở nên thận trọng hơn trước khi Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) vào ngày thứ Sáu. PCE lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - được dự báo tăng 2,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,1% so với tháng trước, theo một cuộc khảo sát chuyên gia kinh tế của hãng tin Dow Jones.

Giới đầu tư đang hy vọng báo cáo này sẽ cho thấy lạm phát trong nền kinh tế Mỹ tiếp tục dịu đi, qua đó củng cố khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất trong năm nay.

Bởi vậy, “nếu số liệu PCE gây thất vọng, nỗi lo ‘stagflation’ (tình trạng của nền kinh tế với lạm phát cao đi cùng với tăng trưởng trì trệ) sẽ nổi lên. Tuy nhiên, nếu số liệu PCE đi ngang hoặc gây bất ngờ theo chiều hướng yếu hơn dự báo, thị trường sẽ cảm thấy yên tâm sau khi bước sang tháng 7”, chiến lược gia trưởng Quincy Krosby của LPL Financial nhận định với hãng tin CNBC.

“Một thị trường đã mua quá nhiều và tương đối đắt đỏ, với sự tăng điểm chỉ tập trung vào một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn, có lẽ cần phải điều chỉnh lại và cho phép các nhóm cổ phiếu khác cùng tham gia vào xu hướng tăng hoặc thậm chí là dẫn dắt thị trường. Những điều chỉnh như thế có thể dẫn tới mức độ biến động mạnh lên, nhưng cũng mang lại cơ hội nhiều hơn cho nhà đầu tư”, bà Krosby nói.

Số liệu thống kê kinh tế Mỹ công bố ngày thứ Năm nhìn chung ủng hộ quan điểm rằng Fed sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất. Trong đó, báo cáo hàng tuần của Bộ Lao động cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm xuống trong tuần trước, nhưng số người thất nghiệp ở Mỹ ở thời điểm giữa tháng 6 tăng lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 1,34%, chốt ở mức 86,39 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,84 USD/thùng, tương đương tăng 1,04%, chốt ở 81,74 USD/thùng.

Dầu tăng giá do nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh giữa Israel và phiến quân Hezbollah - lực lượng có sự hậu thuẫn của Iran.

Israel đã triển khai quân tới khu vực biên giới phía Bắc với Lebanon trong tuần này, khi các cuộc tấn công từ bên kia biên giới gia tăng trong thời gian từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 - theo một báo cáo từ RBC Capital Markets. Công ty phân tích thị trường nhận định tất cả các dấu hiệu đều đang cho thấy khả năng xảy ra đối đầu quân sự trực tiếp giữa Hezbollah và Israel.

“Nguy cơ thực sự đối với nguồn cung năng lượng trong khu vực sẽ là khi Iran nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Israel nhằm mục đích quốc tế hóa tổn thất của xung đột, hoặc khi Israel nhằm vào các cơ sở năng lượng của Iran”, một báo cáo của RBC nhận định.

Dầu tăng giá bất chấp báo cáo thống kê hôm thứ Tư cho thấy tồn kho xăng và dầu thô của Mỹ đều tăng trong tuần trước. Những dữ liệu này là dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ở nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể không mạnh như kỳ vọng trong mùa hè năm nay.

“Nếu không vì căng thẳng địa chính trị đang nhích lên đều đặn ở Trung Đông, giá dầu có lẽ đã giảm trong phiên này”, nhà phân tích John Evans của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil viết trong một báo cáo.

Chuyên gia Daniel Yergin của công ty S&P Global cho rằng căng thẳng ở Trung Đông đang là một nhân tố quan trọng chi phối thị trường dầu. Ông cảnh báo giá dầu có thể tăng mạnh trong thời gian tới, tương tự như hồi tháng 4 khi giá dầu vượt mốc 90 USD/thùng trong bối cảnh Israel và Iran mấp mé miệng hố chiến tranh.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-nin-tho-doi-bao-cao-lam-phat-gia-dau-tang-do-cang-thang-trung-dong.htm