Chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc khi Nga-Ukraine chưa đạt thỏa thuận ngừng bắn
Chỉ số Dow Jones ghi nhận tuần thua lỗ thứ năm liên tiếp, do nhà đầu tư vẫn thận trọng về diễn biến cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones sụt 229,88 điểm còn 32.944,19 điểm, do đà giảm mạnh của Nike và Apple. Chỉ số S&P 500 giảm 1,3%, về mức 4.204,31 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng hạ 2,2% còn 12.843,81 điểm.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11/3 cho biết đã có “những chuyển biến tích cực nhất định” trong cuộc đàm phán giữa Nga với Ukraine. Tuy nhiên, hai bên chưa đàm phán về lệnh ngừng bắn. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng Ukraine đã đạt tới một “bước ngoặt mang tính chiến lược” trong cuộc chiến với Nga.
Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi quốc hội Mỹ xóa bỏ tư cách tối huệ quốc (MFN) của Nga trong quan hệ thương mại với Mỹ. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật ngân sách bao gồm 14 tỷ USD viện trợ cho Ukraine.
“Sàn giao dịch Phố Wall tiếp tục trải qua tuần giao dịch ảm đạm vì những hy vọng về ngừng bắn lại chuyển thành thất vọng. Sự bất ổn về địa chính trị ngày càng gia tăng” - chuyên gia Ryan Detrick của LPL Financial nhận xét.
Tính chung trong tuần, Dow Jones giảm 2%, S&P 500 mất 2,9%, và Nasdaq trượt 3,5%. Đây là tuần giảm thứ 5 liên tiếp của Dow Jones, còn S&P 500 và Nasdaq có tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Trả lời phỏng vấn đài CNBC, ông Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư trưởng của Leuthold Group, cho rằng bình luận của Tổng thống Nga Putin liên quan tới đàm phán ngừng bắn có tiềm năng mang đến những tin tức tốt cho thị trường những ngày tới. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tài chính chưa hoàn toàn đặt trọn niềm tin vào bình luận của nhà lãnh đạo Nga.
Trong khi đó, báo cáo của ngân hàng Bank of America cho rằng đà lao dốc của chứng khoán Mỹ do ảnh hưởng từ cuộc xung đột vũ trang Nga-Ukraine có thể đã chạm đáy.
Chiến lược gia Savita Subramanian của Bank of America Securities đánh giá: “Chỉ số S&P 500 đã giảm 12% kể từ mức đỉnh, điều này cho thấy một sự điều chỉnh về mức hợp lý sau đợt tăng nóng trước đó. Diễn biến của giá cổ phiếu gần đây chủ yếu phản ánh bất ổn về địa chính trị. S&P 500 đã sụt 9% từ mức đỉnh kể khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang vào đầu tháng 2, tương tự mức giảm từ 7-8% trong các sự kiện vĩ mô/địa chính trị”.
Đà sụt giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra trong bối cảnh giá dầu phục hồi. Giá dầu WTI tăng 2,9% lên khoảng 109 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tiến 2,9% lên khoảng 112 USD/thùng. Dù vậy, giá dầu thô đã rời khỏi mức kỷ lục thiết lập vào đầu tuần.
Các số liệu kinh tế công bố trong ngày 11/3 cho thấy, chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan giảm mạnh từ mức 62,8 điểm trong tháng 2 xuống 59,7 điểm trong tháng 3, chứng kiến mức thấp nhất kể từ tháng 9/2011.
“Mức sụt giảm của niềm tin người tiêu dùng do các hộ gia đình tại Mỹ đang quan ngại về lạm phát cao khiến nhà đầu thêm lo lắng rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm tốc, thậm chí có thể rơi vào suy thoái”.