Chứng quyền cần được IPO thẳng trên sàn
Ông Trần Trọng Tài, Giám đốc Ban Đầu tư, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, để thị trường chứng quyền có bảo đảm thu hút nhà đầu tư hơn, chính sách thuế cần thay đổi và chứng quyền nên được phép IPO thẳng trên sàn.
Cung cấp bản tin chứng quyền đều đặn hàng ngày nhằm kết nối nhà đầu tư với sân chơi chứng quyền, MBS đánh giá như thế nào về mức độ quan tâm của nhà đầu tư với công cụ chứng quyền hiện nay?
Thị trường chứng quyền sau hơn 1 năm vận hành đã thu hút được một lượng nhà đầu tư nhất định.
Số liệu thống kê cho thấy, tổng khối lượng giao dịch của nhà đầu tư năm 2019 là 378 triệu chứng quyền. Tính đến 7/8/2020, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường chứng quyền là 975 triệu đơn vị, gấp 2,5 lần năm 2019.
Các con số trên phần nào cho thấy sức hút của thị trường chứng quyền, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán nói chung có nhiều biến động như năm 2020.
Chứng quyền là sản phẩm đầu tư tương đối phức tạp, có tính đòn bẩy cao, vì vậy, nhà đầu tư chứng quyền cần có thông tin, kiến thức và sự am hiểu nhất định về sản phẩm.
Ðể hỗ trợ nhà đầu tư, bản tin chứng quyền của chúng tôi cung cấp toàn cảnh về thị trường chứng quyền, các mã chứng quyền nổi bật, thông số chi tiết của từng mã để có thể đưa ra quyết định lựa chọn đầu tư chính xác.
Nhiều đợt chào bán chứng quyền ra công chúng (IPO) gần đây không có nhà đầu tư mua. Phải chăng, chứng quyền khó kiếm lãi hơn các kênh đầu tư khác?
IPO là hình thức phân phối đầu tiên của chứng quyền. MBS là công ty đứng đầu về tỷ lệ bán IPO. 10 mã chứng quyền IPO đầu tiên của chúng tôi đạt tỷ lệ bán lên đến 98,09%. Tuy nhiên, hình thức này đang thể hiện nhiều điểm bất cập.
Thứ nhất, tổ chức phát hành chỉ có thể dễ dàng tiếp cận với tệp khách hàng đã có tài khoản của công ty đó. Với khách hàng chưa có tài khoản, thủ tục sẽ lâu hơn và nếu phát sinh thông tin sai có thể làm chậm cả đợt niêm yết chứng quyền.
Thứ hai, nhà đầu tư phải đợi một khoảng thời gian khá lâu sau khi IPO, chứng quyền mới được niêm yết, dẫn đến nhà đầu tư sở hữu chứng quyền IPO có thể gặp rủi ro thanh khoản nếu giá chứng khoán cơ sở trong thời gian đó giảm sâu.
Tại thị trường Derivative Warrant của Thái Lan (sản phẩm tương tự chứng quyền), họ sử dụng Direct Listing, tức là IPO thẳng trên sàn. Nhà đầu tư đặt lệnh mua trực tiếp trên sàn vào ngày IPO và khi chứng quyền về tài khoản thì họ có thể giao dịch được ngay.
Chúng tôi hy vọng ở Việt Nam cũng sẽ sớm có hình thức phân phối này và từ bỏ hình thức IPO cũ.
Liên quan đến chính sách thuế, có tổ chức phát hành đã khuyến nghị nhà đầu tư chứng quyền rằng, trong một số trường hợp, số tiền thuế phải nộp có thể cao hơn số tiền thanh toán mà nhà đầu tư nhận được từ tổ chức phát hành. Tình trạng này có thường xảy ra không và chính sách thuế nên thay đổi như thế nào?
Theo Công văn 1468/BTC-CST của Bộ Tài chính về chính sách thuế đối với chứng quyền có bảo đảm, sẽ có 2 trường hợp tính thuế là nhà đầu tư chuyển nhượng chứng quyền trước ngày đáo hạn và nhà đầu tư thực hiện quyền tại ngày đáo hạn.
Thực tế, mặc dù rất ít khi xảy ra nhưng vẫn có trường hợp số tiền thuế phải nộp có thể cao hơn số tiền thanh toán mà nhà đầu tư nhận được từ tổ chức phát hành.
Tôi lấy ví dụ, khách hàng có 10.000 chứng quyền CABC20XX của cổ phiếu ABC, tỷ lệ chuyển đổi 10:1 với giá thực hiện 150.000 đồng. Nếu khách hàng nắm giữ đến ngày đáo hạn và thực hiện quyền, giá thanh toán tại ngày đáo hạn là 150.100 đồng. Số tiền khách hàng được hưởng = (150.100 - 150.000) x 10.000/10 = 100.000 đồng. Thuế tính trên giá trị chuyển nhượng chứng khoán tại thời điểm thực hiện quyền = 0,1% x 150.100 x 10.000/10 = 150.100 đồng. Như vậy, nhà đầu tư sẽ bị lỗ vì số tiền được hưởng nhỏ hơn so với thuế phải nộp 50.100 đồng.
