Chứng khoán Mỹ và giá dầu tiếp tục trượt dốc trong lúc chờ báo cáo việc làm

'Thị trường vẫn còn thận trọng sau phiên bán tháo ngày hôm qua. Nhà đầu tư còn hơi run, cảm thấy thiếu sự thuyết phục trong giao dịch'...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (4/9), đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp và một sự khởi đầu không mấy tốt đẹp cho tháng 9. Giá dầu cũng đi xuống trong lúc giới đầu tư chờ số liệu việc làm có thể phản ánh sắc nét hơn về tình trạng của nền kinh tế và triển vọng lãi suất.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 giảm 0,16%, còn 5.520,07 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,3%, còn 17.084,3 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones tăng 38,04 điểm, tương đương tăng 0,09%, chốt ở 40.974,97 điểm.

“Thị trường vẫn còn thận trọng sau phiên bán tháo ngày hôm qua. Nhà đầu tư còn hơi run, cảm thấy thiếu sự thuyết phục trong giao dịch. Mọi người đều đang đợi báo cáo việc làm sắp công bố vào ngày thứ Sáu. Cho tới khi có báo cáo đó, tâm lý chung sẽ là ‘chờ xem’”, đồng Giám đốc đầu tư Keith Lerner của công ty Truist nhận định với hãng tin CNBC.

Cổ phiếu Nvidia tiếp tục giảm điểm phiên này, mất 1,7%, sau khi hãng tin Bloomberg nói rằng Bộ Tư pháp Mỹ đã gửi trát hầu tòa tới nhà sản xuất con chip này. Cổ phiếu Nvidia đã giảm hơn 9% trong phiên ngày thứ Ba, chung xu hướng bán tháo cổ phiếu chip và công nghệ trên toàn thị trường.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn đã hồi phục trong phiên ngày thứ Tư, như AMD và Tesla tăng tương ứng 3% và 4%.

Các chỉ số thoát khỏi đáy của phiên giao dịch sau khi đường cong lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ có thời điểm quay trở lại trạng thái bình thường. Trước đó, đường cong này đảo ngược khi lợi suất của kỳ hạn 10 năm thấp hơn lợi suất của kỳ hạn 2 năm. Sự đảo ngược của đường cong lợi suất vốn được coi là một dấu hiệu của suy thoái kinh tế và luôn mang tới nỗi lo ngại cho nhà đầu tư.

Phiên ngày thứ Ba là phiên giảm mạnh nhất của chứng khoán Mỹ kể từ hôm 5/8. Cổ phiếu chip bị bán mạnh và mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế sau những số liệu mới nhất đã kéo tụt thị trường.

Tuy nhiên, nhà đầu tư ở Phố Wall đã chuẩn bị tinh thần để bước vào một tháng 9 nhiều biến động. Lịch sử cho thấy tháng 9 thường là một tháng xấu trong năm đối với chứng khoán Mỹ. Một số nhà giao dịch dự báo thị trường có thể giảm 5% hoặc hơn trong tháng 9 năm nay.

Trong những tuần gần đây, thị trường đã trải qua những cú giảm sâu như vậy, nhưng chiến lược gia Sid Vaidya của công ty TD Wealth cho rằng điều đó sẽ không khiến nhà đầu tư chùn bước.

“Chúng tôi cho rằng đây là biến động ngắn hạn và bình thường. Không vì diễn biến của thị trường trong một vài ngày mà chúng tôi thay đổi vị thế đầu tư của mình”, ông Vaidya phát biểu.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,05 USD/thùng, tương đương giảm 1,42%, còn 72,7 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,14 USD/thùng, tương đương giảm 1,62%, còn 69,2 USD/thùng.

Giá dầu đã giằng co giữa giảm và tăng trong suốt phiên giao dịch, do giới đầu tư lo ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu trong những tháng tới trong khi các nhà sản xuất dầu đưa ra những tín hiệu thiếu đồng nhất về nguồn cung. Giá “vàng đen” đang ở vùng thấp nhất của 9 tháng và đã để mất toàn bộ thành quả tăng của năm nay.

Theo hãng tin Reuters, liên minh OPEC+ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga có thể trì hoãn việc tăng sản lượng từ tháng 10 năm nay do sản lượng dầu của Libya có khả năng sẽ hồi phục.

Giá dầu Brent đã giảm khoảng 11% trong vòng hơn 1 tuần trở lại đây, khi các số liệu kinh tế ảm đạm từ Mỹ và Trung Quốc làm gia tăng mối lo về sự giảm tốc của nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu.

“Đây chắc chắn là mối lo về sự giảm tốc của ngành sản xuất. Đó là yếu tố tiêu cực duy nhất mà chúng ta đang chứng kiến”, nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group nhận định.

Hôm thứ Bảy tuần trước, số liệu từ Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 8 giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng. Hôm thứ Ba tuần này, số liệu từ Mỹ cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục ảm đạm.

Trong khi đó, các nhà giao dịch cho rằng Libya sắp giải quyết được tình trạng bế tắc chính trị, từ đó mở đường cho khôi phục hoạt động xuất khẩu dầu. Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh như vậy, OPEC+ nhiều khả năng sẽ trì hoãn việc nâng sản lượng trở lại để tránh gây thêm áp lực giảm lên giá dầu.

Bình Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-va-gia-dau-tiep-tuc-truot-doc-trong-luc-cho-bao-cao-viec-lam.htm