Chứng khoán – nhịp tăng mới có sớm quay trở lại?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên bứt phá mạnh mẽ ngay từ đầu tuần trước và chỉ số VN-Index liên tục thử thách vùng tâm lý 1.500 điểm suốt cả tuần, củng cố khả năng về một nhịp tăng mới đang hình thành, nhưng tâm lý nhà đầu tư chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các tin tức xoay quanh lãnh đạo của tập đoàn FLC đã kéo thị trường điều chỉnh mạnh ngay từ phiên đầu tuần này. Liệu đà tăng đã sớm kết thúc?Thống kê từ lúc thị trường thành lập đến nay cho thấy mức tăng trưởng bình quân trong tháng 4 của chỉ số VN-Index là 3,2%, là tháng có mức tăng bình quân cao thứ 2 trong năm, chỉ xếp sau mức tăng bình quân 4,3% của tháng 1.

Lo ngại những biện pháp xử lý vi phạm mạnh tay

Sau khi phục hồi trở lại từ mức đáy quanh 1.440 điểm hồi giữa tháng 3 đến nay, nhưng chưa thể bứt phá thành công vùng kháng cự quanh 1.500 điểm trong tuần trước, chỉ số VN-Index đã giảm mạnh ngay từ lúc mở cửa phiên đầu tuần này (28-3-2022), khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng tiêu cực trước những tin tức liên quan đến Chủ tịch tập đoàn FLC – ông Trịnh Văn Quyết – rò rỉ từ cuối ngày 27-3-2022.

Đà bán tháo diễn ra mạnh hơn ngay từ đầu phiên chiều sau khi báo chí đưa tin Chủ tịch tập đoàn FLC bị cơ quan chức năng ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian một tháng kể từ ngày 26-3-2022 và mời lên làm việc để xác minh một số nội dung. Hệ quả là không chỉ nhóm cổ phiếu họ FLC giảm sàn trắng bên mua, mà nhiều nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ khác, đặc biệt là nhóm bất động sản cũng như một số ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất cũng chứng kiến đà giảm mạnh, càng tác động xấu đến thị trường chung.

Trước đó, vào tháng 1-2022, hành vi “bán chui” cổ phiếu của Chủ tịch tập đoàn FLC đã từng gây rúng động dư luận và làm chao đảo thị trường chứng khoán, khiến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định, đồng thời ông này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán năm tháng.

Từ những thông tin liên quan đến ông Quyết, giới đầu tư đang lo ngại những biện pháp xử lý vi phạm mạnh tay hơn từ các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, mà có thể khiến các cổ phiếu đầu cơ hoặc có đội lái thao túng phía sau lao dốc trước sự tháo chạy của dòng tiền. Trong số này nhóm cổ phiếu bất động sản cũng bị tác động mạnh khi đã thu hút dòng tiền đầu cơ khổng lồ trong những tháng qua.

Sự điều chỉnh nhất thời?

Trong khi nhiều nhà đầu tư liên tưởng sự việc đã làm chao đảo thị trường chứng khoán lần này với những sự kiện liên quan đến ông Trần Bắc Hà hay “bầu” Kiên trước đây, thì ngược lại vẫn có không ít nhà đầu tư tin rằng thị trường đang phản ứng thái quá với thông tin liên quan đến FLC, trong khi ảnh hưởng từ vấn đề của ông Trịnh Văn Quyết đối với thị trường chứng khoán là không lớn. Ngoài ra, những xử lý vi phạm trong giao dịch chứng khoán, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng giúp thị trường phát triển tích cực hơn về dài hạn.

Chính vì vậy, sự điều chỉnh của thị trường có thể chỉ mang tính nhất thời và đà tăng kỳ vọng sớm quay trở lại.

