Chứng khoán Mỹ trải qua tuần giao dịch nhiều biến động

Dù mất điểm trong phiên cuối tuần, song tính chung cả tuần, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đã tăng với các mức tương ứng là 1,9%, 1,5% và 1,5%.

Giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giao dịch viên làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chỉ số Dow Jones và chỉ số S&P 500 đều chấm dứt chuỗi mất điểm bốn tuần, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng tuần thứ hai liên tiếp.

Chỉ số Dow Jones chốt phiên cuối tuần giảm 134,09 điểm, hay 0,5%, xuống 27.682,81 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 32,36 điểm, 1%, xuống 3.348,44 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 251,49 điểm, 2,2%, xuống 11.075,02 điểm.

Kết thúc phiên đầu tuần 28/9, chỉ số Dow Jones tăng 1,5% lên 27.584,06 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,6% lên 3.351,60 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite cũng tăng 1,9% và khép phiên ở mức 11.117,53 điểm.

Tuy nhiên, chốt phiên 29/9, chỉ số Dow Jones và chỉ số S&P 500 đồng loạt giảm 0,5% xuống các mức tương ứng 27.452,66 điểm và 3.335,47 điểm, còn chỉ số Nasdaq giảm 0,3% xuống 11.085,25 điểm.

Bước sang phiên 30/9, chỉ số Dow Jones tăng 1,6% lên 27.781,7 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,83% lên 3.363 điểm, chỉ số Nasdaq tăng 0,74% lên 11.167,51 điểm.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên trong phiên 1/10, chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,4% lên 11.326,51 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,5% lên 3.380,80 điểm, còn chỉ số Dow Jones "nhích" 0,1% lên 27.816,90 điểm.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 2/10, do các nhà đầu tư chịu sức ép tâm lý sau khi Tổng thống Donald Trump có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và báo cáo việc làm tháng Chín của Mỹ yếu hơn dự kiến trong bối cảnh có những hy vọng về gói kích thích kinh tế mới.

Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump cho biết ông và phu nhân có kết quả dương tính với COVID-19, sẽ bắt đầu cách ly và bắt đầu quá trình phục hồi.

Đệ nhất phu nhân Melania Trump nói bà và Tổng thống vẫn cảm thấy ổn, trong khi ông Trump nói ông có triệu chứng nhẹ và đang làm việc tại Nhà Trắng.

Trước đó, một trong những cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Donald Trump là bà Hope Hicks đã nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 vào ngày 1/10, sau hai ngày di chuyển cùng nhà lãnh đạo Mỹ tới Ohio và Minnesota.

Người phụ trách đầu tư của UBS Global Wealth Management, Mark Haefele, nhận định rằng tin ông Trump mắc COVID-19 càng khiến cuộc bầu của Tổng thống sắp tới trở nên khó dự đoán hơn, đồng thời làm tăng sự chú ý tới thực tế là nền kinh tế chưa quay lại trạng thái bình thường hơn.

Nếu có sự thay đổi trong chính sách y tế cộng đồng thì khả năng là các biện pháp hạn chế sẽ được tăng cường, từ đó khiến triển vọng kinh tế và thị trường trở nên không chắc chắn.

Sáng 2/10 (theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 2.200 tỷ USD khi cuộc đàm phán giữa Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và quan chức Nhà Trắng về gói hỗ trợ tiếp theo không có tiến triển.

Tuy nhiên, bà Pelosi trong phát biểu với báo giới cho rằng sẽ đạt thỏa thuận với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, khi kết quả xét nghiệm của Tổng thống đã làm thay đổi tình hình. Bà cũng nói Hạ viện sẽ thúc đẩy việc hỗ trợ cho các lao động ngành hàng không, hoặc theo quy định riêng hoặc theo thỏa thuận về gói kích thích.

Diễn biến về các cuộc đàm phán về gói kích thích mới và việc Tổng thống mắc COVID-19 đã khiến báo cáo việc làm tháng Chín của Mỹ gần như không được chú ý.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tạo thêm được 661.000 việc làm trong tháng 9/2020.

Con số này thấp hơn kỳ vọng nhưng đã góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ xuống mức 7,9%, đánh dấu nỗ lực phục hồi của Mỹ trong cuộc khủng hoảng COVID-19./.

Lê Minh (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chung-khoan-my-trai-qua-tuan-giao-dich-nhieu-bien-dong/171463.html