Chứng khoán thế giới và giá dầu đồng loạt tăng sau động thái của Nhật Bản
Các chỉ số của thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng khá mạnh trong phiên này, hoàn tất tuần tăng thứ ba liên tục...
Thị trường chứng khoán thế giới và giá dầu cùng tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (28/7), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm về động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và số liệu cho thấy lạm phát ở Mỹ tiếp tục xuống thang. Các chỉ số của thị trường Mỹ ghi nhận mức tăng khá mạnh trong phiên này, hoàn tất tuần tăng thứ ba liên tục.
BOJ đã gây biến động mạnh giá tài sản trên toàn cầu trong phiên giao dịch cuối của tuần này khi nâng biên độ dao động của lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản trong chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) vượt mức 0,5% trước đó, đồng thời giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%. Dù đã được dự báo trước đó, động thái của BOJ vẫn khiến giới đầu tư chấn động và được xem như một bước tiến theo hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ siêu lỏng mà Nhật Bản đã theo đuổi hàng thập kỷ.
Việc điều chỉnh chính sách lần này cũng đưa BOJ về gần hơn với các ngân hàng trung ương lớn khác, vốn đã tăng lãi suất mạnh tay trong hơn 1 năm qua để chống lạm phát. Cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đều đã tăng lãi suất trong tuần này, và thị trường cho rằng Fed và ECB đã tiến gần tới hồi kết của chu kỳ thắt chặt.
Kỳ vọng này được củng cố khi số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày thứ Sáu cho thấy lạm phát ở nước này tiếp tục dịu đi. Trong vòng 12 tháng tính đến tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - tăng 3%, mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Chỉ số MSCI All Country đo thị trường của gần 50 quốc gia tăng 0,72%, chốt phiên ngày thứ Sáu ở mức 705,13 điểm. Từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã tăng gần 17%.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống sau khi đạt mức cao nhất 2 tuần trong phiên trước đối với hầu hết các kỳ hạn. Trong đó, lợi suất của trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm còn 3,957% từ mức hơn 4% trong phiên trước. Lợi suất của kỳ hạn 2 năm giảm còn 4,8786%.
“Tôi cho rằng động thái của BOJ hóa ra không mạnh tay như nhiều người đã lo sợ trước đó. Về cơ bản, đó là một sự điều chỉnh nhỏ và thị trường đang đi đến kết luận rằng xét về mặt thắt chặt, động thái này không thực sự ghê gớm”, chiến lược gia Garrett Melson của Natixis Investment Management nhận định với hãng tin Reuters.
Phiên tăng này của chứng khoán Mỹ được dẫn dắt bởi các nhóm cổ phiếu công nghệ, dịch vụ truyền thông và tiêu dùng không thiết yếu.
Chỉ số Dow Jones tăng 0,5%, chốt ở 35.459,29 điểm. Chỉ số S&p 500 tăng 0,99%, đạt 4.582,23 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,9%, đạt 14.316,66 điểm.
Cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ cùng tăng trong tuần này, với Dow Jones tăng khoảng 0,66%; S&P 500 tăng 1,01%; và Nasdaq tăng 2,02%. Hôm thứ Năm, Dow Jones kết thúc chuỗi 13 phiên tăng liên tiếp.
Tuần này, giới đầu tư ở Phố Wall hứng khởi vì số liệu thống kê cho thấy lạm phát giảm nhanh hơn dự báo, nền kinh tế tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng, và lợi nhuận tốt hơn mong đợi của các công ty niêm yết. Những yếu tố này củng cố khả năng Mỹ có thể tránh được một cuộc suy thoái bất chấp cuộc chiến chống lạm phát của Fed.
Nhận xét về số liệu lạm phát công bố hôm thứ Sáu, Chủ tịch Gina Bolvin của Bolvin Wealth Management Group nhận định với hãng tin CNBC: “Sau báo cáo tổng sản phẩm trong nước (GDP) mạnh hơn dự báo, và mùa báo cáo tài chính khả quan hơn kỳ vọng, đây có thể chất xúc tác đưa thị trường lên những mức đỉnh mới”.
Chứng khoán châu Âu giảm 0,2% trong phiên này, sau khi đạt mức cao nhất 17 tháng vào hôm thứ Năm sau khi ECB tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ và để ngỏ khả năng dừng tăng tại cuộc họp tiếp theo.
Trong phiên ngày thứ Sáu tại thị trường châu Á, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản tăng 0,42%. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật giảm 0,4%.
“Hiện tại, thị trường hoàn toàn nhận thấy rằng tất cả đều tùy thuộc vào các số liệu kinh tế. Chúng ta đang ở trong xu hướng giảm của lạm phát, cùng với đó là tăng trưởng vững vàng. Đây chính là những gì cần cho một cuộc ‘hạ cánh mềm’ của nền kinh tế”, ông Melson nói thêm.
Tỷ giá đồng Yên giằng co trong phiên giao dịch biến động nhất nhiều tháng qua của đồng tiền này. Cuối phiên, Yên giảm gần 1,2% so với USD, còn 141,08 Yên đổi 1 USD. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm gần 0,6%; tỷ giá Euro so với USD tăng 0,45%, đạt 1,1022 USD đổi 1 USD.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,75 USD/thùng, chốt ở 84,99 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,49 USD/thùng, chốt ở 80,58 USD/thùng.
Cả tuần, giá của hai loại dầu tăng 3,6%, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp, do được hỗ trợ bởi mối lo nguồn cung thắt chặt trong bối cảnh nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng, cộng thêm những tín hiệu tích cực gần đây của kinh tế Mỹ, và khả năng Trung Quốc triển khai thêm các biện pháp kích cầu.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối gồm Nga.