Chứng khoán tăng tốc
Đà tăng mạnh của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về việc thị trường giá tăng đã trở lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích đưa ra trong chiến lược đầu tư từ nay đến cuối năm: nhà đầu tư chứng khoán cần nhớ ba yếu tố trong thời điểm này là quản trị rủi ro tốt; đa dạng hóa danh mục đầu tư và đánh giá đúng khẩu vị rủi ro của mình.
Tiền chuyển hướng đổ vào chứng khoán
Dù còn nhiều áp lực nhưng VN-Index thời gian qua vẫn giữ phong độ, vững vàng trên 1.200 điểm. Chứng khoán Việt Nam tăng khá xa so với kỳ vọng, nhiều cổ phiếu đã tăng gấp đôi, gấp ba lần từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh vĩ mô chưa cải thiện đáng kể.
Tiền đổ qua kênh vốn này cũng tăng mạnh. Đến cuối tháng 6/2023, dư nợ cho vay margin của 10/10 công ty chứng khoán có thị phần cho vay
margin lớn nhất đều tăng mạnh, với tổng mức tăng gần 24% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay margin tại nhiều công ty chứng khoán tăng 60 - 70%. Sự tăng trưởng của dư nợ cho vay margin này đã phản ánh phần nào sức nóng của thị trường.
Nguyên nhân đà tăng mạnh thời gian qua được cho chủ yếu do tâm lý nhà đầu tư được cải thiện hơn là các yếu tố cơ bản, định giá thị trường hiện đang ở ngưỡng cao.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất đi xuống cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền có xu hướng chuyển dòng. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn hiện xoay quanh 6,3 - 6,5%/năm.
Theo chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống mức 6,0 - 6,2%/năm trong nửa cuối năm 2023. Đây sẽ là yếu tố thúc đẩy sự phục hồi đầu tư tư nhân trong những quý tới, đồng thời cũng làm giảm sức hấp dẫn của kênh tiền gửi so với kênh đầu tư chứng khoán.
Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khá xa so với kỳ vọng trong bối cảnh vĩ mô chưa cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, thị trường tăng một mạch hầu như không có đợt điều chỉnh nào trong những tháng gần đây cũng tiềm ẩn rủi ro lớn. Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư giảm dư nợ margin, giảm nắm giữ “hàng nóng”. Nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ cổ phiếu tốt nếu không sử dụng đòn bẩy.
Do đó, các chuyên gia Maybank nhận thấy rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn. Đội ngũ phân tích đưa ra khuyến nghị giao dịch các vị thế ngắn hạn hoặc chờ điều chỉnh để tích lũy thêm cổ phiếu cho đầu tư dài hạn.
Báo cáo chiến lược thị trường chứng khoán tháng 8/2023 do Công ty CP Chứng khoán DSC (DSC) vừa công bố cho thấy, kết quả kinh doanh quý II/2023 của đa phần DN ghi nhận tăng trưởng âm.
Trong từng giai đoạn thị trường, định giá của từng DN trong cùng một ngành cũng có sự khác nhau. Do đó, chuyên gia này cho rằng nhà đầu tư cần chọn lọc cổ phiếu, quản trị tốt rủi ro, hành động linh hoạt theo biến động của thị trường.
Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital Nguyễn Hoài Phương
Đà tăng của thị trường phần lớn dựa trên kỳ vọng, đẩy định giá vào vùng quá mua và khiến cơ hội đầu tư dựa trên định giá rẻ thu hẹp. DSC đánh giá, sự phục hồi của vĩ mô và tăng trưởng của DN trong quý III/2023 là chưa rõ ràng, do đó thị trường cần bước vào “nhịp nghỉ ngơi” trước khi bước sang chu kỳ tìm kiếm cơ hội đầu tư tăng trưởng mới.
