Chứng khoán phái sinh: Thử thách mang tên 'đáo hạn'
Nến 'rút chân' cuối tuần qua xuất hiện cho thấy bên mua đã quay trở lại, nhưng tuần đáo hạn của hợp đồng phái sinh kỳ hạn 1 tháng đến sớm phần nào khiến nhà đầu tư trung hạn phải cân nhắc đóng vị thế.
Các yếu tố dẫn dắt lệch pha
Thị trường chứng khoán thời điểm đầu tháng 9/2022 trở thành bài toán thử thách “cân não” cho nhà đầu tư ở cả 2 thị trường phái sinh và cơ sở. Điểm đặc biệt trong vận động giá VN-Index thời điểm này là sự phân kỳ so với nhiều nhóm chỉ số dẫn dắt quan trọng. Điều này khiến cho không ít nhà đầu tư trở nên mất phương hướng khi các yếu tố dẫn dắt lệch pha nhau và qua đó giới hạn sự kỳ vọng của dòng tiền theo từng phiên giao dịch.
Nhìn nhận khách quan, VN-Index nghiêng về trạng thái tích lũy xuyên suốt tuần qua với biên độ biến động giá không đáng kể. Pha điều chỉnh mạnh trong phiên giữa tuần cũng chỉ là trạng thái “hạ nhiệt” của chỉ số nhằm tìm đến điểm cân bằng mới, mà ở đó bên mua và bên bán tìm được cơ hội để hành động cụ thể hơn.
Dựa trên yếu tố chu kỳ tài sản, rõ ràng đây chưa phải là thời điểm kỳ vọng VN-Index sẽ xác lập xu hướng mới, khi đường biểu thị vận động từ chỉ số này bắt đầu có sự chuyển hướng. Nếu theo đúng trạng thái dẫn dắt được xác nhận từ S&P 500, thì VN-Index có thể chuyển từ trạng thái tăng mạnh hướng về vùng suy yếu. S&P 500 thực tế cũng đã phải trải qua gần 10 phiên điều chỉnh liên tiếp khi di chuyển từ vùng tăng mạnh về vùng suy yếu.
Rủi ro thị trường được ghi nhận là đáng kể, thể hiện qua lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (US 10Y). Trạng thái tăng sát điểm mút trong khu vực tăng mạnh từ tài sản này thể hiện rõ sự kỳ vọng về chính sách điều tiết thị trường tiền tệ sắp đến cũng sẽ không mấy dễ chịu. Đây cũng là lời “tuyên chiến” với bất cứ tín hiệu lạm phát xuất hiện từ phía các ngân hàng trung ương trên thế giới.
VN30 nghiêng về kỳ vọng tích lũy
Quá trình tích lũy tương đối lâu khi VN30 đi ngang một thời gian dài, xóa dấu vết xu hướng nội sinh từ chỉ số này. Kết hợp với một số yếu tố vĩ mô tiêu cực như lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, hay đồng USD đạt đỉnh cao nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây, thì định hướng giao dịch nghiêng về hướng điều chỉnh giảm.
Điểm nhấn với đồ thị kỹ thuật VN30 là khoảng hở Gap (khoảng trống giá) được tạo ra từ thời điểm ngày 10/6. Khoảng hở lớn với khối lượng giao dịch tương đối cao trở thành một vùng “nhiễu sóng” cho rất nhiều nhà đầu tư tham gia trong tháng 9/2022.
Dựa vào đồ thị kỹ thuật, có thể nhận thấy giá xác nhận vùng hở Gap quanh 1.286 điểm là vùng cản tâm lý quan trọng. VN30 đã phản ứng tiêu cực ngay khi chạm phải biên trên, nhưng lực mua xuất hiện, đẩy giá tiến sát vùng “tranh chấp” này một lần nữa trước khi rơi xuống sát 1.250 điểm. Tưởng rằng bên bán đã chiến thắng trong cú ép xuống thì nến “rút chân” ngày cuối tuần xuất hiện, cho thấy bên mua đã quay trở lại. Qua đó, một lần nữa đưa VN30 về lại trạng thái cân bằng tích lũy.
Bên cạnh quan sát vận động từ giá, chỉ báo động lượng RSI cũng thể hiện khá nhiều thông tin hữu ích trong giai đoạn khó xác định xu hướng hiện tại. Cụ thể, chỉ báo đã hạ nhiệt nhanh chóng trong tuần qua là một điểm cộng cho nhà đầu tư cơ sở với chiến lược lướt sóng ngắn hạn. Với việc RSI tiếp cận vùng quá mua sau một thời gian dài giá điều chỉnh từ tháng 4/2022, thì kỳ vọng lực bán phải diễn ra mạnh mẽ hơn so với những gì VN30 thể hiện trong tuần qua. Chỉ riêng yếu tố này cũng đủ để nhận ra dòng tiền không có dấu hiệu rút khỏi thị trường và cạn cung là trạng thái được kỳ vọng.
Khuyến nghị - Chiến lược giao dịch: Canh mua phái sinh
Trên sàn phái sinh, điểm nhấn với hợp đồng VN30F2209 (VN30F1M) là khối lượng nắm giữ qua đêm duy trì ở mức cao trong hầu hết thời gian của tuần qua. Đồng thời, tuần đáo hạn của hợp đồng kỳ hạn 1 tháng đến sớm khi rơi vào giữa tháng phần nào khiến cho nhà đầu tư trung hạn phải cân nhắc đóng vị thế.
Dựa vào vận động từ đồ thị kỹ thuật, điểm dễ nhận ra nhất với VN30F2209 là mẫu hình cái nêm, khi giá không mất nền, nhưng lại giảm dần đà tăng trong thời gian qua. Vùng nền được khẳng định khá rõ tại thềm giá 1.264 điểm là một trong những điểm chạm mua lên khá hợp lý. Thực tế, đây cũng là những thời điểm động lượng RSI ghi nhận phân kỳ dương với giá, tạo cơ hội lướt sóng cho nhà đầu tư có kinh nghiệm. Dự báo, đây sẽ là điểm nhấn cho chiến lược thị trường trong tuần đáo hạn VN30F2209, canh mua trong vùng 1.260 - 1.265 điểm.
Điểm củng cố cho chiến lược canh mua lần này là kỳ vọng vào 2 nhịp phân kỳ dương từ chỉ báo RSI được hình thành trong tuần qua. Đồng thời, cản xu hướng từ RSI bị phá vỡ trước thời điểm VN30F2209 vượt mốc 1.280 điểm chính là tín hiệu cho thấy bên mua chính thức tham gia. Trong kịch bản tiêu cực hơn, nền 1.260 điểm bị xuyên thủng sẽ là thời điểm mở vị thế bán, với kỳ vọng giá lùi về 1.250 điểm.