Chúng mình có quá mong manh
'Chữa lành' trở thành từ khóa được quan tâm hàng đầu với nhiều người, nhất là với những bạn trẻ khi đối mặt với những áp lực trong hành trình trưởng thành.
Những buổi học vẽ, hay làm gốm, thêu tay không xa lạ gì với bạn trẻ, nhưng để thu hút khách hàng đăng ký tham dự thì đó phải là: “hòa nhạc chữa lành”, “vẽ chữa lành”, “làm gốm chữa lành”, “thêu hoa chữa lành”, “cắm hoa chữa lành”…
Chi phí cho các buổi học này dao động từ 300.000-1.000.000 đồng/buổi học. Và sau những giây phút “chữa lành”, người tham dự luôn có sản phẩm mang về như một bức tranh, một cái khăn do tự tay mình thêu. Nhưng, liệu có thật sự được “chữa lành” sau vài buổi vẽ, hay làm gốm?
Nguyễn Võ Ngọc Trâm (28 tuổi, nhân viên đồ họa, ngụ quận 11, TPHCM) chia sẻ: “Cuối tuần, thay vì đi cà phê hay trà sữa thì tôi và nhóm bạn chọn lớp vẽ, biết thêm một kiến thức mới cũng hay hay. Nhưng vẽ là tập trung hoàn toàn và thư giãn với cọ, màu sắc thôi, chứ gắn khái niệm “chữa lành” vào làm gì. Thêm chữ vậy thôi chứ cách tổ chức thì vẫn y như cũ, thậm chí có buổi đăng ký đông quá, giáo viên hướng dẫn không xuể”.
Không chỉ có các buổi học ngắn hạn, “thực phẩm chữa lành”, “phụ kiện trang sức chữa lành”, “sách chữa lành”… cũng thu hút một lượng lớn bạn trẻ. Hơn 2 tuần đặt phần ăn sáng - trưa theo lời giới thiệu từ người bán là “thực phẩm thuần chay chữa lành”, Trần Phương Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng, ngụ quận 4, TPHCM) kể: “Áp lực khi làm việc nhóm ở công ty, nên thấy người ta giới thiệu cái gì có “chữa lành” là quan tâm đặt mua liền. Ai ngờ, do trước đến giờ tôi không ăn chay, đột ngột chuyển sang ăn chay 2 tuần, cơ thể chưa quen nên thấy mệt mỏi hơn. Coi như một bài học, mình phải có sức khỏe trước, thì mới tính đến việc “chữa lành” tinh thần được”.
Áp lực của cuộc sống, công việc hay mối quan hệ xã hội…, dẫn đến những quá tải về mặt cảm xúc, tinh thần cũng là điều dễ hiểu và ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại. Người trẻ càng đáng báo động hơn với vấn đề trầm cảm, hay overthinking (tạm dịch: suy nghĩ quá mức về các vấn đề đang đối mặt). Nhưng liệu bạn trẻ của xã hội hôm nay có quá mong manh đến mức mỗi chuyện mỗi “chữa lành”?
“Chữa lành” là việc cần thiết khi có những áp lực vô hình trong đời sống hiện nay, nhưng cần thiết hơn chính là cách chúng ta nhìn nhận vấn đề, đừng tự tạo ra trào lưu và xoáy mình trong đó. Hãy tập cho mình đủ bản lĩnh để bình tĩnh trong mọi tình huống, bởi kết nối quan trọng nhất là kết nối với chính mình, lắng nghe bản thân mình muốn và cần gì trước khi tìm kiếm sự “chữa lành” từ bên ngoài.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chung-minh-co-qua-mong-manh-post705382.html