Chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng

FTSE nhận định Việt Nam hiện vẫn chưa đáp ứng được hai tiêu chí: 'Chu kỳ thanh toán' và 'Chi phí liên quan đến các giao dịch thất bại trong thanh toán'. Cả hai đều đang được đánh giá ở mức 'hạn chế'.

FTSE Russell vừa công bố kết quả đánh giá phân loại tạm thời các thị trường chứng khoán (TTCK) kỳ tháng 3. Theo đó, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (secondary emerging market). Tình trạng này đã kéo dài gần 7 năm khi lần đầu được đưa vào danh sách theo dõi từ tháng 9.2018.

Theo đánh giá mới nhất, Việt Nam vẫn chưa đạt được 2 tiêu chí quan trọng là chu kỳ thanh toán (Delivery versus Payment - DvP) và chi phí xử lý các giao dịch thất bại - cả 2 đều bị đánh giá ở mức “hạn chế”.

Một bước tiến đáng ghi nhận là việc cơ quan quản lý trong nước đã triển khai mô hình không cấp vốn trước (Non-Pre-Funding - NPF) từ tháng 11.2024. Cơ chế này cho phép các công ty chứng khoán trong nước hỗ trợ nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (FII) bằng một mức vốn nhất định, giúp loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước cho các giao dịch mua – yếu tố từng khiến Việt Nam bị đánh giá tiêu cực.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng - Ảnh minh họa

Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, FTSE Russell cho biết họ vẫn cần thêm thời gian để thu thập ý kiến từ các bên tham gia thị trường về tính hiệu quả của mô hình này, cũng như cách xử lý các giao dịch không thành công. Một tiêu chí khác cũng cần cải thiện là thời gian mở tài khoản cho nhà đầu tư nước ngoài, hiện vẫn kéo dài tới 9 tháng – vượt xa tiêu chuẩn thông thường trên các thị trường mới nổi.

Ngoài ra, tổ chức xếp hạng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện cơ chế giao dịch cho các cổ phiếu đã chạm hoặc sắp chạm giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL) – một rào cản khiến dòng vốn ngoại khó tiếp cận cổ phiếu Việt Nam một cách linh hoạt.

Dù còn một số vướng mắc, FTSE Russell đánh giá cao nỗ lực cải cách liên tục từ các cơ quan quản lý như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), HoSE và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như Nhóm Ngân hàng thế giới. Những bước tiến gần đây, trong đó có việc chuẩn bị ra mắt hệ thống giao dịch mới KRX vào ngày 5.5, được xem là nền tảng quan trọng để Việt Nam cải thiện các tiêu chí nâng hạng.

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Phan Phương Nam (Đại học Luật TP.HCM) cho rằng để TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư quốc tế, cần hoàn thiện khung pháp lý và giảm rào cản giao dịch.

Cụ thể là mở rộng áp dụng cho tất cả nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm cả cá nhân) để tăng tính cạnh tranh với các thị trường khu vực như Thái Lan hay Indonesia. Hiện nay theo thông tư 68/2024/TT-BTC thì quy định này mới chỉ áp dụng cho tổ chức.

Tiếp theo, ông Nam cho rằng cần áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), vì nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng chuẩn mực kế toán nội địa, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài trong việc so sánh và đánh giá.

TS Phan Phương Nam, Đại học Luật TP.HCM

TS Phan Phương Nam, Đại học Luật TP.HCM

Ngoài ra, theo ông Nam, cần rà soát ngành nghề hạn chế. Cơ quan chức năng cần công bố rõ ràng và minh bạch tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đồng thời nới lỏng giới hạn ở những ngành không thực sự cần thiết; quy định rõ ràng, cụ thể để hoạt động phát hành chứng chỉ lưu ký không quyền biểu quyết (NVDR) được triển khai mạnh mẽ và nhanh chóng đưa hệ thống KRX vào vận hành sớm.

Trước đó, Chứng khoán KBSV kỳ vọng Việt Nam có thể được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng vào tháng 9.2025 và chính thức được nâng hạng vào tháng 3.2026.

Theo KBSV, một bước tiến quan trọng trong tiến trình nâng hạng FTSE là việc loại bỏ yêu cầu ký quỹ (non-prefunding) cho các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Công ty chứng khoán và ngân hàng lưu ký phải chịu trách nhiệm trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không đủ tiền thanh toán, tăng cường trách nhiệm các thành viên thị trường; bắt buộc công bố thông tin bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt…

Một trong những điểm mới là việc áp dụng cơ chế bù trừ trung tâm (CCP), giúp tăng tính an toàn và hiệu quả trong thanh toán các giao dịch chứng khoán và phái sinh.

Ngoài ra, luật bổ sung quy định chặt chẽ hơn cho chào bán cổ phiếu và trái phiếu ra công chúng, bao gồm yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, giới hạn phát hành dựa trên vốn chủ sở hữu, và tiêu chí về hệ số nợ. Đây là bước tiến cần thiết để đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư và gia tăng niềm tin trên thị trường.

Báo cáo mới đây của SSI Research cho biết FTSE Russell có cái nhìn khả quan về việc triển khai non pre-funding. Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình thực hiện (việc mở tài khoản, hệ thống giao dịch và xử lý các giao dịch thất bại). Việc xử lý các giao dịch thất bại là yếu tố quan trọng FTSE Russell đang xem xét để quyết định nâng hạng cho Việt Nam.

Các cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực đạt mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi. Ví dụ như kế hoạch triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới vào ngày 5.5; sửa đổi Luật Chứng khoán tạo tiền đề pháp lý cho mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP) cho hoạt động bù trừ thanh toán giao dịch chứng khoán; sửa đổi Nghị định 155/2020 nhằm đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài…

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chung-khoan-viet-nam-van-chua-duoc-nang-hang-231341.html