Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau báo cáo bán lẻ, giá dầu giằng co
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (16/11), nhờ số liệu khả quan về doanh thu bán lẻ...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Giá dầu thô tiếp tục giằng co vì một bên là khả năng giảm lượng dầu tồn kho toàn cầu, một bên là dự báo về sản lượng dầu tăng và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở châu Âu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,15%, đạt 36.142,22 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,39%, đạt 4.700,9 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,76%, đạt 15.973,86 điểm.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 10 ở nước này tăng 1,7%, một mức tăng cao hơn dự báo. Kết quả kinh doanh khả quan từ hãng bán lẻ đồ trang trí nhà cửa Home Depot cũng kích thích tâm trạng của nhà đầu tư. Báo cáo tài chính của “đế chế” bán lẻ Walmart cũng tốt hơn kỳ vọng.
Tất cả những dữ liệu này cho thấy người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu trong quý 3, bất chấp giá cả liên tục tăng nóng.
“Giá cổ phiếu đi lên sau một báo cáo bán lẻ ấn tượng, số liệu vững chắc về sản lượng công nghiệp, và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ lớn. Các báo cáo này đều phản ánh rằng người tiêu dùng đang chống chọi tốt với sự gia tăng giá cả hiện nay. Đây là chỉ báo về một mùa mua sắm cuối năm khả quan cho các nhà bán lẻ, và điều đó sẽ duy trì đà tăng của thị trường chứng khoán”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,38 USD/thùng, tương đương tăng 0,5%, chốt ở 82,43 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 0,12 USD/thùng, tương đương giảm 0,2%, còn 80,76 USD/thùng.
“Thị trường dầu vẫn thắt chặt trong ngắn hạn, và điều này sẽ hỗ trợ cho giá dầu”, nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank nói với hãng tin Reuters.
CEO Jeremy Weir của Trafigura Group nói tình trạng thắt chặt của thị trường dầu toàn cầu là do nhu cầu tiêu thụ dầu đã quay trở lại mức trước đại dịch.
Tuy nhiên, giá dầu cũng chịu áp lực từ những dự báo cho rằng nguồn cung sẽ tăng lên trong thời gian tới. Sản lượng dầu tư vùng Permian thuộc bang Texas, một “vựa” dầu của Mỹ, được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục 4,953 triệu thùng/ngày trong tháng 12.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng đợt tăng giá này của giá dầu có thể suy yếu vì giá dầu cao khuyến khích nhiều công ty khai thác dầu khí tăng sản lượng, đặc biệt ở Mỹ. IEA dự báo giá dầu Brent bình quân ở mức 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022.
Trong khi đó, hãng dầu lửa quốc doanh Rosneft của Nga dự báo giá dầu có thể đạt 120 USD/thùng trong nửa sau của năm 2022, theo hãng thông tấn TASS.
Tổng thư ký Mohammad Barkindo của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) dự báo thị trường dầu sẽ thừa cung từ đầu tháng 12, và thị trường dầu sẽ tiếp tục dư cung trong năm tới. Tuần trước, OPEC cắt giảm 330.000 thùng ngày trong dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong quý 4 năm nay từ mức dự báo đưa ra hồi tháng 10.
Mối lo của giới đầu tư về sự suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu cũng gia tăng khi châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch Covid. Một số nước ở khu vực này đang cân nhắc tái áp phong tỏa để ngăn sự gia tăng mạnh mẽ của số ca nhiễm. Trung Quốc cũng đang đương đầu với đợt bùng dịch lớn nhất từ trước đến nay, do biến chủng Delta.
Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ xu hướng mạnh lên của đồng USD thời gian gần đây, với chỉ số Dollar Index đạt mức cao nhất 16 tháng. Dầu thô và nhiều hàng hóa cơ bản khác được định giá bằng USD, nên thường giảm giá khi USD tăng giá và ngược lại.