Chứng khoán ngành Công Thương: Kỳ vọng gì ở cổ phiếu SBT của Thành Thành Công - Biên Hòa?

TTC Sugar (cổ phiếu SBT) sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với đường nhập khẩu và lợi thế cạnh tranh.

Chiếm thị phần lớn ngành mía đường Việt Nam

Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar; HOSE: SBT) tiền thân là Công ty liên doanh giữa Tập đoàn Group Bourbon, Liên hiệp Mía đường II và Liên hiệp Mía đường Tây Ninh, được thành lập ngày 15/7/1995. Tổng số vốn đầu tư ban đầu là 95 triệu USD và vốn pháp định đăng ký là 28,5 triệu USD. Trong đó Tập đoàn Group Bourbon sở hữu 70% vốn điều lệ, Liên hiệp Mía đường II sở hữu 15% và Liên hiệp Mía đường Tây Ninh sở hữu 15%.

Thành Thành Công - Biên Hòa chiếm gần một nửa thị phần ngành mía đường Việt Nam

Thành Thành Công - Biên Hòa chiếm gần một nửa thị phần ngành mía đường Việt Nam

Năm 2007, công ty chuyển đổi hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với tên gọi là Công ty Cổ phần Bourbon Tây Ninh. Năm 2013, chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh. Ngày 01/9/2017, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa chính thức sáp nhập vào Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh với tỷ lệ hoán đổi 1:1.02. Ngày 29/11/2017, doanh nghiệp này tiếp tục đổi tên thành Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa.

Tại Đại hội cổ đông thường niên niên độ 2022-2023 diễn ra cuối tháng 10/2022, SBT đã trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng quy mô nguồn vốn. Theo đó, số lượng dự kiến chào bán là gần 126 triệu cổ phiếu (tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành).

Thời gian thực hiện trước ngày 30/6/2023, giá sẽ được ủy quyền cho hội đồng quản trị xác định và công bố sau. Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đủ năng lực đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán, có chiến lược phù hợp với công ty.

Bên cạnh đó, SBT cũng thống nhất phương án phát hành khoảng 1.000 tỷ đồng trái phiếu. Chủ trương sáp nhập công ty con theo phương án tái cấu trúc nhằm tối ưu hóa hoạt động…

Kỳ vọng gì ở cổ phiếu SBT?

Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC), SBT công bố doanh thu quý II niên độ 2022-2023 là hơn 6.981 tỷ đồng (tăng 40% cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 122 tỷ đồng (giảm 49% so với cùng kỳ). Lũy kế 6 tháng/2022-2023, SBT ghi nhận doanh thu 12.305 tỷ đồng (tăng 32% so với cùng kỳ), lợi nhuận sau thuế đạt 384 tỷ đồng (giảm 12% so với cùng kỳ).

Doanh thu quý II/2022-23 tăng trưởng mạnh nhờ tăng sản lượng tiêu thụ qua các kênh bán hàng, trong đó, sản lượng kênh xuất khẩu tăng hơn 70% so với cùng kỳ, kênh công nghiệp B2B (mua bán giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) tăng 26% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tăng trưởng của SBT còn nhờ giá đường trong nước tăng theo giá đường thế giới và Việt Nam tiếp tục áp dụng chặt chẽ các biện pháp phòng vệ thương mại của Việt Nam đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan và một số nước ASEAN khác.

Cụ thể, từ cuối năm 2021, Bộ Công Thương đã bắt đầu mạnh tay trong việc việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước ASEAN (Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar). Tháng 8/2022, Việt Nam chính thức áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65% đối với các sản phẩm đường nhập khẩu từ Thái Lan và các nước có nguyên liệu đường xuất xứ từ Thái Lan, áp dụng từ ngày 9/8/2022 đến 15/6/2026.

SBT và các doanh nghiệp đường trong nước hưởng lợi từ các hành động quyết liệt này của Bộ Công Thương. Biên lợi nhuận gộp quý II/2022-2023 giảm xuống mức 8,4% (cùng kỳ 13,3%) do nhiều lý do. Thứ nhất là lạm phát khiến nhiều loại chi phí tăng. Giá thu mua mía tăng do diện tích trồng mía giảm. Ngoài ra, lợi nhuận giảm còn do doanh thu tài chính giảm 12% trong khi chi phí tài chính tăng 142% so với cùng kỳ. Điểm sáng là SBT quản lý chi phí khá tốt khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 9% và 16% so với cùng kỳ.

