Chung sức giữ rừng

'Là thành viên tổ cộng đồng nhận khoán, chúng tôi chia thành nhiều ca, túc trực tại các chốt và cùng lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng. Trung bình mỗi đợt tuần tra 10-15 ngày. Ăn, ngủ dưới tán rừng. Rừng trở thành ngôi nhà thứ hai rồi, mấy ngày phép ở nhà, nhớ rừng lắm!' - anh Điểu Gắt, Tổ trưởng Tổ cộng đồng nhận khoán thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập chia sẻ.

Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng đánh giá, Việt Nam là một trong các quốc gia bị tổn hại lớn về hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang có nhiều giải pháp để phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, ứng phó với biến đổi khí hậu, kịp thời có những hành động cụ thể, thiết thực vì thiên nhiên. Và sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang góp phần không nhỏ vào bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam.

Từ 50 ngàn đồng...

Thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập nằm trong vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Tham gia các tổ cộng đồng nhận khoán, riêng thôn 3 đã thành lập được 3 đội với hơn 200 thành viên, nhận khoán bảo vệ gần 5.000 ha rừng. Sau khi nhận diện tích rừng được giao khoán, các thành viên chia thành nhiều kíp, cùng với lực lượng kiểm lâm trực 24/24 giờ tại chốt, đồng thời đi tuần tra, bảo vệ rừng.

Các thành viên Tổ cộng đồng nhận khoán thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cùng lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng

Các thành viên Tổ cộng đồng nhận khoán thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cùng lực lượng kiểm lâm tham gia tuần tra bảo vệ rừng

Ông Điểu Ma Giang, Tổ trưởng Tổ cộng đồng nhận khoán đội 1, thôn 3 nhớ lại những ngày mới nhận khoán và đi vận động người dân tham gia: Năm 2005, lúc đó tôi là trưởng thôn, bí thư chi bộ. Để bảo vệ rừng, tôi vận động bà con đừng đi vào rừng khai thác, săn bắt nữa, vì bây giờ Nhà nước cấm rồi. Bà con nên thu xếp công việc, tham gia các tổ nhận khoán để chung tay bảo vệ rừng. Khi đó, bà con không nghe, còn lấy các hủ tục của người đồng bào dọa tôi vì tội… cấm đồng bào đi vào rừng! Kiên trì tuyên truyền, vận động, dần dần bà con hiểu và tham gia các tổ nhận khoán. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động vì đồng bào mình đã thực sự thay đổi.

Ông Điểu Ma Giang chia sẻ thêm, thời điểm đó, mức thu nhập từ nhận khoán rất thấp, chỉ 50 ngàn đồng/ha/năm. Vì thế, người dân không tích cực tham gia. Thế nhưng “mưa dầm thấm lâu”, ông Điểu Ma Giang đi vận động từng người, từng nhà, nói cho họ hiểu: Rừng là oxy, là hơi thở cuộc sống, nếu mất rừng sẽ gây xói mòn, sạt lở đất. Đặc biệt, mình ở gần rừng càng phải ra sức bảo vệ. Tôi nói thật tâm với bà con, cứ vậy hết người này đến người khác đăng ký tham gia bảo vệ rừng. Riêng cộng đồng nhận khoán đội 1, thôn 3 hiện có 93 hộ, nhận khoán hơn 2.700 ha rừng.

… đến rừng là nhà

Tổ cộng đồng nhận khoán thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập hiện có 86 thành viên là đồng bào DTTS, nhận bảo vệ hơn 2.000 ha rừng. Để chuẩn bị cho đợt tuần tra 2 ngày cùng lực lượng kiểm lâm, các thành viên trong tổ đã thức dậy chuẩn bị từ 5 giờ sáng. Ngoài vật dụng sinh hoạt cần thiết, các anh còn được Ban Quản lý vườn trang bị thêm các phương tiện bảo vệ. Mùa mưa nên đường tuần tra rất khó đi, phải vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, lại rất nhiều muỗi, vắt, rắn, rết... Công việc của người giữ rừng chưa bao giờ là dễ dàng, bởi cuộc sống nơi rừng sâu luôn vất vả, thiếu thốn, hiểm nguy. Song với tình yêu thiên nhiên, quyết tâm bảo vệ rừng, các anh đã xem rừng là mái nhà thứ hai để cùng góp sức giữ gìn.

