Chứng khoán thế giới lao dốc chóng mặt, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Chỉ số VN-Index tuần qua giảm 23,13 điểm tương đương 1,5%. Mức giảm này vẫn còn nhẹ so với thế giới, khi hàng loạt chỉ số chìm trong sắc đỏ. Tiêu biểu như S&P500 của Mỹ rơi tới 5,7%, Nasdaq giảm 7,6%...

Kể từ khi dòng vốn mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước gia nhập thị trường, mức độ liên thông giữa thị trường Việt Nam và quốc tế rất mờ nhạt. Ảnh hưởng của những biến động mang tính thị trường từ bên ngoài đã không còn được các nhà đầu tư trong nước ngóng đợi hàng đêm nữa.

Yếu tố thị trường có thể được nhìn chủ yếu dưới góc độ tâm lý. Tuy vậy những tháng gần đây, dường như độ liên thông không rõ ràng, khi những phiên chứng khoán Mỹ giảm trên 2% đã không gây tác động gì rõ rệt. Ví dụ tuần qua VN-Index chủ đạo giảm 2 ngày đầu tuần với phiên thứ Hai rơi tới 43,18 điểm. Cả 3 phiên cuối tuần VN-Index diễn biến tốt trong khi S&P500 giảm liên tục.

Diễn biến giao dịch VN-Index tuần qua

Sự liên thông về dòng vốn cũng đang rất mờ nhạt khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng liên tục và nhà đầu tư đã quen với các giao dịch đó. Cả năm 2020 lẫn 2021 khối ngoại bán ròng lớn nhưng dòng vốn trong nước lại quá mạnh và đủ sức nâng đỡ. Ngay cả các định chế đầu tư quốc tế như Vinacapital cũng cho rằng lực bán ròng từ khối ngoại không còn là yếu tố chi phối cả về cung cầu lẫn tâm lý đối với thị trường trong nước.

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn tới đà bán tháo trên thị trường chứng khoán quốc tế có thể ảnh hưởng nhất định tới thị trường trong nước là tiến trình nâng lãi suất của FED. Đây là câu chuyện có tầm ảnh hưởng lớn khi các chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia hầu như đều phải nhìn vào hướng đi của FED. Lãi suất USD được nâng lên làm giá đồng tiền này tăng sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy vốn toàn cầu. Do đó lực bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn gia tăng nữa. Điều này lại không còn mới mẻ.

Chỉ số S&P500 của Mỹ có tuần lao dốc mạnh.

Tiến trình nâng lãi suất của FED đang lệch pha với nỗ lực duy trì mặt bằng lãi suất thấp tại Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng. Theo các tổ chức đầu tư quốc tế thì việc FED tăng lãi suất dĩ nhiên có tác động, nhưng cũng thể hiện khả năng tăng trưởng kinh tế Mỹ. Việt Nam lại đang giữ lãi suất thấp, thậm chí còn hỗ trợ lãi suất một số lĩnh vực và tiến trình này phụ thuộc vào lạm phát trong nước nhiều hơn là lãi suất của FED. Do đó trong ngắn hạn sự lệch pha này vẫn chưa dẫn đến sự thay đổi chính sách tiền tệ trong nước, ít nhất là khi lạm phát vẫn duy trì trong ngưỡng cho phép.

Trong ngắn hạn câu chuyện nổi bật nhất với thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là kết quả kinh doanh quý 4 và mùa đại hội cổ đông kế tiếp. Đà tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2021 bất chấp những ảnh hưởng của đại dịch cho thấy cơ hội tăng trưởng lợi nhuận vẫn sẽ khả quan trong năm 2022. Nhìn chung yếu tố nội tại vẫn đang được nhà đầu tư quan tâm hơn, sau những gì thị trường thể hiện thành công hai năm qua.

Hiện chưa có đủ kết quả kinh doanh quý 4/2021 nên mức P/E thị trường duy trì khoảng 17,3 lần. Các báo cáo triển vọng 2022 đều dự phóng lợi nhuận doanh nghiệp có thể tăng trưởng 20% nữa tương đương mức P/E ở ngưỡng điểm hiện tại dự phóng cho 2022 chỉ 13-14 lần. Về mặt định giá như vậy vẫn còn dư địa cho một nhịp tăng trưởng nữa trong năm 2022.

Tuy vậy, việc hạn chế bơm tiền vào nền kinh tế và bơm có định hướng, tránh hiện tượng dư thừa tiền mặt làm tăng trưởng nóng ở những thị trường tài sản có tính đầu cơ cao như chứng khoán, bất động sản sẽ là rào cản lớn cho sự tăng trưởng giá cổ phiếu năm 2022. Điều tích cực là mặt bằng lãi suất thấp đang khuyến khích dòng tiền nhàn rỗi trong cư dân tìm kiếm kênh đầu tư sinh lời cao hơn. Đây là điểm khác biệt so với các giai đoạn trước khi tiền rẻ mang tính đầu cơ cao hoạt động mạnh. Với tỷ lệ dân cư tham gia thị trường chứng khoán ngày càng nhiều, dòng tiền sẽ lành mạnh hơn.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chung-khoan-the-gioi-lao-doc-chong-mat-viet-nam-co-bi-anh-huong-99301.html