Chứng khoán tuần cuối năm Giáp Thìn: VN-Index kỳ vọng tăng tích cực vùng 1.260 điểm
VN-Index hồi phục tích cực; 3 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền cuối năm Giáp Thìn; Loạt công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh; 2 cổ phiếu 'hot' năm 2025...
Sau diễn biến giảm mạnh đột biến, VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.220 điểm. Song, tín hiệu tích cực xuất hiện khi lực cầu trở lại vào những phiên cuối tuần giúp chỉ số phục hồi tốt với dòng tiền quay trở lại, thanh khoản cải thiện dần.
Thị trường chốt tuần với chỉ số VN-Index tăng 1,51% (tương đương 18,63 điểm), lên mức 1.249,11 điểm.
Diễn biến này được giới chuyên gia đánh giá là dấu hiệu hồi phục tích cực khi trước đó thị trường đã trải qua một tháng giao dịch đầy trầm lắng và trống vắng thông tin hỗ trợ khiến VN-Index trải qua giai đoạn thử thách tâm lý nhà đầu tư tại các vùng giá quan trọng như quanh 1.220 điểm.
Trong các nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có đà tăng tích cực, kéo đà tăng cho thị trường, nhờ vào nhiều thông tin tích cực hơn về tăng trưởng tín dụng, với các mã TCB (Techcombank, HOSE), VCB (Vietcombank, HOSE), HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), FPT (FPT, HOSE),...
Ngoài ra, một số gương mặt trong nhóm VN30 như GVR (Cao su Việt Nam, HOSE), PLX (Petrolimex, HOSE), BVH (Bảo Việt, HOSE),... Và các nhóm ngành như logistic, công nghệ - viễn thông, đầu tư công, vật liệu xây dựng, dầu khí... cũng thu hút được lực cầu khá tốt.
Về khối ngoại, dòng vốn ngoại lại có xu hướng ngược lại khi ghi nhận đà bán ròng mạnh xuyên suốt 5 phiên liên tiếp, tâm điểm là phiên 16/1. Tổng sau 5 phiên, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng xấp xỉ 4.900 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Loạt công ty chứng khoán công bố kết quả kinh doanh quý 4/2024
Ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, hàng loạt công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2024.
CTCP Chứng khoán VPS công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý 4/2024 với doanh thu hoạt động đạt 1.544 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 837,3 tỷ đồng, tăng 329% so với cùng kỳ, thiết lập mức cao nhất trong lịch sử của công ty.
Tổng cả năm 2024, VPS đạt doanh thu hoạt động 6.466 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lên tới 2.521 tỷ đồng, tăng mạnh 278%.
CTCP Chứng khoán FPT (FTS, HOSE) trong quý 4/2024 đạt tổng doanh thu hoạt động và doanh thu tài chính đạt 320,8 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 159,5 tỷ đồng, tăng 280% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận được thúc đẩy bởi lãi cho vay margin, đạt 162,2 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Ngược lại, mảng môi giới ghi nhận lỗ nhẹ, với doanh thu đạt 40,9 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ, trong khi chi phí lên tới 43,7 tỷ đồng.
Ngược lại, nhiều công ty, bao gồm cả những tên tuổi đáng chú ý, bất ngờ báo lỗ.
Điển hình với CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS, HOSE), với kết quả BCTC riêng quý 4/2024, ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 150 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động tăng vọt 82% lên 143 tỷ đồng khiến công ty báo lỗ sau thuế 21 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ đầu tiên kể từ quý II/2022. Cùng kỳ năm trước, Rồng Việt lãi hơn 74 tỷ đồng.
Dù vậy, lũy kế cả năm 2024, VDS vẫn ghi nhận lãi sau thuế 286 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2023 nhưng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.
Ngoài ra, trong số gần 20 công ty chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý 4/2024, một số gương mặt khác cũng ghi nhận lỗ, như: PBSV lỗ 3 tỷ, CVS lỗ 4 tỷ và VNSC lỗ 5 tỷ, và cả ba công ty này đều báo lỗ trong cả năm 2024.
2 mã cổ phiếu "hot" được khuyến nghị mua
Thống kê của FiinTrade từ báo cáo chiến lược của 13 công ty chứng khoán cho thấy Hòa Phát (HPG, HOSE) và Techcombank (TCB, HOSE) là 2 cổ phiếu được cả 13 công ty đánh giá là tiềm năng trong năm 2025.
Theo đó, HPG được kỳ vọng hưởng lợi từ sự phục hồi của thị trường bất động sản, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các chính sách bảo hộ cùng dự án trọng điểm Dung Quất 2.
Trong khi, TCB với kỳ vọng tăng trưởng từ tín dụng bất động sản và thu nhập ngoài lãi tiếp tục phục hồi.
Ngoài ra, dẫn đầu danh sách các cổ phiếu tiềm năng cho 2025 có nhiều đại diện thuộc Ngân hàng: VCB (Vietcombank, HOSE), BID (BIDV, HOSE), CTG (VietinBank, HOSE), VPB (VPBank, HOSE), ACB (ACB, HOSE); Dầu khí: PVD (PV Drilling, HOSE), PVS (PTSC, HNX); Hàng tiêu dùng: MWG (Thế giới Di động, HOSE), FRT (FPT JSC, HOSE), PNJ (Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, HOSE), VHC (Vĩnh Hoàn, HOSE); Bất động sản: KDH (Nhà Khang Điền, HOSE), NLG (Nam Long, HOSE), KBC (Kinh Bắc, HOSE).
