Chứng khoán sẽ bị tác động từ bên ngoài dù kinh tế ổn định

Đó là nhận định của các chuyên gia chứng khoán...

Ông Vũ Tú, CTCK Rồng Việt cho rằng, tăng trưởng GDP Singapore với chỉ báo của hoạt động thương mại sụt giảm gần đây không chỉ phản ánh hệ quả tất yếu của cuộc chiến thương mại mà còn vẽ ra một bức tranh ảm đạm cho nền kinh tế toàn cầu. Các cuộc khảo sát cũng đã chỉ ra góc nhìn tương đối bi quan và cẩn trọng của khu vực doanh nghiệp với bối cảnh kinh tế và kế hoạch mở rộng đầu tư sắp tới của họ.

Do đó, việc gia tăng tầm quan trọng của “bàn tay hữu hình”, được đề cập bởi nhà kinh tế học John Maynard Keynes, có thể là một điều tốt. Điều này hàm ý sự phối hợp của “bàn tay” tài chính và tiền tệ theo hướng hỗ trợ trong bối cảnh khả năng lãi suất đã dần tới giới hạn. Việc chuyển hướng và củng cố lại vai trò của chính sách tài khóa trong việc dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu là cần thiết khi các chi phí vay của Chính phủ đã giảm và lãi suất ít hỗ trợ cho nền kinh tế hơn so với trước đây. Chính phủ nên tập trung vào các dự án đầu tư thay vì các khoản chi tiêu khác. Trong những trường hợp này, chính sách tài khóa và tiền tệ nên thực hiện theo cùng một định hướng để kích thích tăng trưởng.

Trong trường hợp của Việt Nam, ông Tú cho rằng, Chính phủ trong nhiều năm đã thiết lập một hoạch định tài chính được cân nhắc kỹ lưỡng để đối phó với sự chững lại trong tương lai. Báo cáo cập nhật mới nhất cho thấy tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam giảm xuống 58,4%, thấp hơn mức cao nhất 63,7% trong năm 2016. Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần thận trọng hơn trong giai đoạn 2019-2022 khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bất lợi và hơn 1/3 nợ công sẽ đáo hạn.

Tuy nhiên, ông Tú cho rằng có những lý do để tin rằng Việt Nam sẽ có thể vượt qua khó khăn bởi lẽ Chính phủ đã hoàn thành hơn 90% kế hoạch thoái vốn ban đầu về mặt giá trị trong khi luật mới về đầu tư công sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2020.

“Có 2 điều chúng ta cần chú ý, bao gồm: 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016-2020; và Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách lãi suất kể từ khi bắt đầu cuộc chiến thương mại. Lãi suất thực vẫn dương trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ đã bắt đầu có xu hướng giảm lại. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam hội tụ đủ những điều kiện để tiếp tục tăng trưởng ổn định trong vài năm tới”, ông Tú kết luận.

Còn theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, CTCK KB Việt Nam (KBSV), trong những tháng cuối năm, các yếu tố trong nước vẫn được xem là nền tảng hỗ trợ tích cực với TTCK Việt Nam. Môi trường vĩ mô thuận lợi và ổn định, thể hiện qua tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm ở mức cao 6,78% trong khi lạm phát và tỷ giá biến động trong tầm kiểm soát, bất chấp nhiều yếu tố bất lợi xuất hiện (giá dầu tăng, giá điện tăng, đồng USD mạnh lên và đồng CNY mất giá…).

Dù còn nhiều thách thức, song ông cho biết rất lạc quan về bức tranh vĩ mô những tháng cuối năm 2019 khi dự báo tăng trưởng GDP đạt từ 6,6 – 6,8%, lạm phát ở mức 3,5 – 4%…

Một yếu tố quan trọng khác là sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo chiều hướng thận trọng hơn và định hướng hạn chế tín dụng bất động sản. Đây là một bước đi phù hợp để đạt được sự bền vững trong hệ thống tài chính, nhất là trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng vẫn tích cực. Mặc dù thận trọng hơn, tuy nhiên về tổng thể đây vẫn chưa phải chính sách thắt chặt tiền tệ và vẫn mang tính hỗ trợ thị trường.

Cùng với đó, việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa qua cũng tác động tích cực đến triển vọng kinh doanh một số DN niêm yết xuất khẩu sang EU, qua đó tác động tốt đến diễn biến giá cổ phiếu của nhóm DN này.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Anh, với tính tương quan cao của TTCK Việt Nam với TTCK toàn cầu đã được kiểm chứng trong nhiều quý trở lại đây, các yếu tố ngoại biên tiếp tục có tầm ảnh hưởng quan trọng đến biến động TTCK Việt Nam. Trong đó 2 yếu tố có sự ảnh hưởng mạnh nhất là chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Sau khi phân tích những yếu tố nền tảng cơ bản, vị chuyên gia này cho rằng, trong các điều kiện khách quan thuận lợi, TTCK Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tăng trưởng lên các vùng giá cao hơn để thu hẹp dần khoảng cách với các quốc gia trong khu vực. Ngược lại, trong kịch bản tiêu cực, các yếu tố ngoại biên chuyển biến xấu, rủi ro điều chỉnh sâu của thị trường sẽ phần nào giảm bớt.

Thái Hương

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/chung-khoan-se-bi-tac-dong-tu-ben-ngoai-du-kinh-te-on-dinh-91619.html