50 năm chuyển mình mạnh mẽ

50 năm sau ngày giải phóng (2-4-1975 - 2-4-2025), Khánh Hòa đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Từ một vùng đất còn nhiều khó khăn, Khánh Hòa đã vươn lên trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Những con số ấn tượng

Từ sau ngày giải phóng, với truyền thống đấu tranh anh dũng, được rèn luyện thử thách trong quá trình đấu tranh cách mạng, toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Khánh Hòa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế. Trong 10 năm trở lại đây, Khánh Hòa giữ vững nhịp độ tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế chính sách phát triển, kịp thời cụ thể hóa, chủ động triển khai các cơ chế, chính sách, nguồn lực của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ dành cho tỉnh.

Khu Kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển trong thời gian tới.

Khu Kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển trong thời gian tới.

Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, kinh tế của tỉnh tăng trưởng âm, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kinh tế của tỉnh nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng trở lại. GRDP của tỉnh giai đoạn 2021 - 2024 tăng trưởng bình quân 8,1%/năm, trong đó 3 năm liên tiếp 2022 - 2024 đạt tăng trưởng hai con số (GRDP năm 2022 tăng 18,9%, cao nhất cả nước; năm 2023 tăng 10,17%, đứng thứ 4 cả nước; năm 2024 tăng 10,16%, xếp thứ 7 cả nước). Quy mô nền kinh tế của tỉnh từng bước được tăng lên, năm 2024, GRDP (giá hiện hành) của tỉnh đạt 128,7 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 27 cả nước. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, theo hướng cân bằng, đa dạng hóa các động lực tăng trưởng; từng bước trở thành một cực tăng trưởng của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư phát triển đồng bộ, bộ mặt đô thị, nông thôn và miền núi có nhiều khởi sắc, nhất là hạ tầng giao thông với các tuyến đường cao tốc, đường liên vùng, ven biển được tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục ngày càng được đổi mới với tinh thần phục vụ nhân dân. Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 1,26%; huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh đã được công nhận thoát nghèo. Toàn tỉnh hiện có 73/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ ước đạt 31%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 3,5%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; bảo vệ chủ quyền biển, đảo được tăng cường.

Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Bí thư Đảng ủy UBND tỉnh cho biết, qua 50 năm thống nhất đất nước và ngày Khánh Hòa được giải phóng, tỉnh đã có những thay đổi vượt bậc, diện mạo tỉnh thay đổi mạnh mẽ, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống của nhân dân trong tỉnh không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 55/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đây được xem là chìa khóa để tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, tạo đột phá để huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, góp phần đạt được các mục tiêu mà Bộ Chính trị đã đề ra. Với những chính sách, cơ chế Trung ương dành cho Khánh Hòa, chắc chắn sẽ tạo nên những bước đột phá lớn hơn trong những năm tới.

Nâng tầm phát triển

Mặc dù thời gian qua, Khánh Hòa đã có những bước tiến dài trong hành trình phát triển, diện mạo của tỉnh thay đổi mạnh mẽ, song để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, trong những năm tới, Khánh Hòa đặt mục tiêu tiếp tục tăng trưởng ở mức cao hơn. 10 năm tới sẽ là thập niên tăng trưởng liên tục ở 2 con số; trong đó, phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 10,5% và giai đoạn 2026 - 2030 đạt 11 - 11,5%.

Để hoàn thành mục tiêu này, tỉnh xác định ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân hàng năm đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đồng thời, thu hút hiệu quả các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch, logistics, đổi mới sáng tạo…; giám sát chặt chẽ tiến độ triển khai các dự án đầu tư, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ đã cam kết; khai thác hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; phát triển thương mại điện tử; dịch vụ logistics, vận tải, nhất là vận tải hàng không, vận tải biển.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục tăng cường liên kết vùng, hợp tác quốc tế; tập trung phát triển các vùng động lực, bao gồm: TP. Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh, Khu Kinh tế Vân Phong; tập trung đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông trọng điểm, liên vùng như: Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 26B, đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận... Tỉnh phối hợp với Trung ương đẩy nhanh tiến độ đầu tư đường sắt tốc độ cao đoạn TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ Khu Kinh tế Vân Phong; triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành phủ kín các quy hoạch phân khu, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy Nhà nước theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; triển khai nghiêm túc, hiệu quả đề án vị trí việc làm và bộ công cụ đo lường, đánh giá kết quả, hiệu quả công tác (KPI) để tạo bước chuyển biến thực chất, khách quan trong thực thi công vụ. Tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục một cách thực chất, hiệu quả; phát triển chính quyền số, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính; tập trung cải thiện các chỉ số quản trị và phát triển địa phương; tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, trọng tâm là những điểm nghẽn, nút thắt có tác động lớn đến tiến độ, hiệu quả của các dự án đầu tư, dự án còn tồn đọng…

Ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Bằng các nguồn lực rất lớn của Trung ương cũng như nguồn cân đối ngân sách địa phương, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, với các tuyến đường bộ cao tốc, tuyến đường liên tỉnh và các tuyến đường nối với các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh; mở ra các không gian, dư địa và tiềm năng phát triển rất lớn cho tỉnh trong thời gian tới.Với những cơ hội, vận hội mới sẽ tạo thuận lợi cho Khánh Hòa bước vào thập niên nâng tầm và phát triển. Tỉnh ủy đã thông qua chủ trương, định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để trong thập niên tới tăng trưởng liên tục 2 con số về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người. Bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, đến năm 2030, Khánh Hòa đặt mục tiêu thực hiện thắng lợi các định hướng mà Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị đã xác định.

ĐÌNH LÂM

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202504/50-namchuyen-minh-manh-me-c187151/