Chứng khoán tiếp tục giảm điểm sau phiên 'bão lửa'

Nhiều công ty chứng khoán cho rằng sau phiên lao dốc hôm nay, khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới.

Theo nhóm phân tích thuộc Chứng khoán Asean Securities (Asean SC), diễn biến thị trường ngày 28/9 cho thấy bên bán đang chiếm ưu thế và tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư. Do đó, Asean SC cho rằng khả năng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính giảm điểm trước khi tìm được vùng cân bằng mới, nhất là khi thị trường đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

"Dự báo trong phiên giao dịch tới, VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.135 – 1.140 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.125 – 1.130 điểm. Tuy vậy sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày", báo cáo của Asean SC nêu.

Chứng khoán được dự báo tiếp tục lao dốc, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch trong những phiên tới. (Ảnh minh họa)

Chứng khoán được dự báo tiếp tục lao dốc, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch trong những phiên tới. (Ảnh minh họa)

Tương tự, các chuyên gia đến từ Chứng khoán Tân Việt (TVSI) dự báo áp lực trong phiên 29/9 vẫn lớn bởi dòng tiền yếu và tâm lý quá bi quan. Điểm tựa cho thị trường lúc này nằm ở số ít các cổ phiếu ngành chứng khoán đang nỗ lực xây vùng đáy của riêng mình.

"Theo kinh nghiệm của chúng tôi cần có thêm nhiều cổ phiếu vững vàng ở các phiên tới đặc biệt là những cổ phiếu có tầm ảnh hưởng về vốn hóa và tâm lý mới giúp thị trường tạo được vùng đáy", chuyên gia nhận định.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Đông Á cũng cho biết việc giảm điểm xuống dưới mốc 1.200 điểm đã đưa đồ thị kỹ thuật VN-Index chuyển sang trạng thái tiêu cực và mốc thử thách tiếp theo cần giữ là 1.150 điểm để có thể tích lũy lại nền giá mới. Khi nhà đầu tư tin rằng tin tức lãi suất tăng đã phản ánh xong vào giá cổ phiếu qua đợt giảm này, dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường tìm kiếm cơ hội trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2022, vốn đã được dự báo tăng trưởng khá từ nền số liệu thấp năm ngoái.

"Nhà đầu tư ngắn hạn nên chờ đợi dấu hiệu phục hồi để giao dịch trên các nhóm cổ phiếu có độ nhạy cao với trang thái thị trường như thép, bất động sản, chứng khoán, xây dựng. Nhà đầu tư trung dài hạn, có thể chọn lọc mua tích lũy các nhóm cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh các quý cuối năm hưởng lợi nhờ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ như nhóm xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, khu công nghiệp...", chuyên gia của Chứng khoán Đông Á khuyến nghị.

Theo khối phân tích thị trường của Chứng khoán KBSV, lực cầu suy yếu kết hợp với áp lực bán tăng mạnh vào cuối phiên là nguyên nhân chủ yếu khiến cho chỉ số VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Vùng hỗ trợ sâu quanh 1.120 (+/-5) điểm được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ gần nếu VN-Index tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tiếp theo.

Trong bối cảnh đó, Chứng khoán KBSV khuyến nghị nhà đầu tư cần tránh các quyết định bắt đáy tỷ trọng cao và chỉ giải ngân một phần tỷ trọng khi chỉ số rơi về vùng hỗ trợ đã đề cập.

Đồng quan điểm thị trường có thể tiếp tục quán tính giảm điểm, các chuyên gia của Chứng khoán BSC nhấn mạnh việc đồ thị ngày liên tục xuất hiện hai gap down (khoảng trống giảm giá) tính từ đầu tuần tới nay cho thấy tâm lý thị trường đang tiêu cực. Do đó nhà đầu tư "nên hạn chế giao dịch trong những phiên tới".

Kết thúc phiên giao dịch 28/9, VN-Index giảm 22,92 điểm xuống 1.143,62 điểm. Toàn sàn có 95 mã tăng, 366 mã giảm và 68 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 3,17 điểm xuống 252,35 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 135 mã giảm và 43 mã đứng giá.

UPCoM-Index giảm 0,87 điểm xuống 85,84 điểm.

Tổng giá trị khớp lệnh đạt 12.427 tỷ đồng, tăng 17% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE tăng 16,5% và đạt 10.715 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng khoảng 5 tỷ đồng trên HoSE.

Hòa Bình

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chung-khoan-tiep-tuc-giam-diem-sau-phien-bao-lua-ar703799.html