Chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên cuối tuần sau đợt bán tháo
Chuyên gia của công ty tài chính Cresset Capital nhận định sau nhiều phiên đi xuống, các nhà đầu tư có thể cảm thấy hầu hết các tin xấu đã được đưa ra và có lẽ hoạt động bán ra đã diễn ra quá mức.
Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ hầu hết đi xuống và chỉ phục hồi trong phiên cuối tuần.
Tính chung cả tuần, chỉ số Nasdaq tăng 0,55% và đánh dấu tuần đi lên thứ ba liên tiếp, trong khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 giảm lần lượt 2,7% và 0,66%. Cả ba chỉ số hiện đều cao hơn so với đầu năm 2023.
Trong phiên đầu tuần (17/1), chứng khoán Mỹ biến động trái chiều, sau khi số liệu cho thấy tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại trong năm 2022 và giá khí đốt châu Âu chạm mức thấp nhất trong 16 tháng.
Sang phiên 18/1, chứng khoán Phố Wall đi xuống, giữa bối cảnh giới giao dịch cân nhắc những số liệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ đang tăng chậm lại.
Khi mở cửa, các chỉ số chính ở New York đều tăng cao hơn sau khi báo cáo cho thấy doanh số bán lẻ tháng 12/2022 tại Mỹ giảm mạnh bất ngờ. Giá sản xuất trong cùng giai đoạn cũng đi xuống.
Những báo cáo trên đã gia tăng kỳ vọng về một sự xoay trục chính sách sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Khả năng ngân hàng trung ương này từ bỏ các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ đã giúp nâng đỡ tâm lý thị trường.
Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ đã nhanh chóng giảm sau đó và tiếp tục giảm sâu hơn trong buổi chiều. Giới quan sát cho rằng có vẻ nhà đầu tư đã mua vào hơi quá mức.
Ngoài ra, ông Sam Stovall, người đứng đầu bộ phận chiến lược đầu tư tại công ty nghiên cứu thị trường CFRA Research cho biết, các số liệu kinh tế mới của Mỹ cũng làm nổi bật rủi ro suy thoái của nước này.
Hy vọng về sự phục hồi của Trung Quốc tiếp tục mang lại sự hỗ trợ rất cần thiết. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc phát biểu tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức ở Davos, Thụy Sĩ rằng tăng trưởng kinh tế của nước này có thể sẽ phục hồi trong năm nay, khi Trung Quốc mở cửa trở lại với thế giới.
Phát biểu này đã làm tăng thêm hy vọng về một sự phục hồi cho kinh tế toàn cầu sau một năm nhiều sóng gió do giá cả và lãi suất tăng, kinh tế Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, chi phí năng lượng leo thang đột biến và xung đột tại Ukraine.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi xuống trong phiên 19/1, sau khi số liệu đáng thất vọng về kinh tế Mỹ và báo cáo thu nhập của các công ty làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu vào cuối năm nay.
Chứng khoán Phố Wall đi xuống sau khi Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard cam kết một đường lối cứng rắn đối với lạm phát. Bà khẳng định ngân hàng trung ương này sẽ "giữ nguyên định hướng" trong cuộc chiến chống giá cả phi mã.
Một số quan chức Fed khác cũng đã cảnh báo rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách của mình cho đến khi lạm phát rời khỏi mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Vẫn có các yếu tố khác trấn an tâm lý nhà đầu tư, như thị trường lao động tương đối mạnh ở Mỹ và Trung Quốc mở cửa trở lại sau khi nới chính sách Zero COVID-19 nghiêm ngặt ở nước này.
Tuy nhiên, nhà phân tích Edward Moya tại công ty môi giới tài chính OANDA cho hay những lo ngại về suy thoái kinh tế Mỹ vẫn tồn tại và chúng sẽ không sớm biến mất.
Ông Joshua Mahony, nhà phân tích cấp cao tại nền tảng giao dịch trực tuyến IG cho biết chứng khoán Mỹ một lần nữa trượt dốc do lo ngại về lãi suất cao kéo dài đã gạt bỏ sự lạc quan gần đây về lạm phát yếu đi.
Trong phiên cuối tuần 20/1, chứng khoán Phố Wall đã thoát khỏi tình trạng suy yếu trong những ngày gần đây và đi lên, với nhóm cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà tăng.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 33.375,49 điểm trong khi chỉ số S&P 500 tăng 1,9% lên 3.972,61 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 2,7% lên 11.140,43 điểm.
Chuyên gia Jack Ablin của công ty tài chính Cresset Capital nhận định sau nhiều phiên đi xuống, các nhà đầu tư có thể cảm thấy hầu hết các tin xấu đã được đưa ra và có lẽ hoạt động bán ra đã diễn ra quá mức.
Gã khổng lồ trong lĩnh vực phát trực tuyến Netflix đã báo cáo lợi nhuận hàng quý thấp hơn, song giá cổ phiếu của hãng này vẫn tăng 8,5% sau khi số lượng người đăng ký tăng vượt ước tính của các nhà phân tích, giữa lúc các bộ phim ăn khách như "Wednesday" và "Harry & Meghan" thu hút thêm người xem mới.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng trích dẫn ý kiến của thành viên Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller về việc tán thành mức tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo của Fed, thấp hơn so với các đợt tăng lãi suất gần đây.
Hiện nay, lãi suất quỹ liên bang đang ở trong khoảng 4,25-4,5%. Nếu Fed nâng 0,25 điểm phần trăm, lãi suất sẽ lên khoảng 4,5-4,75%.
Nhiều chuyên gia, trong đó có tỷ phú Jamie Dimon - Chủ tịch kiêm CEO ngân hàng JPMorgan - cho rằng Fed sẽ nâng lãi suất lên trên 5% thậm chí hơn 6%./.