Chung sức, chung lòng xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị

Sơn La là tỉnh vùng cao Tây Bắc, có đường biên giới dài hơn 270km, tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng của nước bạn Lào. Trong những năm qua, nhân dân các bộ tộc Lào và đồng bào các dân tộc trên biên giới tỉnh Sơn La đã cùng nhau san sẻ khó khăn, bồi đắp mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện mô hình 'Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới' do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, nhân dân hai bên biên giới đã tự giác chấp hành quy chế tự quản, quy chế kết nghĩa, giữ gìn và phát huy mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai nước, đem lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới.

Cán bộ Đồn BPCK Chiềng Khương thường xuyên trao đổi tình hình nhân dân hai bên biên giới với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của Lào. Ảnh: Hoàng Anh

Cán bộ Đồn BPCK Chiềng Khương thường xuyên trao đổi tình hình nhân dân hai bên biên giới với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của Lào. Ảnh: Hoàng Anh

Chia ngọt, sẻ bùi

Năm nào cũng vậy, mỗi khi hoa cúc quỳ khoe những cánh hoa vàng ươm và hoa tướng quân nở đỏ rực báo hiệu mùa xuân đang đến gần, là lúc ông Tráng Lao Lử, 85 tuổi, trú tại bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La lại đến thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào. Nơi đây đã ghi đậm dấu ấn quá trình hoạt động cách mạng của cố Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn, xây dựng căn cứ cách mạng của Ban xung phong Lào - Bắc, thành lập quân Ít-xa-la, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào ngày nay.

Ông Tráng Lao Lử chính là cháu nội của cụ Tráng Lao Khô. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng với ông, những kỷ niệm về một thời gian khó ấy không thể phai mờ. Cũng tại đây, gia đình cụ Tráng Lao Khô 1 và bà con dân bản đã cưu mang, che chở, giúp đỡ cố Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hẳn trong thời gian hoạt động bí mật.

Trên đường dẫn chúng tôi tham quan các hiện vật và hình ảnh trong khu di tích, ông Tráng Lao Lử vui mừng cho biết: “Các dân tộc ở đây luôn đoàn kết, chung một lòng đi theo Đảng, theo Chính phủ. Ngày trước, bà con bản Lao Khô 1 đã nhường từng củ khoai, chia từng hạt muối để nuôi giấu cán bộ lãnh đạo cách mạng Lào, hôm nay, bà con hai bên biên giới vẫn luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau. Đặc biệt, kể từ năm 2013, bản Lao Khô còn tham gia kết nghĩa với bản Nà Khặng, xã Nà Khặng, huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Sau khi kết nghĩa, hai bản luôn trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau phát triển kinh tế. Bà con bản Lao Khô 1 cũng đã hỗ trợ, giúp đỡ cho bạn Lào một số cây công nghiệp và trồng cây ăn quả, chăn nuôi”.

Bà con các bản giáp biên Việt - Lào trên địa bàn huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La vẫn thường gọi tuyến mương chảy qua cửa khẩu Chiềng Khương về các cánh đồng xanh tốt của huyện Mường Ét là “Mương hữu nghị Việt - Lào”. Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Chiềng Khương đã khảo sát và huy động hàng ngàn ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ, cùng nhân dân tổ chức đắp bờ, khơi thông “Mương hữu nghị Việt - Lào”. Tuyến mương dài hơn 2,5km dẫn nước từ con suối Chiềng Khương về cung cấp nước tưới cho hơn 53ha ruộng của cụm 8 bản thuộc huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, Lào và 15ha ruộng lúa nước của bà con xã Chiềng Khương nằm ở sát biên. Kể từ khi có dòng nước của tuyến “Mương hữu nghị Việt - Lào”, bà con nhân dân các bản của huyện Mường Ét đã canh tác được 2 vụ lúa/năm. Từ đó đến nay, đời sống của bà con đã từng ngày “thay da, đổi thịt”, không còn cảnh thiếu ăn, đứt bữa, mà còn có thóc lúa để bán. Hàng năm, cứ đến vụ mùa, quân và dân hai bên lại cùng nhau tu sửa, phát quang và khơi thông dòng “Mương hữu nghị Việt - Lào” này.

Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm mương hữu nghị, ông Quảng Văn Giới, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã cho biết: “Từ trước đến nay, tình đoàn kết giữa bản Chiềng Khương và bản Lán, huyện Mường Ét, Lào hoạt động rất khăng khít. Khi nào mương nước không chảy được thì chúng tôi họp, cùng nhau bàn bạc để vận động bà con cả bản Chiềng Khương và bản Lán bên Lào sang để nạo vét mương. Công trình “Mương hữu nghị Việt - Lào” không chỉ giúp cho nhân dân hai bên lấy nước tưới tiêu ruộng, vườn, mà còn bồi đắp tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới, tô thắm mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào”.

