Chứng khoán ngày 31/3: Áp lực bán tăng dần, VN-Index giảm điểm phiên đầu tuần
Thị trường chứng khoán hôm nay (31/3) mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với diễn biến kém tích cực. Sắc đỏ bao trùm đi kèm tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến chỉ số chính giảm mạnh tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.
VN-Index về sát ngưỡng hỗ trợ 1.300 điểm
Thị trường chứng khoán trong nước khởi đầu tuần mới với diễn biến đầy thận trọng. Áp lực bán tăng dần khiến chỉ số VN-Index nới rộng đà giảm dần về cuối phiên và nối dài sang phiên giảm điểm thứ 4 liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm -10,6 điểm, về mức 1.306,86 điểm. Số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 322 mã giảm, có 63 mã giữ giá tham chiếu và 135 mã tăng giá.

Diễn biến của VN-Index trong phiên giao dịch ngày 31/3
Các cổ phiếu hỗ trợ cho VN-Index phiên này có: CTG (+0,24), VHM (+0,2), MBB (+0,84), VNM (+0,5), ACB (+0,19)... Chiều ngược lại, các cổ phiếu đã gây áp lực cho VN-Index gồm: VCB (-1,23), FPT (-2,42), HPG (-1,47), BID (-0,9), VPB (-1,3)...
Độ mở thị trường sắc đỏ áp đảo khi các nhóm ngành điều chỉnh giảm chiếm ưu thế lớn. Gây áp lực lớn lên thị trường hôm nay là các nhóm ngành như bất động sản khu công nghiệp, hóa chất, công nghệ viễn thông, nhựa... Ở chiều ngược lại, duy chỉ có thủy sản và điện lội ngược dòng thành công.
Trong phiên hôm nay, chỉ số VN30 lại giảm -10,05 điểm, về mức 1.363,88 điểm. Trong rổ VN30, số cổ phiếu giảm giá chiếm ưu thế với 20 mã giảm, chỉ có 2 mã giữ giá tham chiếu và 8 mã tăng giá.
Thanh khoản thị trường hôm nay bật tăng mạnh, nhưng thanh khoản khớp lệnh vẫn hụt hơi -8,9% so với mức bình quân 20 phiên giao dịch. Tính chung cả phiên, tổng khối lượng giao dịch trên sàn HOSE đạt 820 triệu cổ phiếu (+16,4%), tương đương với giá trị giao dịch đạt 21.169 tỷ đồng (+24,08%).
Trên sàn Hà Nội, hai chỉ số chính cũng giảm điểm. Trong đó, chỉ số HNX-Index giảm -3,14 điểm về mức 235,06 điểm; chỉ số UPCoM-Index giảm -0,57 điểm về mức 98,05 điểm.
Về giao dịch khối ngoại, khối ngoại hôm nay vẫn bán ròng mạnh tay với giá trị lên tới 1.363 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng xấp xỉ 1.282 tỷ đồng tập trung vào các mã VNM (-166 tỷ đồng); HPG (-136 tỷ đồng)... Bên cạnh đó, loạt cổ phiếu khác bị bán ròng hơn trăm tỷ đồng còn có: SSI (-106 tỷ đồng); FPT (-106 tỷ đồng), MSN (-100 tỷ đồng)... Ngược chiều, cổ phiếu VIX được mua ròng 77 tỷ đồng, KBC và VCI cũng được mua ròng từ 41 - 49 tỷ đồng.
Trong khi đó, trên HNX, khối ngoại bán ròng khoảng 59 tỷ đồng.
Có tiền bắt đáy khi cổ phiếu hạ giá sâu
Thị trường chứng khoán đã nhiều phiên liên tiếp không vượt ngưỡng cản 1.330 điểm, cộng thêm áp lực chốt lời ngày càng tăng vì tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn trước các thông tin thuế quan trên thế giới chưa rõ ràng. Điều tích cực duy nhất hôm nay là đã có lượng tiền bắt đáy nhẹ khi cổ phiếu hạ giá sâu. Nhiều cổ phiếu giảm sâu khiến lực cầu xuất hiện. Tiền mua không quá lớn nhưng phần nào cho thấy vẫn cho những nhà đầu tư tranh thủ gom hàng giá hời.
Hôm nay, nhóm vốn hóa lớn gây áp lực lên điểm số ngay từ đầu phiên và duy trì áp lực đến tận cuối phiên. Song ngoại trừ nhóm cổ phiếu cao su lao dốc mạnh, hầu hết thị trường điều chỉnh không quá sâu và không xuất hiện tình trạng bán tháo. Số ít ngược dòng không bật tăng quá mạnh tuy nhiên cũng tương đối nổi bật trong bức tranh ảm đạm. Thị trường bắt đầu cho thấy dấu hiệu cân bằng, phân hóa ngay trong một nhóm ngành thay vì tất cả cùng đua giảm.

Chỉ số VN-Index có phiên giảm điểm mạnh nhất trong vòng gần 2 tháng trở lại đây. Ảnh: T.L
Áp lực tâm lý gia tăng trước thềm Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách thuế "có qua có lại" đối với nhiều quốc gia vài ba ngày tới cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, diễn biến này đã được dự báo nên không thực sự gây bất ngờ. Điều quan trọng là dòng tiền hôm nay khá ổn. Khớp lệnh sàn HOSE hôm nay tăng hơn 22% có thể cũng là tín hiệu tốt. Ngưỡng hỗ trợ dưới vẫn giữ được và tiền sẵn sàng mua khi chạm ngưỡng này. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là tín hiệu ngắn hạn, thực tế thì vẫn phải chờ../.
Nhóm đi ngược dòng hôm nay có cổ phiếu KBC tăng 2,51% và HDC tăng 3,18%. Ngoài ra VCG tăng 2,59%; MSB tăng 2,95%; FTS tăng 1,2%, PNJ tăng 1,59%; ORS tăng 2,05% là các mã khác đáng chú ý. Nhóm cổ phiếu nhỏ cũng có một số mã tăng rất nóng với thanh khoản thấp như TNT, CIG, HAP, TSC, SMC, FIT đều tăng kịch trần.