Chung nguồn nước nhưng đắt gấp đôi

Cùng lấy nước sông Hồng (sông Đuống là một nhánh của sông Hồng) để xử lý rồi bán ra thị trường, nhưng Nhà máy nước mặt sông Đuống bán nước sạch với giá cao gấp đôi các nhà máy khác ở Hà Nội và Hưng Yên.

Dùng chung nguồn nước sông Hồng, nhưng các nhà máy nước sạch ở Hưng Yên (trong ảnh là Nhà máy nước Phú Thịnh) có giá bán chỉ bằng một nửa so với giá của Nhà máy nước sông Đuống. Ảnh: Trọng Đảng

Dùng chung nguồn nước sông Hồng, nhưng các nhà máy nước sạch ở Hưng Yên (trong ảnh là Nhà máy nước Phú Thịnh) có giá bán chỉ bằng một nửa so với giá của Nhà máy nước sông Đuống. Ảnh: Trọng Đảng

Có nguồn cung cấp nước và công nghệ xử lý tương tự Nhà máy nước sạch (NMNS) sông Đuống, nhưng NMNS của Hưng Yên bán nước sạch với giá chỉ bằng một nửa giá nước của NMNS sông Đuống. Qua khảo sát tại hầu hết các NMNS đang lấy nước sông Hồng lên xử lý của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên, phóng viên ghi nhận, các nhà máy này đều chung quy trình hoạt động: bơm nước sông Hồng (nước thô) vào bể lắng, sau đó đưa sang bể trộn hóa chất, bể gặn lọc, cuối cùng nước được chuyển sang hồ chứa khử mùi rồi xả nước vào đường ống cung cấp ra thị trường… Đây là quy trình đang được các NMNS như Phú Thịnh, Thuần Hưng - Đại Hưng, Trần Cao, Minh Tân, Hưng Đạo - Minh Hoàng… áp dụng để cung cấp nước sạch cho người dân thành phố Hưng Yên và các huyện. Các nhà máy lấy nước từ sông Hồng, sông Luộc (một nhánh của sông Hồng).

Ông Hoàng Nghĩa Tài - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, hầu hết các nhà máy do Trung tâm quản lý đều được đầu tư bằng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB); công nghệ xử lý nước mặt tại các nhà máy thuộc hàng tiên tiến nhất của thế giới. “Nước sạch thành phẩm được sản xuất từ nhà máy đều đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất của Bộ Y tế dành cho việc ăn, uống”, ông Tài nói. Về giá nước dành cho sinh hoạt, ông cho biết, Trung tâm đang quản lý 10 nhà máy tại thành phố Hưng Yên và các huyện lân cận, tất cả đều áp dụng giá bán chung là 6.800 đồng/m3.

Thông tin với phóng viên Tiền Phong, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, hiện trên lưu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam có hơn 70 NMNS lấy nước mặt sông Hồng và các nhánh sông này để xử lý và cung cấp cho người dân. Về giá nước đang được các nhà máy áp dụng và báo cáo, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, giá bán dao động từ 5.000 đến 7.000 đồng/m3 cho khoảng 10m3 đầu tiên.

Cùng ở Hà Nội, cùng lấy nước mặt sông Hồng để xử lý rồi cung cấp cho người dân, NMNS Bắc Thăng Long - Vân Trì (huyện Đông Anh) có giá nước sinh hoạt bằng một nửa giá nước NMNS sông Đuống. Đại diện Cty Nước sạch Hà Nội (quản lý nhà máy Bắc Thăng Long - Vân Trì) nói với phóng viên: Hiện giá nước sinh hoạt bán cho người dân là 5.900 đồng/m3 với 10m3 đầu tiên. Trong khi đó, Nhà máy nước mặt sông Đuống trong quá trình xây dựng đã được hưởng nhiều ưu đãi và được phê duyệt mức giá tạm tính cao nhất tới 10.246 đồng/m3 (chưa thuế).

