Chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh sau báo cáo PCE, giá dầu trượt dốc

'Thị trường chứng khoán đang hành xử như thể tất cả mọi thứ đều lạc quan. Đã có thêm tín hiệu về hạ cánh mềm'...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (30/8) sau khi đón nhận dữ liệu lạm phát quan trọng, với chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức kỷ lục mới và hoàn tất một tháng tăng với nhiều biến động. Giá dầu thô sụt mạnh khi nhà đầu tư lo ngại nhiều về việc OPEC+ tiến tới nâng sản lượng khai thác dầu từ tháng 10 năm nay.

Dow Jones tăng 228,04 điểm, tương đương tăng 0,55%, chốt ở mức 41.563,06 điểm. Chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue-chip thành viên đạt kỷ lục nội phiên ở những phút giao dịch cuối cùng, đồng thời chốt phiên ở mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.

Chỉ số S&P 500 tăng 1,01%, đóng cửa ở mức 5.648,4 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,13%, đạt 17.713,62 điểm.

Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 7 tăng 0,2% so với tháng trước và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Các mức tăng này phù hợp với dự báo mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PCE lõi - thước đo loại trừ hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động là năng lượng và thực phẩm - tăng 0,2% so với tháng trước.

Số liệu PCE là thước đo lạm phát quan trọng đối với các quyết định chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Báo cáo lần này có thể có ảnh hưởng mang tính quyết định tới cuộc họp vào tháng tới của ngân hàng trung ương Mỹ.

Sau khi báo cáo được công bố, kỳ vọng của nhà đầu tư về cuộc họp ngày 18/9 của Fed về cơ bản không thay đổi. Thị trường vẫn đặt cược 100% Fed hạ lãi suất trong lần họp này, nhưng đặt cược vào mức giảm 0,25 điểm phần trăm tăng nhẹ lên mức 67% và đặt cược vào mức giảm 0,5 điểm phần trăm giảm nhẹ còn 33%.

“Thị trường chứng khoán đang hành xử như thể tất cả mọi thứ đều lạc quan. Đã có thêm tín hiệu về hạ cánh mềm, và có ít tín hiệu hơn về việc Fed sẽ giảm lãi suất quyết liệt”, chiến lược gia trưởng Michael Green của công ty Simplify Asset Management nhận định.

Đầu tháng này, chứng khoán Mỹ đã bán tháo do mối lo kinh tế Mỹ suy thoái, với S&P 500 ở thời điểm chạm đáy của tháng đã giảm tới 7,3%; Dow Jones và Nasdaq giảm tương ứng 5,4% và 10,7% so với đầu tháng. Sau đó, thị trường nhanh chóng “hoàn hồn” khi nỗi lo suy thoái lắng xuống. Cả tháng, S&P 500 tăng 2,3%; Dow Jones tăng gần 1,8% và Nasdaq tăng 0,7%.

Cổ phiếu công nghệ là nhóm đã trải qua những phiên bán tháo trong tháng 8 này, trong khi cổ phiếu hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản và y tế là những nhóm được mua nhiều, giữ vai trò trụ cột đưa thị trường đi lên.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 10 tại London giảm 1,14 USD/thùng, tương đương giảm 1,43%, còn 78,8 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,36 USD/thùng, tương đương giảm 3,11%, còn 73,55 USD/thùng.

Giá dầu Brent giảm 0,3% trong tuần này và giảm 2,4% trong tháng 8 này. Giá dầu WTI ghi nhận mức giảm 1,7% trong tuần và giảm 3,6% trong tháng.

Liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+, dự kiến từ tháng 10 tới sẽ bắt đầu thu lại một chương trình cắt giảm sản lượng khai thác dầu. Điều này đồng nghĩa OPEC+ sẽ nâng sản lượng khai thác trở lại. Quyết định thu hẹp chương trình cắt giảm sản lượng đã được liên minh công bố cách đây mấy tháng, nhưng khả năng thay đổi quyết định vẫn được để ngỏ.

Tuy nhiên, nguồn thạo tin cho biết mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu gần đây đã không thể cản trở OPEC+ quyết tâm thực hiện kế hoạch tăng sản lượng nói trên. Gần đây, mối lo về sự thắt chặt nguồn cung đã nổi lên, khi nội chiến khiến sản lượng dầu của Libya sụt giảm và một số thành viên OPEC+ cam kết giảm sản lượng để bù đắp cho những giai đoạn sản xuất quá mức hạn ngạch trong khuôn khổ liên minh.

“Việc OPEC tiến tới nâng sản lượng trở lại là yếu tố đẩy giá dầu sụt giảm ngày hôm nay”, nhà phân tích Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định.

Ngoài ra, theo ông Lynn, với chỉ số PCE không giảm tốc nhiều hơn kỳ vọng, Fed sẽ chỉ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9, thay vì giảm 0,5 điểm phần trăm, và điều này cũng gây bất lợi cho giá dầu.

“Số liệu lạm phát về cơ bản củng cố khả năng lãi suất chỉ giảm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 9. Những ai mong mức giảm 0,5 điểm phần trăm sẽ phải đợi”, ông Flynn nói.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-tang-diem-manh-sau-bao-cao-pce-gia-dau-truot-doc.htm