Ươm mầm xanh hữu nghị

Đã hơn 4 năm qua, bà con ở bản Khon Xỉ, huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào đã quá quen thuộc với hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh của Đồn BPCK quốc tế Lóng Sập không quản ngại đường sá xa xôi, băng rừng, vượt núi đến chia sẻ những khó khăn đối với gia đình em Tun Pheng Khăm Xỉ. Hoàn cảnh của Tun Pheng Khăm Xỉ vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi bố của em là cán bộ Công an huyện Sốp Bâu bị thương nặng trong khi truy bắt tội phạm. Mọi gánh nặng đều đổ dồn lên đôi vai của người mẹ. Tuy đang là một học sinh giỏi của Trường Trung học cơ sở nội trú huyện Sốp Bâu, nhưng vì thương bố mẹ, Tun Pheng đã nhiều lần có ý định bỏ học để đỡ đần việc nhà cho mẹ và dồn tiền lo chữa bệnh cho bố. Thông qua các buổi giao ban, nắm tình hình trên biên giới, các cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK quốc tế Lóng Sập biết được hoàn cảnh của gia đình Tun Pheng và đã trao đổi với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng của Lào để nhận đỡ đầu Tun Pheng nhằm động viên, khích lệ em vượt qua trở ngại, yên tâm tiếp tục tới trường

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Chiềng Khương phối hợp với bà con nhân dân bản Chiềng Khương (Việt Nam) và bản Lán (Lào) khơi thông “Mương hữu nghị Việt-Lào”. Ảnh: Hoàng Anh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Chiềng Khương phối hợp với bà con nhân dân bản Chiềng Khương (Việt Nam) và bản Lán (Lào) khơi thông “Mương hữu nghị Việt-Lào”. Ảnh: Hoàng Anh

Các cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK quốc tế Lóng Sập đã tự nguyện đóng góp kinh phí để hỗ trợ cho Tun Pheng 500.000 đồng/tháng cho đến khi em học hết lớp 12. Số tiền này đã một phần nào giúp cho em vượt qua những khó khăn đời thường để tiếp tục cắp sách đến trường. Cùng với việc hỗ trợ kinh phí, các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng thường xuyên đến thăm hỏi, tặng sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho Tun Pheng những khi chuẩn bị bước vào năm học mới hoặc khi Tết đến, Xuân về. Chị Nang Phon, mẹ của Tun Pheng Khăm Xỉ xúc động cho biết: “Gia đình tôi rất biết ơn các cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK quốc tế Lóng Sập đã nhận đỡ đầu Tun Pheng để cháu được nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão trở thành cán bộ Công an giống như bố của mình. Không phụ lòng cha mẹ và tình cảm của các cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh Đồn BPCK quốc tế Lóng Sập, cháu Tun Pheng luôn học hành chăm chỉ và đạt nhiều thành tích cao trong học tập, nhiều năm liền đạt danh hiệu “Con ngoan, trò giỏi” của nhà trường”.

Trước khi chia tay với quân và dân biên giới tỉnh Sơn La, chúng tôi được Thượng tá Nguyễn Văn Huân, Chỉ huy trưởng BĐBP Sơn La cho biết: “Kể từ năm 2016, thực hiện chủ trương lớn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã đồng loạt triển khai thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn Biên phòng” một cách thiết thực và hiệu quả. Cùng với việc nhận đỡ đầu các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các xã biên giới của Việt Nam, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sơn La nhận đỡ đầu nhiều em học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, là con em các bộ tộc Lào ở những bản làng biên giới xa xôi. Mô hình nhân văn của những người lính Cụ Hồ đã góp phần ươm những mầm xanh hữu nghị ngày càng đơm hoa, kết trái”.

Như dòng sông Mã chở nặng phù sa để bồi đắp cho những cánh đồng lúa xanh tốt, những vườn cây trĩu quả của nhân dân hai bên biên giới tỉnh Sơn La, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào ngày càng đơm hoa, kết trái từ những việc làm nghĩa tình và thiết thực của cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh nơi cuối trời Tây Bắc của Tổ quốc.

Trần Hoàng Anh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chung-suc-chung-long-xay-dung-bien-gioi-hoa-binh-huu-nghi-post457987.html