Chung sức để bình ổn thị trường dịp cuối năm

Năm 2002, TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện Chương trình bình ổn thị trường với mục tiêu ổn định giá cả các loại hàng hóa, hạn chế tình trạng khan hiếm hàng hóa, biến động giá trong những ngày cận tết Nguyên đán. Đến nay, Chương trình bình ổn thị trường đã tạo được hiệu ứng lan tỏa rộng khắp các địa phương trong cả nước, trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu và mang lại lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhất là trong các đợt cao điểm mua sắm cuối năm.

Theo khảo sát của ngành chức năng, vào thời điểm cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng có thể tăng 10% - 30%. Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, chương trình bình ổn giá năm nay được doanh nghiệp, người dân mong đợi với mục đích kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lựa chọn các mặt hàng đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm với giá cả hợp lý.

Để đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân, công tác bình ổn thị trường hàng hóa cuối năm luôn được tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành chức năng liên quan triển khai từ sớm. Căn cứ Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 của Bộ Công thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024, Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân tốt nhất với giá cả bình ổn.

Cũng như các năm trước đây, hai đơn vị thường xuyên được UBND tỉnh giao nhiệm vụ bình ổn thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán là Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị và Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà. Theo đó, nhóm mặt hàng cần tập trung bình ổn giá dịp này bao gồm: lương thực (gạo, nếp), thực phẩm (thịt lợn, thịt bò), dầu thực vật, nước mắm, nước tương, muối, đường, các loại hạt, mứt, rau củ quả tươi, nhiên liệu.

Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị được giao đảm bảo hàng hóa dự trữ và tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá tại địa bàn các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và TP. Đông Hà. Địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị và TP. Đông Hà được phân công cho Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà.

Từ thực tế triển khai công tác bình ổn thị trường trong những năm qua cho thấy, các doanh nghiệp đã chấp hành tốt việc cam kết đảm bảo nguồn hàng thiết yếu phục vụ với mức giá ổn định hoặc thấp hơn giá thị trường trong suốt dịp Tết. Hàng hóa kinh doanh đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hồ sơ chất lượng, nhãn hàng hóa tuân theo quy định của Nhà nước. Hàng hóa dự trữ được các đơn vị dự trữ lại kho hàng của đơn vị, tổng kho Sài Gòn Co.op, các nhà cung cấp để đảm bảo số lượng hàng đã cam kết.

Các mặt hàng tham gia bình ổn thị trường được bán tại Siêu thị Co.opmart Đông Hà và Siêu thị Sepon đều có bảng giới thiệu là hàng bình ổn giá và được kiểm soát giá nhằm tránh biến động tăng trong suốt thời gian triển khai chương trình. Cùng với việc bình ổn thị trường tại các siêu thị, các đơn vị tham gia chương trình đã thực hiện chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn và chính sách bình ổn giá với các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, may mặc... phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp tết Nguyên đán.

Bên cạnh những hiệu ứng tích cực từ Chương trình bình ổn thị trường, vẫn cần nhìn nhận thực tế là số lượng doanh nghiệp tham gia chương trình còn hạn chế, hầu như năm nào cũng “cố định” phân công 2 đơn vị này đảm nhận. Điều này dẫn đến các điểm bán hàng cố định và bán hàng lưu động bình ổn giá còn ít so với các địa bàn mà hai đơn vị đảm nhận, hàng bình ổn giá chưa đến được với đông đảo người dân, nhất là đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đơn cử như thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn - Đông Hà tổ chức 2 đợt đưa hàng Việt về nông thôn tại thôn Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng và Phường 3, thị xã Quảng Trị. Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị bán hàng cố định tại các cửa hàng và siêu thị ở TP. Đông Hà, chi nhánh công ty tại thị trấn Lao Bảo, khu vực xã A Túc và xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Như vậy, vẫn còn phần lớn người dân ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được với chương trình.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, cần tiếp tục phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá tới địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các đơn vị tham gia chương trình đầu tư phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhằm xúc tiến tiêu thụ hàng hóa bình ổn thị trường.

Lên kế hoạch tổ chức sớm các chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng bình ổn phục vụ người dân tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi gắn với tuyên truyền, hưởng ứng thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo đề xuất của các huyện, thị xã, thành phố nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết.

Ngoài việc chỉ định các đơn vị được hỗ trợ vốn vay để thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, cần có thêm cơ chế thu hút các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, bán buôn, bán lẻ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết đáp ứng các điều kiện, yêu cầu tham gia chương trình. Cùng với đó, nên chăng ngành chức năng cần tích cực vào cuộc làm cầu nối giữa các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn với địa phương để thiết lập chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững, tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường với giá hợp lý.

Tăng cường bám sát tình hình, diễn biến cung cầu hàng hóa thiết yếu trong nước, chủ động phương án điều tiết phù hợp, triển khai chính sách bình ổn giá để giữ ổn định thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/chung-suc-de-binh-on-thi-truong-dip-cuoi-nam/182246.htm