Chứng khoán tuần 22 - 26/7: Cơ hội cho nhiều cổ phiếu tốt sớm quay trở lại

VN-Index biến động, cổ phiếu ngân hàng ngược chiều tăng mạnh, xét xử vụ án thao túng thị trường chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết, lịch trả cổ tức, VN-Index tìm vùng cân bằng tại 1.240 - 1.250 điểm,...

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

VN-Index tiếp tục "rung lắc"

Thị trường duy trì trạng thái giảm điểm sau bao nỗ lực kéo điểm, đóng tuần với 1.264,8 điểm, giảm gần 10 điểm (-0,76%) so với phiên trước đó, tổng kết cả tuần, VN-Index mất 15 điểm, từ ngưỡng 1.280 điểm.

Thanh khoản đạt mốc 18.500 tỷ đồng, có cải thiện so với các phiên trước đó nhưng không đáng kể, "sắc đỏ" lan tỏa diện rộng với 324 mã giảm (6 mã "nằm sàn"), 126 mã tăng (3 mã "tăng trần") và 49 mã đi ngang.

Về nhóm ngành, độ rộng của thị trường cũng nghiêng về phía tiêu cực với 16/18 ngành giảm điểm, trong đó, ngành du lịch và giải trí, hóa chất dẫn đầu đà giảm. Ngược lại, ngành bán lẻ có phiên giao dịch tích cực.

Nhóm ngành ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt vào phiên cuối tuần, song, tính chung diễn biến cả tuần, đây là nhóm cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất cho chỉ số VN-Index.

Nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tới chỉ số VN-Index tuần qua

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp tích cực nhất tới thị trường (Nguồn: SSI iBoard)

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng góp tích cực nhất tới thị trường (Nguồn: SSI iBoard)

Khối ngoại quay trở lại bán ròng vào phiên cuối tuần với 353 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung chủ yếu vào các mã: FPT (FPT, HOSE) là 228,5 tỷ đồng, VHM (Vinhomes, HOSE) là 159 tỷ đồng, TCB (Techcombank, HOSE) là 105 tỷ đồng,…

Đánh giá về diễn biến tuần qua, ông Nguyễn Hưng Phát, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, VN-Index suy yếu trong nửa cuối tuần khi "hứng chịu" áp lực bán gia tăng từ giữa tuần. Nguyên nhân đến từ một số thông tin thị trường chưa mấy khả quan và việc khối ngoại tiếp tục duy trì đà bán ròng cũng gây áp lực lớn lên thị trường chung. Tuy đã có những nỗ lực không ngừng từ nhà đầu tư cá nhân nhưng dòng tiền vẫn chưa thực sự quyết liệt.

UBCKNN công bố dự thảo quan trọng, hướng tới nâng hạng thị trường

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về Giao dịch chứng khoán (GDCK) trên hệ thống GDCK; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK) và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Nội dung quan trọng trong sửa đổi lần này là tháo gỡ điểm nghẽn cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mà không ký quỹ 100% tiền (pre-funding - yêu cầu ký quỹ trước). Tại dự thảo thông tư số 120/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch, bù trừ và thanh toán giao dịch được UBCKNN lấy ý kiến, quy định này đã được thay đổi. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức không yêu cầu có đủ tiền khi giao dịch mua cổ phiếu. Công ty chứng khoán sẽ đánh giá rủi ro để xác định mức tiền ký quỹ khi đặt lệnh mua.

Trường hợp tổ chức nước ngoài không thanh toán đủ, nghĩa vụ trả phần còn lại được chuyển cho công ty chứng khoán. Các công ty này được bán thỏa thuận hoặc chuyển quyền sở hữu ngoài hệ thống với số cổ phiếu đã về tài khoản trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thiếu tiền thanh toán.

