Chứng khoán thế giới phục hồi không đồng đều trong phiên 7/9
Chứng khoán thế giới đa phần phục hồi trong phiên 7/9, sau một đợt suy yếu gần đây khiến thị trường bị bán tháo quá mức.
Phiên này, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đồng loạt tăng cao với chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,4% lên 31.581,28 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 1,8% lên 3.979,87 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite khép phiên với mức tăng 2,1% lên 11.791,90 điểm.
Trong khi đó, đà tăng diễn ra không đồng đều trên các thị trường chứng khoán châu Âu. Khép lại phiên này, tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 (Vương quốc Anh) giảm 0,9% xuống 7.237,83 điểm. Ở thị trường Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 đi ngang ở mức 6.105,92 điểm. Ngược lại, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tăng 0,4% lên 12.915,97 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng tăng 0,1% lên 3.502,09.
Một yếu tố quan trọng được các thị trường theo dõi trong phiên này là phát biểu của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) liên quan tới xu hướng chính sách tương lai của ngân hàng trung ương Mỹ.
Hôm 7/9, Phó Chủ tịch Fed Lael Brainard cảnh báo rằng Fed sẽ tiếp tục tích cực hành động trong cuộc chiến chống lạm phát cao “chừng nào còn có thể". Bà cũng khẳng định lãi suất cần phải tăng hơn nữa để kiểm soát giá - một lần nữa làm giảm hy vọng về khả năng Fed hạ lãi suất trong năm tới, khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Quan điểm trên của quan chức Fed đã củng cố đồng USD, giúp đồng bạc xanh tăng hơn nữa so với đồng yen Nhật Bản ngay cả khi đồng tiền này giảm giá so với đồng euro. Theo đó, đồng USD phiên này tăng từ 142,8 yen/USD lên 143,79 yen/USD, trong khi giảm từ 0,9904 USD/euro xuống 1,0012 USD/euro.
Ông Naeem Aslam, chuyên gia phân tích thị trường tại nền tảng giao dịch trực tuyến AvaTrade, cho biết lý do đồng USD tăng mạnh như vậy so với đồng yen là vì sự khác biệt trong chính sách lãi suất của hai ngân hàng trung ương.
Chuyên gia này chỉ ra rằng Fed vẫn tỏ ra “diều hâu” hết mức có thể, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) dường như vẫn không mấy bận tâm về lạm phát hay thay đổi lập trường về chính sách tiền tệ.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Shunichi Suzuki, hôm 7/9 đã bày tỏ lo ngại về sự sụt giảm của đồng yen. Ông cho hay hiện giới chức Nhật Bản đang theo dõi sát sao các diễn biến thị trường. Nếu tình trạng này tiếp tục, Chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết. Song ông Suzuki không nêu chi tiết các biện pháp cụ thể là gì.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 7/9, VN-Index giảm 34,23 điểm xuống 1.243,17 điểm; toàn sàn có 71 mã tăng, 423 mã giảm và 41 mã đứng giá. HNX- Index giảm 9,22 điểm xuống 284,05 điểm; toàn sàn có 41 mã tăng, 171 mã giảm và 32 mã đứng giá.