Ðể tránh trường hợp này xảy ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc bán chứng quyền trước ngày đáo hạn.
Ví dụ, với thông số như trên, giá chứng quyền trước ngày đáo hạn sẽ vào khoảng 300 đồng/chứng quyền. Giả sử nhà đầu tư bán 10.000 chứng quyền tại mức giá 300 đồng/chứng quyền, số thuế phải nộp sẽ là: 300 x 10.000 x 0,1% = 3.000 đồng.
Tiền thuế phải nộp thấp hơn rất nhiều so với việc nhà đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và cũng không gặp phải trường hợp tiền thuế cao hơn tiền thu về.
Theo chúng tôi, để trường hợp này không xảy ra, chính sách thuế có thể thay đổi theo hướng chỉ giới hạn số thuế tối đa nhà đầu tư phải nộp là số tiền nhà đầu tư nhận được từ tổ chức phát hành. Ngoài ra, nhà đầu tư nên chủ động bán chứng quyền trước ngày đáo hạn để giảm chi phí thuế phải nộp.
Hiện Việt Nam mới có chứng quyền mua. Theo ông, có cần thiết phải sớm ra đời sản phẩm chứng quyền bán để thị trường hoàn thiện hơn không? Trong lần xây dựng các văn bản pháp lý hướng dẫn Luật Chứng khoán mới, có hiệu lực từ năm 2021, MBS có khuyến nghị gì liên quan đến chứng quyền, cũng như các mảng thị trường khác?
Thị trường chứng khoán cần có đầy đủ công cụ để cho nhà đầu tư có thể tối ưu hóa hiệu quả và quản lý rủi ro. Việc ra đời chứng quyền bán chắc chắn sẽ làm hoàn thiện hơn bộ sản phẩm chứng khoán và thu hút nhà đầu tư hơn nữa đến với sản phẩm chứng quyền.
Tuy nhiên, để có thể có sản phẩm chứng quyền bán, thị trường chứng khoán Việt Nam trước tiên phải cho phép bán khống chứng khoán cơ sở. Chỉ khi có điều kiện này, tổ chức phát hành mới có công cụ để phòng vệ (hedging) chứng quyền bán mà mình phát hành ra.
Ông có thể chia sẻ dự cảm của mình về thị trường chứng khoán Việt Nam từ nay đến cuối năm? Nhà đầu tư nên chọn lựa đầu tư như thế nào để giữ được an toàn tài sản cao nhất trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định như hiện nay?
Rất khó để dự đoán trong tình cảnh hiện nay, vì năm nay là một năm có nhiều biến số lớn: 1) Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia; 2) bầu cử tại Mỹ; 3) Căng thẳng thương mại và chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc; (4) Thiên tai do biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường bán tháo do tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn như hồi tháng 3/2020 sẽ khó tái diễn.
Hiện nay, thị trường chứng khoán thế giới cũng đang diễn biến tích cực theo thông tin về vắc-xin cho Covid-19 và các gói kích thích tiền tệ, tài khóa mạnh tay của các chính phủ và ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên, sự kiện bầu cử ở Mỹ sẽ là thời điểm rất quan trọng, có thể tạo nên những biến động lớn trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Riêng với Việt Nam, mặc dù đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều ngành nghề, nhưng khả năng kinh tế sẽ tăng trưởng cao nhất khu vực trong năm nay.
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực, kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ kinh tế Việt Nam vượt qua dịch bệnh Covid-19.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần trở về vùng định giá phù hợp với bối cảnh kinh tế trong giai đoạn bình thường mới, mức cân bằng xoay quanh ngưỡng P/E 12,5 lần, cận trên là mức 15,1 lần và cận dưới là 10 lần.
Với môi trường lãi suất thấp như hiện nay, đầu tư vào cổ phiếu vẫn là lựa chọn được ưu tiên, đặc biệt là các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang có định giá hấp dẫn sau thời gian bị giảm mạnh vì ảnh hưởng từ Covid-19.
Trong trường hợp các nhà đầu tư lựa chọn các công cụ đầu tư ngắn hạn, có thể cân nhắc lựa chọn chứng quyền, thay thế cho một phần trong danh mục chứng khoán cơ sở, bởi các đặc tính ưu việt của chứng quyền như: tính đòn bẩy cao, chi phí bỏ ra thấp và giới hạn lỗ tối đa bằng đúng quyền phí.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-quyen-can-duoc-ipo-thang-tren-san-post247912.html