Việt Nam còn nhiều tiêu chí cần cải thiện để được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi. Việc giải quyết trước mắt vấn đề pre-funding, tiến tới sớm vận hành hệ thống giao dịch mới, triển khai lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh… sẽ là những điểm cộng tích cực trong đánh giá của MSCI, FTSE đối với Việt Nam thời gian tới.

Cổ phiếu Ngân hàng Quân đội MB tăng "nóng" lên vùng đỉnh lịch sử

Thị trường khép lại tuần giao dịch đầy biến động khi liên tục có các nhịp giảm mạnh. Song, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở thành trụ cột giúp thị trường tránh những cú giảm sâu với loạt mã bứt phá mạnh, trong đó, nổi bật là cổ phiếu ngân hàng quân đội MBB (MBBank, HOSE).

MBB đạt thị giá cao nhất lịch sử niêm yết trong bối cảnh thị trường điều chỉnh (Ảnh: SSI iBoard)

MBB đạt thị giá cao nhất lịch sử niêm yết trong bối cảnh thị trường điều chỉnh (Ảnh: SSI iBoard)

MBB tăng mạnh với hơn 10% giá trị qua 5 phiên tăng điểm liên tiếp, cán mốc 25.400 đồng/cp, đây cũng là mức đỉnh cao nhất trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu này.

Chứng khoán VNDirect đưa ra khuyến nghị mua với mã cổ phiếu MBB, giá mục tiêu là 28.400 đồng/cp, kỳ vọng tăng 12% so với giá đóng cửa cuối phiên 19/7.

Ngoài ra, một số mã ngân hàng khác cũng tăng tích cực: BVB (BaoVietBank, HOSE) tăng 12,9%, ACB (ACB, HOSE) tăng 4,58%, NAB (Nam A Bank, HOSE) tăng 8,57%,…

Ngược lại, loạt cổ phiếu chịu áp lực chốt lời khi đồng loạt giảm trên 20% trong tuần qua. Điển hình là cổ phiếu QCG (Quốc Cường Gia Lai, HOSE) của nữ CEO Nguyễn Thị Như Loan (còn được biết tới là mẹ của Cường Đô La), "bốc hơi" 21,3% giá trị, chỉ còn 9.070 đồng/cp

Diễn biến này xuất hiện ngay sau khi bà Như Loan được cho là liên quan đến sai phạm xảy ra tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn. Khu đất này có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Bà Rịa, Cao su Đồng Nai quản lý.

Xét xử vụ án thao túng thị trường chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC và đồng phạm

Hôm nay (22/7), TAND TP.Hà Nội dự kiến mở phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết và 49 bị cáo trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cách đây hơn 2 năm.

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: Internet)

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết (Ảnh: Internet)

Vụ án thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu: AMD, HAI, GAB, FLC, ART và thổi vốn FLC Faros nhằm chiếm đoạt tài sản. Để phục vụ xét xử, tòa án triệu tập tổng cộng gần 93.500 nhà đầu tư đã mua/nắm giữ cổ phiếu ROS với tư cách là bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trong số hơn 30.000 nhà đầu tư, đến nay cơ quan tố tụng xác định có 133 người đang sở hữu hơn 627.000 cổ phiếu ROS ban đầu (hình thành từ vốn góp khống). Tuy nhiên, chỉ có 95 bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu hơn 381.000 cổ phiếu với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng.

Nhận định và khuyến nghị

Theo ông Nguyễn Hưng Phát, chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset, thị trường sẽ tiếp tục phản ánh tâm lý tiêu cực của giới đầu tư trong những phiên đầu tuần, điểm số thị trường chung có thể giảm nhẹ thêm trước khi tìm thấy vùng cân bằng, kỳ vọng tại 1.240 - 1.250 điểm.