Xong giá khi chưa xong nhà máy: Không đúng quy định

Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống đang đàm phán, chuẩn bị các thủ tục ký kết hợp đồng vay vốn với ngân hàng và một trong các điều kiện ngân hàng giải ngân cho vay vốn là phải có khung giá bán nước sạch được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt. Với lý do này, năm 2017, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, liên Sở Tài chính - Xây dựng đã xây dựng Tờ trình số 4158 về khung giá nước sạch tại dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống để trình UBND thành phố, đại diện liên ngành Tài chính- Xây dựng cho biết. Theo tờ trình này, giá nước sạch sông Đuống được liên ngành tính toán tại thời điểm tháng 5/2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa thuế). Liên ngành còn nêu: “Lộ trình tăng giá nước 7%/năm, nhưng không được vượt quá khung giá nước sinh hoạt được quy định”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, căn cứ nghị định của Chính phủ về nước sạch, giá nước sạch phải được tính đúng, tính đủ các chi phí sản xuất hợp lý, giá thành toàn bộ trong quá trình sản xuất, phân phối… và có quyết toán vốn đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. “Tuy nhiên, đối với Nhà máy nước sạch sông Đuống, dự án còn đang trong giai đoạn thi công, triển khai các khâu đầu tư, chưa cung cấp nước ra thị trường. Do vậy, việc thành phố Hà Nội chỉ đạo liên ngành xây dựng giá là chưa đúng quy định theo các điều kiện yêu cầu của pháp luật”, đại diện Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường nhận định.

PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, cũng cho rằng, giá bán buôn, thậm chí giá bán lẻ đến từng hộ dân chỉ được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt khi hoàn thành xây dựng nhà máy. Hơn nữa, gần 100 NMNS ở Hà Nội, Hưng Yên… cùng lấy nước sông Hồng lên xử lý không có chuyện ngân sách phải bù giá, tại sao chính quyền thành phố Hà Nội lại phải bù giá cho một nhà máy nước sạch tư nhân là nhà máy sông Đuống?

Bác đề xuất bù giá nước sạch sông Đuống?

Ngày 2/12, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Nguyễn Thế Hùng (ảnh), Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trả lời câu hỏi vì sao bác đề xuất bù giá nước sạch sông Đuống. Ông nói: “Nhà máy nước sông Đuống là nhà máy cấp nước sạch có quy mô liên vùng, thực hiện đúng quy hoạch mạng lưới cấp nước sạch đô thị do Thủ tướng phê duyệt. Việc đầu tư là đúng, không phá vỡ quy hoạch. Hiện nay, thành phố thực hiện cấp nước sạch cho người dân, tổ chức, cơ sở sản xuất theo Quyết định 38 ngày 19/9/2013, trong đó nói đến lộ trình tăng giá nước. Tuy nhiên, suốt từ 2013 đến nay, thành phố vẫn giữ giá nước ổn định cho người dân và các cơ sở sản xuất. Vì vậy, sau khi xem xét các vấn đề liên quan đến giá tiêu thụ, giá bán lẻ, UBND thành phố có trao đổi với HĐND thành phố xem xét phối hợp giải quyết vướng mắc liên quan đề xuất xử lý khi có chênh lệch giữa giá nước bán lẻ và giá bán buôn.

Sau đó, HĐND có văn bản nêu rõ, đây là thẩm quyền quyết định thuộc UBND thành phố, đề nghị UBND thành phố rà soát, làm rõ nguồn kinh phí trợ giá nước sạch của năm 2019, báo cáo HĐND thành phố nếu cần thiết. Như vậy, đây là hai bên đang bàn bạc, trao đổi chứ không phải văn bản bác đề nghị. Ngoài ra, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo các cấp ngành xem xét sửa đổi Quyết định 38, trong đó lưu ý đến vấn đề đảm bảo tính đúng tính đủ giá nước sạch, đảm bảo đúng quy định của Nhà nước về giá”.

Văn Kiên - Luân Dũng (ghi)

Đề xuất cấp bù 200 tỷ đồng trong năm 2019

Tháng 12/2018, liên ngành Tài chính- Xây dựng và Cty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội, Cty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội, Cty Nước mặt sông Đuống đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét chấp thuận giá bán của Nhà máy nước mặt sông Đuống cho các đơn vị là 7.700 đồng/m3. Liên ngành cũng đề xuất phương án cấp bù phần thua lỗ của hai đơn vị mua nước của Cty Nước mặt sông Đuống cũng như cho chính công ty này. Tổng số tiền dự kiến cấp bù mua nước sạch sông Đuống trong năm 2019 khoảng 200 tỷ đồng.

Thường trực HĐND TP Hà Nội đã giao Ban Kinh tế - Ngân sách nghiên cứu, thẩm duyệt đề xuất của UBND thành phố và nhận thấy đề xuất trên là thiếu các yếu tố cần thiết so với quy định hiện hành. Vì vậy, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội không chấp thuận dùng ngân sách cho việc bù giá mua nước sạch sông Đuống.

Hiểu Minh

Trọng Đảng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/chung-nguon-nuoc-nhung-dat-gap-doi-1493477.tpo