Chứng khoán tuần 31/3 - 4/4: VN-Index điều chỉnh, cơ hội nâng cao tỷ trọng
VN-Index mất mốc 1.320 điểm; Hai hãng hàng không nhận đầu tư sân bay lớn nhất Việt Nam; Novaland lỗ gần 4.400 tỷ đồng năm 2024; Động lực tăng giá mới cho cổ phiếu tháng 4; Lịch trả cổ tức.

Chứng khoán tuần 31/3 - 4/4: VN-Index điều chỉnh, cơ hội nâng cao tỷ trọng. Ảnh minh họa
VN-Index mất mốc 1.320 điểm
Thị trường trải qua tuần giao dịch tiếp tục với diễn biến giằng co khi áp lực bán thường trực. Sau 5 lần thử thách, VN-Index đã đánh mất mốc 1.320 điểm trước sức ép từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Trong đó, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin là nhóm giảm mạnh nhất thị trường, chủ yếu đến từ các mã FPT (FPT, HOSE), CMG (CMC Corp, HOSE), SMT (SAMETEL, HNX) và HPT (Công nghệ Tin học HPT, UPCoM).
"Sắc đỏ" cũng chiếm áp đảo tại nhóm cổ phiếu ngân hàng với TCB (Techcombank, HOSE), ACB (ACB, HOSE), TPB (TPBank, HOSE),...đều giảm điểm, chỉ một số mã như MSB (MSB, HOSE), LPB (LPBank, HOSE), BID (BIDV, HOSE) tăng điểm.

VN-Index "giằng co", phân hóa mạnh giữa các nhóm ngành
Nhóm bất động sản xuất hiện sắc xanh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn: VIC (Vingroup, HOSE), BCM (BECAMEX, HOSE), KDH (Nhà Khang Điền, HOSE) và KBC (Đô thị Kinh Bắc, HOSE). Song, số mã giảm điểm lại chiếm phần lớn với những gương mặt như VRE (Vincom Retail, HOSE), DXG (Bất động sản Đất Xanh, HOSE),...
Chứng khoán là "điểm sáng" khi nhanh chóng hồi phục, giao dịch sôi động với HCM (Chứng khoán Sài Gòn, HOSE) và VND (Chứng khoán VNDirect, HOSE) cùng tăng 1%, SSI (Chứng khoán SSI, HOSE) tăng nhẹ 0,2%,...
Thanh khoản thị trường tăng nhẹ so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 636 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị đạt hơn 14,3 nghìn tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 427 tỷ đồng trên sàn HOSE, tập trung tại các mã PNJ (PNJ, HOSE), VNM (Vinamilk, HOSE), FPT (FPT, HOSE) và VCB (Vietcombank, HOSE).
Nhóm cổ phiếu "kim cương" hụt hơi
Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2025 có nhiều tín hiệu khởi sắc, vượt 1.300 điểm, mặc dù chững lại trong 2 tuần gần đây nhưng chỉ số vẫn ghi nhận mức tăng khoảng 4% từ đầu năm. Dù vậy, VNDiamond lại giảm hơn 5% từ đầu năm, chủ yếu do nhịp điều chỉnh 2 tuần qua.
VNDiamond (bộ chỉ số "kim cương"), là một trong những chỉ số chứng khoán đáng chú ý nhất thị trường. Trong cấu phần của bộ chỉ số VNDiamond, cổ phiếu ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 40%. Chỉ số này từng có nhiều giai đoạn cho thấy sự vượt trội so với VN-Index.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hiệu suất của VNDiamond đang thua xa VN-Index, nguyên nhân chủ yếu do FPT (FPT, HOSE), MWG (Thế giới Di động, HOSE), PNJ (PNJ, HOSE) đánh mất phong độ thời gian qua. Trong đó, FPT đang làm tâm điểm chú ý thời gian gần đây khi liên tục giảm mạnh trước áp lực từ cả khối ngoại và nhà đầu tư trong nước. Từ đỉnh lịch sử hồi trung tuần tháng 1, thị giá FPT đã mất 20% và đang ở vùng thấp nhất kể từ tháng 8/2024.
PNJ thậm chí còn đang ở đáy 1 năm sau khi giảm gần 16% từ đầu 2025. Sự thiếu hụt nguồn cung, những vấn đề của thị trường vàng, nhu cầu các mặt hàng không thiết yếu hồi phục chậm đã ảnh hưởng đến một trong những "ông lớn" ngành vàng, trang sức. Trong khi đó, MWG lại diễn biến thất thường, gần như đi ngang từ đầu năm tới nay.
Một thông tin liên quan, ngày 21/4 tới đây, VNDiamond sẽ thực hiện tái cơ cấu danh mục cho kỳ quý 2/2025.