Thị trường có thể tiếp tục giảm nhẹ trước khi tìm được vùng cân bằng

Thị trường có thể tiếp tục giảm nhẹ trước khi tìm được vùng cân bằng

Hiện vẫn đang là thời điểm các doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 2 với nhiều diễn biến phân hóa ở các ngành. Một số doanh nghiệp được cho là "pricing" - giá tăng mạnh phản ánh hết kỳ vọng, nhưng có một số doanh nghiệp tiềm năng dần lộ diện với đà hồi phục ấn tượng. Từ đó, sẽ có những dòng tiền thông minh và cơ hội lớn hơn cho nhiều cổ phiếu tốt sẽ sớm quay trở lại.

Từ nay đến cuối năm thị trường vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư, song, nhà đầu tư cần chọn lọc kỹ, một cổ phiếu tăng giá bền vững sẽ đến từ 3 yếu tố: (1) Tăng trưởng; (2) Cân đối tài chính khỏe mạnh, dòng tiền tự do dồi dào; (3) Định giá hấp dẫn so với triển vọng doanh nghiệp. Một số ngành được quan tâm đó là: Bán lẻ, Ngân hàng, Bất động sản, Xuất khẩu.

Còn với đầu tư ngắn hạn, việc quản trị rủi ro danh mục và kiểm soát sử dụng margin phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Mặc dù diễn biến trong ngắn hạn chưa tốt, nhưng có những nhóm ngành thể hiện được sự vượt trội riêng và có thể sẽ đón đầu dòng tiền sắp tới, điển hình là nhóm Ngân hàng. Một số cố phiếu ngân hàng có mức định giá tốt: TCB (Techcombank, HOSE), VPB (VPBank, HOSE), MSB (MSB, HOSE), MBB (MBBank, HOSE), TPB (TPBank, HOSE).

Về dài hạn, xu hướng thị trường được kỳ vọng vẫn sẽ tăng trong năm nay với nhiều nền tảng kỳ vọng tích cực hơn như: Mức lãi suất vẫn đang ở mức khá thấp dù có tăng nhẹ; Fed dự kiến hạ lãi suất vào cuối năm sau khi dự phóng được lạm phát tại Mỹ đang đi đúng hướng về mức 2% như kỳ vọng, chỉ số DXY từ đó hạ nhiệt, giúp giảm áp lực về tỷ giá và có thể giúp áp lực bán ròng của khối ngoại giảm; nâng hạng thị trường trong 2025 có tín hiệu khả quan với dự thảo thay đổi một số điều khoản quan trọng như pre-funding,…

Chứng khoán SSI cho rằng,các chỉ báo kỹ thuật giữ tín hiệu trung tính yếu, cho thấy sức mạnh của VN-Index đang trên đà suy giảm. Dự kiến chỉ số sẽ vận động theo hướng điều chỉnh ngắn hạn về vùng mục tiêu 1.250 - 1.252 điểm.

Chứng khoán MAS đưa ra khuyến nghị, nhà đầu tư cần quan tâm hơn đến triển vọng trung và dài hạn của doanh nghiệp, hạn chế tâm lý lượt sóng ngắn hạn. Các ngưỡng hỗ trợ của VN-Index tại 1.235 điểm và 1.255 điểm.

Lịch trả cổ tức

Theo thống kê, có 24 doanh nghiệp chốt quyền cổ tức tuần này, trong đó, 20 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt, 3 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu và 1 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp.

Tỷ lệ cao nhất là 20%, thấp nhất là 1%.

3 doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, gồm:

CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (VPI, HOSE) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/7, tỷ lệ 20%.

CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO, HNX) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/7, tỷ lệ 5%.

CTCP BCG Land (BCR, UPCOM) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 26/7, tỷ lệ 3%.

1 doanh nghiệp trả cổ tức kết hợp:

CTCP Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVP, HOSE) trả cổ tức kết hợp: tiền mặt và cổ phiếu, với hình thức cổ phiếu, ngày giao dịch không hưởng quyền là 25/7, tỷ lệ 10%.

Lịch trả cổ tức bằng tiền tuần này

* Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chung-khoan-tuan-22-26-7-co-hoi-cho-nhieu-co-phieu-tot-som-quay-tro-lai-20240722081324789.htm