Tuần tra, bảo vệ rừng chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Tìm niềm vui trong khó khăn, mỗi thành viên tổ cộng đồng nhận khoán luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ

Tuần tra, bảo vệ rừng chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Tìm niềm vui trong khó khăn, mỗi thành viên tổ cộng đồng nhận khoán luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ

Người dân trong vùng đệm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập đa số là đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, do hạn chế về trình độ, thiếu đất sản xuất, nhiều thanh niên coi săn bắt động vật hoang dã trái phép, khai thác rừng là công việc đem lại thu nhập chính. Thực hiện nhận khoán bảo vệ rừng đã giúp người dân trong vùng nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng thời giúp các cộng đồng dân cư có thêm nguồn thu ổn định. Vì vậy, hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác lâm sản trái phép, cháy rừng, săn bắt thú… đã giảm đáng kể.

Trước mỗi chuyến đi, các thành viên tổ cộng đồng nhận khoán được lực lượng kiểm lâm hướng dẫn đường đi để đợt tuần tra đạt nhiều kết quả

Trước mỗi chuyến đi, các thành viên tổ cộng đồng nhận khoán được lực lượng kiểm lâm hướng dẫn đường đi để đợt tuần tra đạt nhiều kết quả

“Chúng tôi nhận khoán chăm sóc và bảo vệ Tiểu khu 20A, 20B, 15 và 16. Trong đó có những khoảnh rừng đường đi tuần rất khó, đi một lần 2-3 ngày đêm mới về. Nhưng gắn bó lâu năm với công việc, đường sá thông thạo nên công việc “dễ mà khó, khó mà dễ”. Từ lúc tham gia tổ nhận khoán bảo vệ rừng, nhận thức đồng bào đã thay đổi, không còn vào rừng săn bắn trái phép như trước” - anh Điểu Gắt, Tổ trưởng Tổ cộng đồng nhận khoán thôn Bù Lư cho biết.

Để rừng mãi xanh

Năm 2024, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã ký hợp đồng giao khoán quản lý, bảo vệ rừng với 11 cộng đồng, 5 đồn biên phòng với tổng diện tích hơn 23.000 ha. Từ khi thực hiện giao khoán bảo vệ rừng đã hạn chế được nạn khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép; công tác phòng, chống cháy rừng được chú trọng, duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, từ đó tạo động lực, khuyến khích các hộ tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Vườn quốc gia Bù Gia Mập là địa chỉ thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Góp phần lan tỏa hình ảnh đó có một phần đóng góp của các thành viên tổ cộng đồng nhận khoán

Vườn quốc gia Bù Gia Mập là địa chỉ thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Góp phần lan tỏa hình ảnh đó có một phần đóng góp của các thành viên tổ cộng đồng nhận khoán

Các thành viên tổ cộng đồng nhận khoán ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với lực lượng kiểm lâm; kết hợp rất hiệu quả trong tuần tra, bảo vệ rừng. Thành viên của tổ đa phần là người DTTS, sinh sống trong các vùng đệm của rừng. Họ đóng vai trò rất tích cực trong tuyên truyền, vận động người dân địa phương chấp hành các quy định bảo vệ, chăm sóc rừng.

Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập
VƯƠNG ĐỨC HÒA

Vườn quốc gia Bù Gia Mập không chỉ được xem là lá phổi xanh của Đông Nam Bộ, đó còn là nơi bảo tồn các nguồn gen quý hiếm hệ động - thực vật, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái. Những năm qua, Vườn quốc gia Bù Gia Mập được quản lý, bảo vệ tốt, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào DTTS tại địa phương. Chính tình yêu rừng đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, ngày đêm canh giữ, bảo vệ rừng. Họ cũng chính là những đại sứ du lịch, tham gia nấu canh thụt, nướng cơm lam… phục vụ các đoàn khách đến tham quan Vườn quốc gia Bù Gia Mập.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/162629/chung-suc-giu-rung