Chứng khoán Mỹ 'xanh' 5 tuần liên tiếp, giá dầu tăng 6%
Các kỳ vọng lãi suất Fed có thể sẽ được định hình sắc nét hơn vào tuần tới, khi dữ liệu CPI tháng 1 của Mỹ được công bố...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (9/2), với chỉ số S&P 500 đóng cửa ở mức hơn 5.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, hoàn tất tuần tăng thứ 5 liên tục. Giá dầu cũng đi lên và ghi nhận thành quả tăng khoảng 6% trong cả tuần.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,57%, chốt ở mức 5.026,61 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,25%, đạt 15.990,66 điểm. Riêng chỉ số Dow Jones giảm 54,64 điểm, tương đương giảm 0,14%, còn 38.671,69 điểm.
Cả tuần, S&P 500 tăng 1,4%; Nasdaq tăng 2,3%; và Dow Jones đi ngang. Đây là tuần tăng thứ ba liên tiếp của cả ba chỉ số và là tuần tăng thứ 14 trong vòng 15 tuần trở lại đây.
Mùa báo cáo tài chính quý 4/2023 tốt hơn dự báo, số liệu thống kê cho thấy lạm phát xuống thang và nền kinh tế vững vàng giữ vai trò là những nguồn động lực cho thị trường đi lên. Hôm thứ Tư tuần này, S&P 500 lần đầu tiên chạm mốc 5.000 điểm trong lịch sử. Chỉ số này vượt mốc 4.000 điểm lần đầu tiên vào tháng 4/2021.
“Thị trường đang phản ứng với các thông tin kinh tế khả quan. Nếu tiếp tục có thêm những dữ liệu kinh tế tốt, thị trường có vẻ sẽ củng cố niềm tin rằng nền kinh tế đang thực sự tiến tới một cuộc hạ cánh mềm”, đồng Giám đốc đầu tư Dana D’Auria của công ty Envestnet nhận định với hãng tin CNBC.
Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Sáu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 được điều chỉnh còn tăng 0,2% so với tháng trước, thay vì tăng 0,3% như báo cáo công bố lần đầu. Tính cả quý 4, CPI cả năm tăng 2,7%, cũng thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với số liệu sơ bộ.
Xu hướng giảm lạm phát là một nhân tố dọn đường để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, do sự vững vàng của tăng trưởng kinh tế và tình trạng thắt chặt của thị trường lao động, giới đầu tư gần như đã từ bỏ hy vọng vào khả năng Fed hạ lãi suất từ tháng 3 năm nay. Thay vào đó, nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Các kỳ vọng lãi suất có thể sẽ được định hình sắc nét hơn vào tuần tới, khi dữ liệu CPI tháng 1 được công bố.
Chiến lược gia trưởng Adam Turnquist của công ty LPL Financial nhận định việc S&P 500 đóng cửa trên mốc 5.000 điểm có thể sẽ tạo ra tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO), từ đó thúc đẩy nhà đầu tư xuống tiền nhiều hơn, giúp thị trường duy trì đà tăng. “Ngoài vai trò một cú huých tâm lý, những con số tròn như 5.000 điểm thường giữ vai trò là một vùng hỗ trợ hoặc kháng cự tâm lý đối với thị trường”, ông nói với CNBC.
Cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn tiếp tục là nhóm dẫn đầu xu thế hướng tăng của thị trường phiên này. Trong đó, cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia tăng 3,6% và cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ của công cụ tìm kiếm Google - tăng hơn 2%.
Đến phiên này đã có 332 trong số các công ty thành viên của S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 4. Trong đó có 81% đưa ra lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng - theo dữ liệu từ LSEG. Tỷ lệ này cao hơn so với mức bình quân 67% doanh nghiệp S&P 500 đạt kết quả kinh doanh quý vượt dự báo kể từ năm 1994 đến nay.
Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,56 USD/thùng, tương đương tăng 0,7%, chốt ở mức 82,19 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,62 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 76,84 USD/thùng.
Cả tuần này, giá mỗi loại dầu tăng khoảng 6%, sau khi giảm khoảng 7% trong tuần trước. Động lực chính cho giá dầu đi lên trong tuần này là mối lo về sự gián đoạn nguồn cung từ Trung Đông do căng thẳng địa chính trị gia tăng ở khu vực giữ vai trò một nguồn cung cấp dầu chủ lực của thế giới.
Tình hình ở dải Gaza trở nên nóng hơn sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ một đề xuất ngừng bắn từ phía Hamas vào hôm thứ Tư. Ngày thứ Sáu, lực lượng của Israel tiếp tục các cuộc không kích ở Gaza. Hôm thứ Năm, các cuộc không kích nằm vào thành phố Rafah đã khiến giá dầu nhảy khoảng 3%.
Hỗ trợ giá dầu trong tuần này còn có dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ cho rằng sản lượng khai thác dầu của nước này sẽ giảm dần trong năm nay và phải đến đầu năm 2025 mới lập kỷ lục mới. Số liệu mới nhất cho thấy sản lượng dầu của Mỹ đã trở lại mức kỷ lục 13,3 triệu thùng/ngày trong tuần này, sau khi giảm trong tháng 1 do thời tiết xấu gây tê liệt nhiều mỏ dầu.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang đối mặt với áp lực giảm từ triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
“Chúng tôi tin rằng giá dầu sẽ còn giằng co mạnh trong thời gian còn lại của tháng 2. Các tin tức từ Trung Đông sẽ dẫn tới sự điều chỉnh các cán cân trên thị trường dầu lửa toàn cầu”, Chủ tịch Jim Ritterbusch của công ty Ritterbusch and Associates nhận định với Reuters.
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chung-khoan-my-xanh-5-tuan-lien-tiep-gia-dau-tang-6.htm