Giá đường đang tăng tích cực cho nguồn cung, cho thấy triển vọng suy giảm trong khi nhu cầu dự kiến tiếp tục gia tăng. Nguồn cung đường dự kiến sẽ còn thiếu đến tháng 4/2023 khi thế giới chỉ có thể trông chờ vào Brazil (chiếm 20% tổng xuất khẩu đường toàn cầu), chuẩn bị thu hoạch một vụ mùa lớn vào khoảng tháng 4. Các nước xuất khẩu đường lớn khác đều đang bị ảnh hưởng. Ấn Độ sẽ hạn chế xuất khẩu đường, trong khi sản lượng của châu Âu bị ảnh hưởng bởi hạn hán và hiện đang đối mặt với tình trạng bấp bênh sau lệnh cấm thuốc trừ sâu. Thêm vào đó, các nhà máy Ấn Độ đang chuyển hướng sử dụng nhiều mía hơn để sản xuất ethanol.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại kỳ vọng sẽ làm tăng nhu cầu đường cho các công ty thực phẩm. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo, Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu 4,4 triệu tấn đường trong niên độ 2022 - 2023. Do Trung Quốc nhập khẩu đường 82% từ Brazil nên việc quốc gia này mở cửa có thể sẽ tiếp tục làm thiếu hụt nguồn cung cho thị trường quốc tế.

Ngành đường thế giới được dự báo sẽ thiếu hụt 685 nghìn tấn trong niên vụ 2022-23, dự báo này vẫn chưa tính đến nhu cầu từ câu chuyện Trung Quốc mở cửa.

Do đó, SBT được dự báo sẽ được hưởng lợi rất lớn từ những yếu tố trên vì có những lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Lợi thế cạnh tranh của SBT

Theo FSC, SBT chiếm 46% thị phần ngành mía đường Việt Nam. Trong cơ cấu doanh thu của SBT, đường và các phụ phẩm từ đường đóng góp doanh thu lớn nhất với 94,5%, phân bón (1,1%), điện (0,7%) và các ngành khác (3,7%).

Bên cạnh đó, SBT sở hữu vùng nguyên liệu trồng mía khoảng 63,8 nghìn ha, trong đó, SBT tự chủ khoảng 47% (sau khi mua lại mảng đường của Hoàng Anh Gia Lai), còn lại là liên kết với hộ nông dân (53%). Tỷ lệ tự chủ của SBT là gần như đứng đầu so với các doanh nghiệp khác trong ngành.

Mía đường chiếm đến 70-80% chi phí nguyên liệu đầu vào của SBT cũng như các doanh nghiệp đường, giá và sản lượng mía đường cũng thường thay đổi theo điều kiện thời tiết, các mùa trong năm. Do đó, tỷ lệ tự chủ cao của SBT là một lợi thế lớn giúp ổn định đầu vào để SBT thực hiện mục tiêu “Thị phần là vĩnh cửu”.

Kỳ vọng SBT sẽ hưởng lợi nhờ sự phát triển của tổng giá trị ngành đường trong nước, nhờ sự phát triển của ngành F&B và du lịch; tiêu thụ đường/đầu người của Việt Nam vẫn đang ở mức thấp hơn nhiều nước trong khu vực; đô thị hóa nhanh làm nâng cao mức sống người dân, tăng sản lượng tiêu thụ đường.

Dự phóng kết quả kinh doanh và định giá

FSC dự phóng doanh thu cho năm tài chính 2022-2023, 2023-2024 có thể tăng lần lượt 20% và 15% so với cùng kỳ nhờ: sức mua tiêu dùng trong nước vẫn mạnh mẽ; ngành F&B vẫn duy trì tăng trưởng; 2 quý đầu năm, SBT đã hoàn thành 56% dự phóng trong khi kỳ vọng các quý tới, kinh tế và tiêu dùng trong nước sẽ khả quan hơn do lãi suất đang giảm dần.

Dự phóng lợi nhuận sau thuế cho năm 2022-23F kỳ vọng tăng chậm hơn doanh thu, ở mức 3% so với cùng kỳ do chi phí lãi vay tăng cao. Tuy nhiên, FSC kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm 2023-2024 sẽ tăng nhanh trở lại 24% nhờ lãi suất giảm dần và SBT giảm vay nợ.

Theo FSC, mức giá dự phóng 12 tháng tới cho cổ phiếu SBT là 23.011 đồng/cổ phiếu. FSC cho rằng tại mức giá mục tiêu này, cổ phiếu SBT vẫn còn sức hấp dẫn khi nhìn sang triển vọng năm 2023 của doanh nghiệp.

PV

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/chung-khoan-nganh-cong-thuong-ky-vong-gi-o-co-phieu-sbt-cua-thanh-thanh-cong-bien-hoa-245587.html