Chứng khoán Mỹ: Tâm lý thận trọng bao trùm, 3 chỉ số chính nhuộm sắc đỏ
Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tháng 8 khi nhà đầu tư hoài nghi liệu đà tăng mạnh trong tháng 7 có tiếp diễn hay không.
Theo CNBC, chốt phiên giao dịch ngày 1/8, cả 3 chỉ số chính đều đứt mạch chuỗi leo dốc liền 3 phiên, với chỉ số S&P 500 mất 0,28% xuống còn 4.118,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng sụt 0,18% về còn 12.368,98 điểm, còn Dow Jones hạ 46,73 điểm (tương đương 0,14%) còn 32.798,40 điểm.
Dow Jones giảm điểm dù cổ phiếu Boeing tăng tới 6,13% sau khi Chính phủ Mỹ thông qua kế hoạch công ty này có thể tiếp tục giao những chiếc máy bay Boeing 787.
Lĩnh vực năng lượng giảm mạnh nhất trên sàn Phố Wall trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 8 do giá dầu lao dốc. Cổ phiếu Diamondback Energy, ExxonMobil, Chevron và Devon Energy đều chìm trong sắc đỏ.
Chỉ số Quản lý thu mua (PMI) của Viện quản lý cung ứng (ISM) vẫn trên ngưỡng 50, nhưng chỉ còn ở mức 52,8 điểm trong tháng 7. Chỉ số này giảm nhẹ so với mức 53 điểm của tháng 6, song lại ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020, phản ánh hoạt động sản xuất tại Mỹ tăng trưởng chậm lại.
Điểm tích cực duy nhất tới từ chỉ số phụ đo lường giá cả của ISM khi phản ánh áp lực chi phí mà các doanh nghiệp phải đối mặt đang có dấu hiệu suy yếu, giảm xuống ngưỡng 60 điểm, thấp hơn nhiều so với 78,5 điểm trong tháng trước đó đồng thời thấp nhất gần 2 năm qua.
Bên cạnh đó, chỉ số việc làm trong tháng 7 tăng lên 49,9 điểm, tăng 2,6 điểm so với tháng trước đó.
Trước đó, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm và ghi nhận tháng tăng điểm mạnh nhất từ đầu năm 2022. Tính chung trong tháng 7, chỉ số Dow Jones cộng 6,7%, chỉ số S&P 500 tăng 9,1% và Nasdaq Composites vọt 12,4% khi nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu công nghệ sau giai đoạn giảm điểm kéo dài.
Chiến lược gia trưởng về đầu tư John Stoltzfus tại Oppenheimer nhận định: “Thị trường Phố Wall giao dịch khởi sắc trong tuần trước khi nhà đầu tư nhận định những động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã có những tác động nhất định lên lạm phát”.
Trong ngày 1/8, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm do giới đầu tư lo ngại về sự suy thoái của nền kinh tế.
Ian Lyngen - Giám đốc đầu tư tại BMO, nói rằng tâm lý lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng tăng khi lạm phát tiếp tục lập mức cao kỷ lục.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm là yếu tố quan trọng vì nó ảnh hưởng đến lãi suất cho vay thế chấp và các khoản vay tiêu dùng cũng như kinh doanh khác.
Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ chờ đợi kết quả một số dữ liệu kinh tế quan trọng và báo cáo lợi nhuận của một số doanh nghiệp đáng chú ý.
Ngoài ra, báo cáo việc làm lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 7 của Cục Thống kê lao động sẽ giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về thị trường việc làm của nền kinh tế số một thế giới. Tốc độ tăng trưởng việc làm ổn định chính là cơ sở để nhiều chuyên gia kinh tế nhận định kinh tế Mỹ chưa rơi vào suy thoái dù đã có hai quý sụt giảm liên tiếp. Báo cáo lợi nhuận của Caterpillar, PayPal và Starbucks sẽ được công bố trong tuần này.
Cho đến nay, 56% công ty trong nhóm S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II, trong đó 73% có mức lợi nhuận cao hơn dự báo của giới phân tích, theo FactSet.