Chứng khoán BIDV (BSC) dự phóng cổ phiếu CTD (Xây dựng Cotecoons, HOSE) có thể vào rổ lần đầu do đã thỏa mãn các điều kiện của bộ chỉ số. Ngược lại, VRE (Vincom Retail, HOSE) và VIB (VIB, HOSE) có thể bị loại khỏi bộ chỉ số do không thỏa mãn điều kiện FOL.
Vietnam Airlines và Vietjet Air được đầu tư 4 hangar cho sân bay lớn nhất Việt Nam
Theo Thông báo số 139 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, UPCoM) trong việc triển khai Dự án thành phần 3, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tất cả chủ đầu tư, nhà thầu và các bộ, ngành liên quan quán triệt tinh thần giữ nguyên mục tiêu ban đầu: Cơ bản hoàn thành Dự án trong năm 2025 và đưa vào khai thác thương mại trong nửa đầu năm 2026. Trong đó, về Dự án thành phần 4, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định, để Vietnam Airlines (HVN, HOSE) đầu tư xây dựng Hangar số 1 và 2, VietJet Air (VJC, HOSE) đầu tư Hangar số 3 và 4.

Sân bay Long Thành (Ảnh: Báo Chính phủ)
Việc lựa chọn nhà đầu tư phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "chạy chọt", "xin - cho", tham nhũng hay lãng phí. 2 hãng hàng không được giao nhiệm vụ phải thi đua triển khai, quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ trong năm 2025 như đã cam kết. Trường hợp không hoàn thành, sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng sớm hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, trình Thủ tướng phê duyệt để có đầy đủ cơ sở triển khai theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được xây dựng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, có tổng mức đầu tư hơn 16 tỷ USD và chia làm 3 giai đoạn. Hiện tại, dự án đang đi vào giai đoạn 1, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2026 với công suất 25 triệu lượt khách/năm và vốn đầu tư 5,45 tỷ USD. Giai đoạn 2 (2028–2032) sẽ nâng công suất lên 50 triệu lượt khách/năm. Giai đoạn 3 được triển khai sau năm 2035, nâng tổng công suất sân bay lên 100 triệu lượt khách/năm, đưa Long Thành trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam.
Novaland lỗ gần 4.400 tỷ đồng năm 2024 do trích lập dự phòng
CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va - Novaland (NVL, HOSE) vừa công bố BCTC kiểm toán năm 2024. Theo đó, lỗ sau thuế của Tập đoàn tăng thêm 43 tỷ so với báo cáo tự lập lên 4.394 tỷ đồng.
Đây là năm đầu tiên thua lỗ trong lịch sửa hoạt động của NVL. Nguyên nhân chính là do trích lập dự phòng cho kỳ báo cáo bán niên 2024 theo quan điểm của đơn vị kiểm toán, liên quan đến nghĩa vụ tài chính phát sinh tại dự án Lakeview City.

Nhiều dự án Novaland được gỡ rối, kỳ vọng khởi sắc năm nay (Ảnh: Internet)
Tổng doanh thu hợp nhất năm 2024 từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của Novaland là 9.073 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu thuần từ bán hàng đạt gần 8.356 tỷ đồng, tăng 104% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án.
Năm 2024, doanh nghiệp của Chủ tịch Bùi Thành Nhơn đã bàn giao 1.422 sản phẩm từ các dự án Aqua City, NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Sunrise Riverside, Lakeview City, Palm City... đồng thời tháo gỡ vướng mắc và trao hàng trăm Giấy chứng nhận quyền sử dụng cho khách hàng tại nhiều dự án khác nhau.
Năm 2025, Novaland đặt mục tiêu bàn giao hơn 3.000 sản phẩm, cấp sổ hồng cho hơn 7.000 sản phẩm tại hàng loạt dự án.
Đáng chú ý, ngày 1/4 tới đây, Nghị quyết số 170/2024/QH15 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra tại TP. HCM, Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa chính thức có hiệu lực. Theo đó, những vướng mắc liên quan đến tiền sử dụng đất tại dự án Lakeview City của NVL sẽ chính thức được giải quyết.
Về tiến độ gỡ vướng pháp lý tại các dự án trọng điểm, Novaland đang đạt được nhiều chuyển biến tích cực, mục tiêu sẽ đạt được các mốc pháp lý quan trọng từ quý II/2025. Ngoài ra, cụm dự án tại TP. HCM sẽ tiếp tục đạt nhiều bước tháo gỡ pháp lý để cấp sổ, cũng như triển khai các dự án mới.
Động lực tăng giá mới cho cổ phiếu tháng 4
Theo Công ty chứng khoán Pinetree, tuần vừa qua vẫn là một tuần khó giao dịch bởi sau giai đoạn tăng mạnh kể từ đầu năm. Tâm lý nhà đầu tư (NĐT) có phần dè dặt hơn khi VN-Index chưa thể chinh phục vùng 1.340 điểm. NĐT có xu hướng đứng ngoài bảo vệ thành quả đạt được từ đầu năm đến nay.