Đầu tiên, với các tin tức xấu đã hiện thực hóa và phản ánh vào thị trường trong hơn một tháng qua, từ xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, đến tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất…, hiện tâm lý nhà đầu tư dường như đã “lờn” với những nỗi lo sợ này. Dĩ nhiên những tin tức tiêu cực bất ngờ như sự kiện liên quan đến Chủ tịch tập đoàn FLC vừa qua vẫn ảnh hưởng đến nhà đầu tư nhưng có thể không kéo dài lâu.

Trong khi đó, thị trường đang bước vào mùa cao điểm thông tin tích cực của các doanh nghiệp niêm yết, từ kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, chính sách chia cổ tức, chiến lược thâu tóm và sáp nhập, sóng đại hội đồng cổ đông,… Đây sẽ là những chất xúc tác quan trọng hỗ trợ giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư, giúp thúc đẩy thị trường đi lên như thông lệ những năm qua.

Nhìn lại quá khứ hai năm gần đây, năm 2020 thị trường sau khi lao dốc mạnh trong tháng 3 vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cũng đã chính thức tạo đáy và phục hồi mạnh mẽ sau đó. Một năm sau, những ngày cuối tháng 3-2021 thị trường cũng có nhịp chỉnh ngắn hạn trước khi tăng trưởng mạnh mẽ kéo dài bốn tháng sau đó. Lần này, nhà đầu tư cũng đang kỳ vọng về một kịch bản tương tự. Thống kê từ lúc thị trường thành lập đến nay cũng cho thấy mức tăng trưởng bình quân trong tháng 4 của chỉ số VN-Index là 3,2%, là tháng có mức tăng bình quân cao thứ 2 trong năm, chỉ xếp sau mức tăng bình quân 4,3% của tháng 1.

Ngoài những thông tin tích cực về hoạt động của doanh nghiệp, việc chính sách đầu tư công vẫn đang được Chính phủ đẩy mạnh và tháng 4 thường là thời điểm bắt đầu tập trung giải ngân nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ nhất, cũng như kỳ vọng về gói hỗ trợ lãi suất 2% với số tiền dự toán lên đến 40.000 tỉ đồng sắp được thông qua để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng có thể giúp thị trường diễn biến lạc quan hơn trong ngắn hạn. Đặc biệt, chương trình hỗ trợ lãi suất nếu chính thức được triển khai cũng được kỳ vọng sẽ tác động tích cực lên nhóm cổ phiếu ngân hàng, từ đó lan tỏa lên thị trường chung khi nhóm cổ phiếu này luôn có vai trò dẫn dắt vượt trội.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Quyết định 422/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng, trong khi mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong hai năm 2022 và 2023, đồng thời đặt ra kế hoạch triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, sẽ tốt cho nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng, thì mục tiêu tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ cũng có thể trở thành chất xúc tác tăng giá cổ phiếu cho những ngân hàng này.

Đáng lưu ý là chiến lược giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cũng xuất hiện những tín hiệu tích cực trở lại gần đây, khi nhóm này có động thái mua ròng trở lại, đơn cử là ba phiên mua ròng liên tiếp với giá trị “khủng” hơn 2.600 tỉ đồng trên sàn HOSE trong các ngày 21, 22 và 23-3-2022. Dù giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hiện nay chỉ còn chiếm một tỷ trọng khiêm tốn so với quy mô thị trường, nhưng động thái của nhóm này luôn có những ảnh hưởng tâm lý nhất định đến nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Ngoài ra, giới phân tích cho rằng sự chuyển dịch dòng tiền từ trái phiếu sang cổ phiếu cũng sẽ tác động tích cực lên thị trường cổ phiếu toàn cầu từ cuối tháng 3, từ đó hỗ trợ cho thị trường trong nước. Theo tính toán gần đây của JP Morgan Chase, dự kiến sẽ có 230 tỉ đô la Mỹ chuyển từ thị trường trái phiếu sang cổ phiếu để chuẩn bị cho kỳ báo cáo cuối quí 1-2022, cũng như đáp ứng chiến lược đầu tư của các quỹ đầu tư chỉ số.

Triêu Dương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chung-khoan-nhip-tang-moi-co-som-quay-tro-lai/