DSC đánh giá giai đoạn hiện tại có nhiều yếu tố không thuận lợi cho thị trường như trong giai đoạn Covid. Cụ thể, tỷ giá vẫn chịu áp lực nhất định do chênh lệch lãi suất trong nước và thế giới, thị trường trái phiếu kém sôi động, thị trường bất động sản ảm đạm, lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao, lạm phát toàn cầu đã giảm nhưng vẫn cao hơn trong đại dịch.
Chọn mã ngành nào?
Cùng quan điểm thận trọng, bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital cho biết, thị trường chứng khoán đã tăng 23% trong 7 tháng đầu năm, trong khi tăng trưởng lợi nhuận DN 6 tháng đầu năm là âm 10%, dự báo tăng trưởng cả năm 2023 thấp, thậm chí không có tăng trưởng.
Theo tính toán, P/E (giá cổ phiếu/lợi nhuận) của thị trường 15 - 16 lần, tiệm cận mức trung bình của Việt Nam trong nhiều năm, trong khi lợi nhuận DN những năm đó tăng trưởng 15 - 20%. Do đó, bà Nguyễn Hoài Phương cho rằng, nhà đầu tư tham gia thị trường thời điểm này sẽ có rủi ro nhất định.
Đặc biệt, nếu loại bỏ nhóm cổ phiếu ngân hàng thì P/E thị trường hiện tại là 21 lần, bằng thị trường giai đoạn quý I/2018, tức là lúc có dòng tiền nóng. “Dòng tiền đang đổ nhiều vào penny và smallcap, tạo ra sự lệch lạc” - bà Phương đánh giá.
Còn Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt Nguyễn Thị Phương Lam cho biết, sự đảo chiều mạnh mẽ của thị trường chứng khoán thời gian qua được thúc đẩy bởi kỳ vọng của nhà đầu tư vào triển vọng vĩ mô khi bối cảnh toàn cầu và trong nước đều đang có xu hướng thuận lợi. Tuy nhiên, hiện đang có sự phân hóa lớn giữa hệ số P/E các nhóm ngành. Trong đó, ở khá nhiều cổ phiếu, P/E vượt qua vùng giao dịch thường xuyên 3 năm gần nhất.
Nhiều dự báo lạc quan cho rằng thị trường phục hồi rất tốt, tăng trưởng lợi nhuận công ty niêm yết năm sau có thể đạt 24%. Cá nhân tôi cho rằng nhận định đó hơi chủ quan. Vì nhiều “đầu tàu” lớn cho nền kinh tế thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… đều đang có vấn đề. Vì thế, nhà đầu tư chứng khoán cần nhớ ba yếu tố trong thời điểm này là quản trị rủi ro tốt; đa dạng hóa danh mục đầu tư và đánh giá đúng khẩu vị rủi ro của mình.
Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven
Điều này có nghĩa nhà đầu tư đang trả thêm chi kỳ vọng tương lai về tăng trưởng lợi nhuận, đặc biệt sau khi các cơ quan, ban ngành đưa ra chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, theo bà, nếu chính sách không thẩm thấu và cho kết quả tương ứng với kỳ vọng của nhà đầu tư thì sẽ có sự điều chỉnh P/E ngược trở lại.
Bà Nguyễn Thị Phương Lam đánh giá nhóm ngành có P/E tương đối rẻ, như ngành ngân hàng, dịch vụ phần mềm, dược, tiện ích công cộng, duy trì được mức tăng trưởng dương nhiều quý liên tiếp trong bối cảnh nhiều ngành tăng trưởng âm cũng như chưa vượt P/E ba năm gần nhất có thể là những nhóm ngành tiềm năng.
Bốn tiêu chí được chuyên gia lưu ý nhà đầu tư là đa dạng hóa danh mục; lựa chọn cổ phiếu nền tảng cơ bản tốt; không mua đuổi; giữ một lượng tiền mặt (20%) để sẵn sàng tham gia khi thị trường điều chỉnh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chung-khoan-tang-toc.html