Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn
Cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều tăng điểm vào thứ Hai nhờ vào đà tăng của nhóm cổ phiếu lớn 'Magnificent Seven'…
Kết thúc phiên 23/12, chỉ số Dow Jones tăng 66,69 điểm (+0,16%) đạt 42.906,95 điểm, S&P 500 thêm 43,22 điểm (+0,73%) lên mức 5.974,07 điểm và Nasdaq Composite leo 192,29 điểm (+0,98%) thành 19.764,89 điểm.
8 trong số 11 nhóm ngành thuộc S&P cũng khép lại phiên giao dịch thứ Hai trong sắc xanh, dẫn đầu là ngành dịch vụ truyền thông với mức tăng 1,4%.
Cổ phiếu Meta Platforms, Nvidia và Tesla đồng loạt tăng mạnh từ 2,3% đến 3,7%, trong khi Apple, Amazon.com và Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng đóng cửa trong vùng tích cực. Với việc các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn có sức ảnh hưởng đáng kể lên thị trường, hiệu suất của chúng trong tuần giao dịch rút ngắn sẽ càng được chú ý hơn.
Cổ phiếu Qualcomm leo 3,5% sau khi một bồi thẩm đoàn xác nhận các bộ vi xử lý trung tâm của hãng được cấp phép hợp lệ theo một thỏa thuận với Arm Holdings. Cổ phiếu của Arm, đơn vị yêu cầu xét xử lại, giảm 4%.
Cổ phiếu Eli Lilly thêm 3,7% nhờ tin tức Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt loại thuốc giảm cân Zepbound của hãng cho việc điều trị chứng ngưng thở khi ngủ. Cổ phiếu của các nhà sản xuất thuốc tương tự như ResMed và Inspire Medical lần lượt trượt 2,6% và 0,1%.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 12,76 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 14,89 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Sau đà tăng vững chắc kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, Phố Wall đã gặp phải một số trở ngại trong tháng này, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo sẽ chỉ có hai đợt giảm lãi suất vào năm 2025 thay vì bốn đợt như dự báo hồi tháng 9. Fed cũng đồng thời nâng mức dự báo lạm phát hàng năm.
Chris Zaccarelli, Giám đốc đầu tư tại Northlight Asset Management nhận định rằng mặc dù đã có một số điều chỉnh trong những ngày gần đây khi các nhà đầu tư thay đổi kỳ vọng về lãi suất, nhưng nhiều xu hướng hỗ trợ vẫn tiếp tục được duy trì, bao gồm tâm lý lạc quan về cổ phiếu ngành công nghệ và công nghệ hỗ trợ.
"Chúng ta đang chứng kiến một bức tranh thu nhỏ của toàn bộ năm trong phiên giao dịch hôm nay. Đà phục hồi đã trở lại, bất chấp những dao động nhỏ trong vài tuần gần đây”, ông Zaccarelli cho biết.
Thị trường cũng đang bước vào giai đoạn thường được đánh giá là tích cực đối với chứng khoán Mỹ. Kể từ năm 1969, 5 ngày giao dịch cuối cùng của năm, kết hợp với 2 ngày đầu năm mới, đều mang lại mức tăng trung bình 1,3% cho S&P 500. Giai đoạn này được gọi là hiệu ứng "Santa Claus Rally”.
GIÁ DẦU GIẢM NHẸ
Trên thị trường năng lượng, giá dầu có phần biến động trong phiên giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, đặc biệt khi có nhiều lo ngại về tình trạng thừa cung vào năm tới và đồng USD mạnh lên.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 31 cent, tương đương 0,43%, xuống 72,63 USD/thùng. Giá dầu West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giảm 22 cent, tương đương 0,32%, xuống 69,24 USD/thùng.
Các nhà phân tích của Macquarie dự báo nguồn cung dầu có thể dư thừa trong năm tới, do đó giá Brent trung bình sẽ chỉ đạt 70,50 USD/thùng, thấp hơn so với mức trung bình 79,64 USD/thùng của năm 2024.
Trong khi đó, những lăn tăn về nguồn cung tại châu Âu cũng đã giảm bớt nhờ thông tin đường ống Druzhba - vận chuyển dầu Nga và Kazakhstan tới Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Đức - đã hoạt động trở lại sau sự cố kỹ thuật tại trạm bơm của Nga.
Đồng USD tiếp tục duy trì quanh ngưỡng cao nhất trong hai năm vào sáng thứ Hai kể từ khi chạm mốc này vào thứ Sáu tuần trước.
"Với việc đồng USD từ yếu chuyển sang mạnh, giá dầu đã từ bỏ đà tăng trước đó”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS nhận định. Đồng USD mạnh lên khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.