Đáng chú ý, danh sách này có rất ít cổ phiếu thuộc ngành xây dựng và vật liệu dù giải ngân vốn đầu tư công được hầu hết các công ty chứng khoán cho rằng sẽ là động lực quan trọng cho năm 2025.
Kỳ vọng VN-Index tăng tích cực trước Tết
Tuần qua, thị trường tăng điểm bất chấp khối ngoại vẫn bán ròng mức "khủng" hơn 4.600 tỉ đồng.
Theo các công ty chứng khoán, trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể tiếp tục tiến lên vùng 1.250 – 1.260 điểm trước khi nghỉ Tết, với thanh khoản tối thiểu khoảng 10.000 tỷ đồng/phiên trên sàn HOSE.
Chứng khoán là nhóm ngành dẫn dắt khi một số công ty chứng khoán lớn đã dần công bố kết quả lợi nhuận tích cực và đặt mục tiêu tham vọng cho kịch bản thị trường được nâng hạng năm 2025.
Chứng khoán Pinetree nhận định, trong ngắn hạn, tuần tới là tuần giao dịch cuối cùng của năm âm lịch, việc thanh khoản cạn kiệt tiếp tục cản trở thị trường bứt phá mạnh mẽ. Động lực mạnh nhất cho thị trường hiện là kết quả kinh doanh năm 2024 của các doanh nghiệp và lễ nhậm chức chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump xem những chính sách thuế quan sẽ ảnh hưởng thế nào tới thương mại của Việt Nam.
Nhận định và khuyến nghị
Ông Bùi Ngọc Trung, Chuyên viên tư vấn đầu tư, chứng khoán Mirae Asset, đánh giá, theo quan sát, thời điểm trước và sau tết Nguyên Đán thì thị trường chứng khoán có xu hướng tăng tốt hơn với quan niệm "lấy may" với việc mua cổ phiếu trước Tết và có thể chốt lời sau Tết. Vì vậy, có thể tâm lý thị trường năm nay trong tuần cuối năm Giáp Thìn và 2 tuần sau Tết cũng sẽ diễn biến tích cực hơn sau tuần hồi phục tích cực vừa qua. Thanh khoản có thể sẽ chưa có nhiều thay đổi lớn, duy trì ở mức 10.000 – 13.000 tỷ đồng/ phiên để hỗ trợ cho đà tăng điểm nhẹ của VN-Index.
Theo ông Trung, bức tranh kỳ vọng trung và dài hạn với dự đoán tăng trưởng lợi nhuận của các ngành năm nay sẽ ở mức khá cao trên 20%, từ đó nhiều cổ phiếu chất lượng sẽ được tái định giá trở lại ở một mức cao hơn.
Các nhóm ngành nhà đầu tư (NĐT) có thể chú ý với triển vọng đầy hứa hẹn trong năm mới 2025, gồm: Ngân hàng, Bất động sản khu công nghiệp, Bất động sản và bán lẻ.
Trong bối cảnh thị trường vào thời điểm cận Tết và kỳ nghỉ kéo dài, tâm lý NĐT ở mức thận trọng, đây là khoảng thời gian "đẹp" để tập trung đánh giá lại danh mục đầu tư cũng như lên chiến lược phân bổ nguồn lực trong giai đoạn mới, đặc biệt là trong năm 2025. NĐT nên hạn chế sử dụng margin và duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức hợp lý ở mức khá.
Chứng khoán Aseancho rằng,thị trường chứng khoán đã ghi nhận sự phục hồi, tuy nhiên, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có sự phục hồi, một phần nhờ xu hướng tích cực từ thị trường quốc tế, ngoài ra các nhóm ngành như Chứng khoán, Đầu tư công và Cảng biển cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng chú ý nhờ các thông tin hỗ trợ tích cực. Về tổng thể, thị trường trong nước trong tuần cuối năm có thể tiếp tục phục hồi nhưng với trạng thái rung lắc là chủ đạo cho đến khi các yếu tố vĩ mô, tỷ giá và tình hình quốc tế trở nên rõ ràng hơn.
Chứng khoán BSCnhận định, sau tuần tăng vừa qua, độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 17/18 ngành tăng điểm, trong những phiên giao dịch cận Tết, thị trường có thể tiếp tục quán tính tăng điểm, hướng về vùng 1.255 - 1.260 điểm.
Lịch trả cổ tức tuần
Tuần cuối năm Giáp Thìn với 3 doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức bằng tiền, cụ thể:
Lịch trả cổ tức bằng tiền
*Ngày GDKHQ: là ngày giao dịch mà người mua khi xác lập sở hữu cổ phiếu sẽ không được hưởng các quyền có liên quan như quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm nhưng vẫn hưởng quyền tham dự đại hội cổ đông.