Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính
Theo giới phân tích, thành lập trung tâm tài chính quốc tế và khu vực sẽ làm tăng độ mở của thị trường tài chính Việt Nam. Do đó, pháp luật và chính sách về tiền tệ, ngân hàng phải tiếp cận thông lệ quốc tế; đồng thời, cần đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, giảm thiểu tác động của các cú sốc bên ngoài..
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế (TP. Hồ Chí Minh) và khu vực (TP. Đà Nẵng); Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính và đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi.
Điều 12 Dự thảo Nghị quyết đề cập đến chính sách tiền tệ, ngân hàng. Trong đó, giới phân tích đánh giá 2 nhóm chính sách quan trọng liên quan mật thiết đến chủ quyền tiền tệ quốc gia cần được xem xét thấu đáo.
Thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất việc mua bán, thanh toán, chuyển nhượng và các quan hệ giao dịch khác giữa các tổ chức, cá nhân trong trung tâm tài chính quốc tế được phép thực hiện bằng Đồng Việt Nam hoặc các ngoại tệ tự do chuyển đổi. Các giao dịch ngoại hối giữa chủ thể trong trung tâm tài chính với các chủ thể tại nước ngoài và phần còn lại của quốc gia thực hiện theo quy định hiện hành.
Thứ hai, các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có trụ sở tại trung tâm tài chính không bị áp dụng hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài hoặc điều kiện đầu tư nước ngoài đối với việc cung cấp dịch vụ trong trung tâm tài chính hoặc dịch vụ xuyên biên giới.
ĐẢM BẢO AN NINH TIỀN TỆ VÀ ỔN ĐỊNH TỶ GIÁ
Nhóm chính sách thứ nhất của Điều 12 Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội đã đề cập rõ: các giao dịch bằng ngoại tệ chỉ được phép thực hiện trong trung tâm tài chính và tách biệt với phần còn lại của Việt Nam.
PGS.TS.Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho rằng nếu đề xuất này được thông qua thì chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối trong nước sẽ không có sự thay đổi lớn, vì đã có một hàng rào bảo vệ thị trường trong nước với khu vực tự do tài chính, tránh những rủi ro về rút vốn hàng loạt hay một cuộc tấn công tiền tệ quy mô lớn như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
“Tuy nhiên, chúng ta nên cho phép dòng vốn chu chuyển tự do trong trung tâm tài chính ra nước ngoài và ngược lại, tương tự như các trung tâm tài chính quốc tế khác. Nếu như chúng ta vẫn quản lý các dòng vốn này thì sẽ có thể làm giảm sức hấp dẫn của trung tâm”, ông Huân đề xuất.
Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng kinh nghiệm thế giới cho thấy khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế thì các quy định liên quan đến quản lý ngoại hối, thanh toán là những yếu tố cực kỳ quan trọng và nhạy cảm đối với nhà đầu tư. Họ cần được đảm bảo rằng dòng vốn được luân chuyển liên tục, thuận lợi.
“Thông lệ quốc tế, các quốc gia thường khoanh vùng khu vực trung tâm tài chính để thiết kế riêng một hệ thống luật lệ tài chính; khác biệt so với hệ thống luật lệ trong nước; nhằm nhắm vào thị trường tài chính quốc tế”, ông Hùng cho biết.
“Cần phát triển trung tâm tài chính thành một khu tài chính tự do với các quy định pháp luật tiệm cận thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, chỉ nên có hệ thống pháp luật riêng cho lĩnh vực tài chính để tránh khu vực này trở thành một đặc khu kinh tế tự do hoàn toàn như Hong Kong, sẽ có những rủi ro nhất định về sự chi phối kinh tế từ bên ngoài thậm chí là chính trị. Chúng ta có thể tham khảo mô hình của Thượng Hải cho vấn đề này”, PGS.TS.Nguyễn Hữu Huân bày tỏ đồng tình với ông Nguyễn Bá Hùng.
Theo các chuyên gia, nếu đã là trung tâm tài chính quốc tế thì chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ không chi phối quá nhiều hoạt động của trung tâm này, vì dòng vốn trong trung tâm tài chính cần sự tự do và đa số các giao dịch đều được thực hiện bằng ngoại tệ mạnh. Lúc này, chính sách tiền tệ sẽ tập trung điều tiết dòng vốn ngoại tệ chảy vào nội địa thông qua trung tâm tài chính. Ví dụ: các công ty trong nước huy động vốn từ thị trường tài chính trong trung tâm và chuyển vào nội địa.
Tuy nhiên, PGS.TS.Nguyễn Hữu Huân lưu ý việc dòng vốn ngoại tệ trong thời gian ngắn chảy mạnh vào nội địa có thể làm tăng giá VND hay tạo ra các cú sốc cho sự ổn định vĩ mô, tương tự như giai đoạn 2006-2007.
