Chung quanh giải thưởng thơ của báo Văn Nghệ: Cần những ứng xử nhân văn
Thời gian qua, giải thưởng từ cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ tổ chức đã tạo nên những tranh cãi về chất lượng tác phẩm đoạt giải.
Thời gian qua, giải thưởng từ cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ tổ chức đã tạo nên những tranh cãi về chất lượng tác phẩm đoạt giải.
Từ quý II-2019, Ban Biên tập báo Văn nghệ đã quyết định mở Cuộc thi Thơ 2019-2020 trên báo Văn nghệ với mục đích góp phần nâng cao chất lượng thơ, đáp ứng yêu cầu phát triển văn học trong tình hình mới; đồng thời tìm kiếm, phát hiện những tài năng văn học trẻ. Cuộc thi Thơ của báo bắt đầu từ tháng 6-2019 và ban đầu dự kiến sẽ khép lại vào giữa tháng 6-2020, nhưng theo Ban tổ chức, do nhiều lý do khách quan và bất khả kháng, trong đó có đại dịch Covid-19, cuộc thi đã phải lui lại đến cuối năm 2020.
Ban tổ chức cho biết, đã nhận được hơn 7.500 tác phẩm của hơn 1.000 lượt tác giả tham dự (qua hộp thư điện tử và đường bưu điện), đã lựa chọn và giới thiệu được hơn 400 tác phẩm của gần 200 tác giả trên 50 số báo Văn nghệ.
Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao hai giải B, bốn giải C và sáu giải khuyến khích cho các tác phẩm. Theo đánh giá của Ban tổ chức, không tác phẩm nào đoạt giải A.
Tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) đoạt giải B với ba bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, “Làm rể” và “Nhà dưới nhà trên”. Và chính giải B cho bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” là nguyên nhân làm bùng nổ cuộc tranh cãi, thậm chí có những lúc quá đà trên mạng xã hội những ngày qua.
Nhận xét về bài thơ, Ban tổ chức cho biết, bài “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” của tác giả Tòng Văn Hân, có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi, nhưng qua đó lại là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được. Về sâu xa, chửi này là chửi có tính triết lý. Nguồn gốc của bài thơ bắt đầu là sự đói kém, nhưng nhân văn, cao thượng vô cùng. Gốc của nó không phải đánh kẻ trộm, hay hình sự hóa vấn đề, mà là phải xóa tận gốc đói nghèo. Phải trả cho đời sống sự lương thiện… Tứ thơ và tư duy đó dễ gây thiện cảm cho người đọc... Chủ đề nhân văn và hợp với tư duy của người dân tộc, bên cạnh cái tứ cũng mới.
Tuy nhiên, ngay sau khi giải thưởng được công bố, trên mạng xã hội đã xuất hiện những tranh luận gay gắt về bài thơ. Nhiều ý kiến cho rằng, bài thơ thể hiện còn khá ngây ngô, chưa ra vần điệu và ngôn từ không đắt giá. Thậm chí còn xuất hiện những bài thơ nhái “Mẹ tôi chửi kẻ trộm”, đẩy vấn đề đi xa hơn, hoặc quy kết nhà thơ Tòng Văn Hân “đạo thơ”. Nhiều người nhân kết quả Cuộc thi Thơ này còn mạt sát cả tác giả, Ban tổ chức và Ban giám khảo.
Nhận xét về bài thơ, nhiều người trong nghề cho rằng, bài thơ có được sự hồn hậu, chân thật và nhân hậu của người miền núi, lại toát lên tính nhân văn. Sự hồn hậu chất phác này đã từng được thấy trước đây ở một số nhà thơ dân tộc thiểu số và cũng đã lâu chưa thấy lại. Cái chưa được của bài thơ là về ngôn ngữ biểu đạt còn thô sơ và chưa tới. Cách biểu đạt còn yếu, hơi nôm na. Đã từng có nhiều tác phẩm thơ của các tác giả người dân tộc thiểu số nhưng ngôn ngữ có tầng sâu về ngữ nghĩa của đồng bào dân tộc, được chắt lọc. Nhưng ở đây bài thơ này tứ rất lộ, lại được thể hiện bằng ngôn ngữ chưa được tinh lọc. Ý kiến chung của nhiều người trong nghề đều cho rằng cho bài thơ này đạt giải cao sẽ dễ gặp phải phản ứng của dư luận. Nếu chỉ là giải khuyến khích hay mức tương tự sẽ phù hợp hơn. Về mặt vần điệu, cũng không thể nói bài thơ này “như văn xuôi”, bởi vì mỗi thể loại có một giá trị riêng, chưa kể trong thực tế có cả thể loại thơ văn xuôi.
Quyết định về giải thưởng là của Ban giám khảo. Ở mỗi cuộc thi, Ban giám khảo đều có những tiêu chí riêng nhất định để căn cứ vào đó chấm giải. Ở một cuộc thi mang tính nghệ thuật như thi Thơ, những tiêu chí có thể không thể đem cân đong đo đếm rõ ràng như những cuộc thi khác, nhưng Ban giám khảo hoàn toàn có quan điểm riêng của mình đối với tác phẩm đoạt giải. Điều quan trọng là nếu như giải thưởng đó chưa phù hợp với số đông, thì cần có sự lắng nghe, cầu thị bên cạnh cách giải thích hợp lý.
Về phía người đọc, việc có những ý kiến trái chiều và phản ứng lại kết quả chưa hợp lý của mỗi cuộc thi là hết sức bình thường. Tuy nhiên, ở góc độ nhận xét về cuộc thi liên quan đến văn chương, nên lựa chọn cách hành xử nhân văn và văn minh để thể hiện quan điểm của mình.
Và cuối cùng, như một nhà thơ đã nói, giá trị lớn nhất của tác phẩm được đo bằng thời gian. Hãy để thời gian trả lời cho những giải thưởng như vậy.