Chứng khoán ngày 20/12: Tâm điểm cổ phiếu cảng biển, vận tải biển và xuất khẩu
Chứng khoán chốt phiên giao dịch ngày 20/12 trên tham chiếu nhưng thanh khoản giảm, xu hướng chính vẫn là giằng co trong biên độ hẹp. Điểm tích cực là cổ phiếu một số nhóm ngành ghi nhận mức tăng tốt nhờ dòng tiền tìm cơ hội.
Nhiều nhóm cổ phiếu phân hóa
Tâm lý nhà đầu tư dường như đã ổn định hơn sau phiên giảm điểm hôm qua. VN-Index mở cửa phiên giao dịch ngày 20/12 trên tham chiếu, với nhiều nhóm cổ phiếu giữ sắc xanh. Tuy nhiên, lực mua không quá mạnh, chủ yếu mang tính thăm dò khi tâm lý thận trọng vẫn chiếm áp đảo. Diễn biến này, theo giới phân tích, cũng dễ hiểu khi hôm nay là phiên cuối cùng hai quỹ ETF ngoại hoàn thành cơ cấu danh mục kỳ quý IV/2024.
Sau ít phút tăng điểm, VN-Index dần hạ độ cao và có khoảng thời gian ngắn lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu đỡ giá khá tốt trong khi bên bán cũng không quá quyết liệt đã giúp chỉ số nhanh chóng hồi phục.
Phiên chiều diễn ra có phần tích cực hơn khi lực cầu dâng cao ngay sau giờ nghỉ trưa. VN-Index đạt mức cao nhất khoảng 1.258,82 điểm, trước khi gặp vài nhịp rung lắc. Trong khi đó, HNX-Index biến động giằng co quanh mốc tham chiếu với những nhịp tăng, giảm điểm liên tục.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 2,83 điểm (0,23%) lên 1.257,5 điểm. Toàn sàn HoSE có 238 mã tăng, 149 mã giảm và 74 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,47 điểm (-0,21%) xuống 227,07 điểm, với 96 mã tăng, 65 mã giảm và 65 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,66 điểm (0,71%) lên 93,39 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm tương đối mạnh so với phiên trước dù có hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF ngoại. Tổng khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 569 triệu cổ phiếu, giảm 27%, tương ứng giá trị giao dịch đạt 13.534 tỷ đồng, giảm 24%. Giá trị giao dịch thỏa thuận tăng 34% lên mức 2.988 tỷ đồng. Giá trị giao dịch sàn HNX và UPCoM đạt lần lượt 818 tỷ đồng (giảm 30%) và 1.098 tỷ đồng (giảm 22%).
Tâm điểm cổ phiếu cảng biển, vận tải biển và xuất khẩu
Tâm điểm của thị trường phiên 20/12 tập trung vào nhóm cổ phiếu xuất khẩu (dệt may, thủy sản) và nhóm cảng biển, vận tải biển.
Ở nhóm xuất khẩu (dệt may, thủy sản), nhóm này được kỳ vọng hưởng lợi khi tỷ giá tăng. Chốt phiên, VGT tăng gần 5%, GIL tăng 4,1%, TCM có thêm 2%, MSH vượt tham chiếu 1,7%. Tại nhóm thủy sản, dù sắc xanh áp đảo nhưng biên độ tăng có phần khiêm tốn hơn. FMC tăng 0,86%, IDI tăng 0,6%, VMX tăng 0,4%.
Nhóm cổ phiếu cảng biển, vận tải biển cũng gây chú ý khi ghi nhận nhiều mã bứt phá mạnh. Trong đó, MVN, VOS và VTO đều được kéo lên mức giá trần. VTP tăng 5,4%, PHP tăng 4,6%, VSC tăng 1,9%.
Bên cạnh đó, dòng tiền trên thị trường vẫn hướng đến các cổ phiếu nhỏ. YEG tiếp tục được kéo lên mức giá trần, chốt phiên ở mức 19.000 đồng. OGC, CMV, TDH... cũng đóng cửa ở trạng thái tăng hết biên độ.
Trong khi đó, giao dịch diễn ra khá cân bằng ở nhóm VN30. Các mã như FPT, VNM, MWG, VPB, VHM... tăng giá và góp phần giúp giữ sắc xanh của VN-Index. VNM tăng 1,72%, BCM tăng 1,8%, MWG tăng 1,34%.
Chiều ngược lại, BVH, POW, PLX, HPG, CTG... đóng cửa trong sắc đỏ. BVH giảm 2,3%, POW giảm 1,6%, HPG giảm 0,56%. Việc HPG giảm giá phiên hôm nay một phần có thể do tác động từ hoạt động cơ cấu danh mục của quỹ ETF ngoại. Theo dự báo trước đó của SSI Research, HPG sẽ bị FTSE ETF và V.N.M ETF bán ra khoảng 2,7 triệu cổ phiếu.
NVL bị loại ra khỏi danh mục của FTSE Vietnam Index nên trong phiên hôm nay cũng giảm đến 3,4%. VND cũng nằm trong diện bị hạ tỷ trọng nên cũng giảm 2%. Hai mã VTP và SIP giữ sắc xanh nhờ được thêm vào danh mục chỉ số FTSE Vietnam Index và Marketvector Vietnam Local Index./.
Khối ngoại mua ròng trở lại khoảng 32 tỷ đồng trong phiên 20/12. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh nhất mã VNM với 126 tỷ đồng. VIX cũng được mua ròng 105 tỷ đồng do được 2 quỹ ETF ngoại tăng tỷ trọng. FPT và SIP được mua ròng lần lượt 87 tỷ đồng và 86 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 90 tỷ đồng. NVL và VHM bị bán ròng lần lượt 70 tỷ đồng và 51 tỷ đồng.