“Do đó, cơ quan quản lý phải chuẩn bị các chính sách vô hiệu hóa tác động của các cú sốc này cho phù hợp cũng như tranh thủ gia tăng dự trữ ngoại hối. Ở chiều ngược lại, khi dòng vốn nội địa chảy vào trung tâm cần có những quy định cụ thể, có thể là đơn giản hơn so với việc chuyển vốn ra nước ngoài nhưng cũng cần chặt chẽ để đảm bảo an ninh tiền tệ và ổn định tỷ giá”, ông Huân khuyến nghị.
Các chuyên gia cho rằng sức hấp dẫn của ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam đối với các nhà đầu tư trên thế giới là rất lớn. Minh chứng là đa số các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán của Việt Nam hiện nay đều đã kín tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Do đó, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ hoàn toàn tỷ lệ sở hữu/điều kiện đầu tư nước ngoài với các tổ chức tín dụng hoạt động trong trung tâm tài chính sẽ tạo ra sự hấp dẫn rất lớn đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trong trung tâm.
Khu vực ngân hàng nhờ đó sẽ hưởng lợi từ việc thu hút được nhiều đối tác chiến lược lớn, qua đó nhận được nguồn vốn lớn kèm theo chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn tài chính hàng đầu.
CẦN XÂY DỰNG LUẬT NGOẠI HỐI VÀ LUẬT THANH TOÁN
Giới phân tích nhấn mạnh chính sách nào cũng có 2 mặt. Việc gỡ bỏ hoàn toàn tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể dẫn đến các rủi ro về việc pha loãng cổ phần; thậm chí là thâu tóm thù địch từ các định chế tài chính quốc tế đối với các định chế tài chính của Việt Nam. Việc hệ thống tài chính quá phụ thuộc vào khối ngoại cũng sẽ là một rủi ro trong việc thực thi và điều hành chính sách tiền tệ cũng như chủ quyền tiền tệ của đất nước.
Ông Nguyễn Bá Hùng khuyến nghị Chính phủ cần đưa ra lộ trình thận trọng và chi tiết cho việc thành lập và vận hành trung tâm tài chính quốc tế và khu vực. Trong đó, ông Hùng khuyến nghị củng cố 3 trọng tâm làm nền tảng cho trung tâm tài chính phát triển: (1) nhanh chóng cải cách để thị trường tài chính trong nước theo hướng lành mạnh, bền vững; (2) hoàn thiện các quy định pháp luật về tài chính, tiền tệ, ngân hàng; (3) xây dựng hệ sinh thái cho trung tâm tài chính bao gồm dịch vụ phụ trợ như kế toán, kiểm toán, pháp lý; thậm chí các dịch vụ phục vụ đời sống như y tế, giáo dục…
“Rất nhiều quốc gia muốn làm trung tâm tài chính nhưng không nhiều nước thành công. Bởi vì, ngoài cơ chế, thể chế thuận lợi thì phải xây dựng được hệ sinh thái trong và xung quanh trung tâm tài chính. Từ hạ tầng đến dịch vụ phải nhanh, đồng bộ và đáp ứng được các tiêu chuẩn cao”, ông Hùng cho biết.
Phân tích những thiếu hụt trong hệ thống pháp luật về tiền tệ, ngân hàng hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Thanh toán, Luật Ngoại hối… là những bộ luật then chốt của ngành ngân hàng ở bất kỳ quốc gia nào nhưng đến nay Việt Nam mới có Luật Các tổ chức tín dụng.
“Khi nói đến trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì yếu tố nước ngoài rất đậm nét. Vấn đề trên liên quan trực tiếp đến nước ngoài, thì văn bản dưới luật không bảo đảm cơ sở pháp lý cần thiết”, ông Đức cho hay.
Ông Đức lấy ví dụ ngoại hối là lĩnh vực vô cùng quan trọng nhưng đến nay Việt Nam chưa có luật mà vẫn dùng Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi năm 2013. “Cái khó là pháp luật ngoại hối khá phức tạp, mà người dân và doanh nghiệp, thậm chí cả ngân hàng cũng không dễ dàng phân biệt giữa các trường hợp bị cấm, hạn chế và được tự do thực hiện giao dịch ngoại hối”, Luật sư Đức đánh giá.
Do đó, vị Luật sư cho rằng để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư kinh doanh vào Việt Nam nói chung và trung tâm tài chính nói riêng, cần sớm nâng cấp Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi 2013 lên thành luật, sau đó ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành rất chi tiết, cụ thể.
Trong lĩnh vực thanh toán, ông Đức cũng đề nghị xây dựng luật thay vì có 2 Nghị định như hiện nay là Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt và Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03-2025 phát hành ngày 20/01/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cung-co-phap-luat-de-phat-trien-trung-tam-tai-chinh.htm