Về xu hướng tuần này, thị trường Việt Nam sẽ tập trung vào chính sách thuế đối ứng lên các đối tác thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 2-4. Kịch bản VN-Index đi ngang với trong biên độ 1.315 - 1.326 điểm trong khi đợi thị trường phát đi tín hiệu mới.
Những con số ước tính về kết quả kinh doanh quý I/2025 dần được hé lộ. Tháng 4 là mùa đại hội cổ đông khi doanh nghiệp công bố kế hoạch kinh doanh… sẽ là động lực tăng giá mới cho cổ phiếu. Trong kịch bản tiêu cực hơn, một pha rũ bỏ có thể xảy ra trước khi thị trường hồi phục, VN-Index có thể lùi sâu hơn về 1.302 điểm nhưng khả năng thủng ngưỡng này khó.
Các chuyên gia đánh giá, VN-Index đang kết thúc giai đoạn tăng giá mạnh kéo dài trong 8 tuần qua và chịu áp lực điều chỉnh kiểm tra lại các vùng hỗ trợ. Xu hướng ngắn hạn đang chuyển qua giai đoạn điều chỉnh, tích lũy với vùng hỗ trợ gần nhất 1.315 điểm, hỗ trợ mạnh hơn 1.300 điểm.
Nếu thị trường lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.300 điểm sẽ mở ra cơ hội giải ngân với giá vốn tốt cho mục tiêu trung dài hạn, đặc biệt ở các ngành có triển vọng tích cực trong năm nay như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản nhà ở, điện, và đầu tư công.
Nhận định và khuyến nghị
Ông Phạm Minh Tiến, Chuyên viên tư vấn đầu tư, Chứng khoán Mirae Asset đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua có nhịp điều chỉnh và ghi nhận sự "phân hóa mạnh" giữ các nhóm ngành, thanh khoản có xu hướng giảm cho thấy tâm lý thận trọng.
Dù vậy, thị trường vẫn có các yếu tổ ủng hộ xu hướng tích cực, gồm: Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất ổn định ở mức thấp (lãi suất điều hành quanh 4.5-5%/năm). Tính đến ngày 25/3, đã có 24 ngân hàng thương mại trong nước thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi, với mức giảm dao động từ 0,1- 2%/năm. Đây là điều kiện lý tưởng cho kênh đầu tư chứng khoán về độ hấp dẫn khi so sánh các kênh đầu tư khác.
Câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ thúc đẩy dòng vốn nước ngoài được kỳ vọng sẽ quay trở lại khi thị trường Việt Nam
Ngoài ra là các chính sách tài khóa mở rộng, giải quyết nhiều điểm nghẽn trong bất động sản từ Chính phủ.
Trong ngắn hạn, nhóm ngành được hưởng lợi gồm:
Ngân hàng: Lợi nhuận quý I của nhiều ngân hàng tăng trưởng cao nhờ tăng trưởng tín dụng khả quan.
Chứng khoán: Hưởng lợi từ thanh khoản thị trường cải thiện và câu chuyện nâng hạng thị trường sắp tới. Bên cạnh đó là khả năng hệ thống KRX được đưa vào vận hành trong tháng 5.
Bất động sản: Được hỗ trợ gói tín dụng ưu đãi và hỗ trợ gỡ pháp lý các dự án trước đây, nhiều công trình bắt đầu xây dựng và mở bán.
Chứng khoán BSC duy trì quan điểm tích cực trong trung hạn. Tuần tới, các thông tin quốc tế quan trọng được công bố có thể mở ra cơ hội giao dịch. Đây có thể là cơ hội hội để NĐT có thể cân nhắc nâng cao tỷ trọng trong các phiên rung lắc.
Chứng khoán TPS kỳ vọng phiên giao dịch kế tiếp sẽ xuất hiện hiệu ứng phục hồi kỹ thuật từ mốc hỗ trợ 1.316 điểm. Trong trường hợp tích cực, chỉ số VN-Index có thể hướng đến vùng 1.336 điểm. Ở chiều ngược lại, nếu đánh mất mốc hỗ trợ 1.316 điểm, chỉ số có thể giảm về 1.293 điểm.
Lịch trả cổ tức tuần này
Theo thống kê, có 5 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tuần 31/3 - 4/4, trong đó, 4 doanh nghiệp trả bằng tiền mặt và 1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu.
Tỷ lệ cao nhất là 15%, thấp nhất là 5%.
1 doanh nghiệp trả bằng cổ phiếu:
CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang (ANT, UPCoM) chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/ 4, tỷ lệ 10%.
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.
