Nhớ những mùa vàng
Những mùa lúa vàng trĩu bông thơm mùi rơm rạ là hình ảnh đã ăn sâu vào ký ức bao thế hệ người Việt, đặc biệt là những người lớn lên ở thôn quê.
Cây lúa không chỉ là một hình ảnh đẹp mà còn là biểu tượng trong cuộc sống người Việt từ bao đời. Những vùng đất bằng phẳng, trù phú, có đủ nước, thích hợp cho việc trồng lúa thường tập trung nhiều dân cư.
Để có được ruộng lúa chín vàng là biết bao mồ hôi, công sức của người nông dân kể từ khi ngâm giống, gieo mạ, cấy lúa, làm cỏ, bón phân. Màu vàng của cánh đồng lúa chín như là sự ngưng đọng từng giọt mồ hôi của bà con nông dân. Bao công lao chăm sóc, bao nỗi lo âu, bao kỳ vọng được người dân đặt cả vào ruộng lúa.
Và, mùa thu hoạch lúa luôn là lúc mọi người mong chờ nhất. Bởi khi ấy, nhà nhà có những bữa ăn no, có lúa bán lấy tiền mua cho con bộ quần áo tươm tất, quyển vở, cây bút để con đến trường.
Vào mùa lúa chín, cả cánh đồng nhuộm một màu vàng no ấm. Những bông lúa cúi đầu trĩu nặng hạt san sát bên nhau xen giữa những chiếc lá hình chiếc bút vẫn còn màu xanh hơi ngả vàng. Trong sương sớm mơ màng hay giữa ngày rực nắng, cánh đồng mang một vẻ yên bình, là một sự kết hợp hoàn hảo giữa màu vàng của hạt lúa chín, màu xanh ngả vàng của lá lúa, màu xanh của những bờ cỏ bên những bờ kênh, con mương dẫn nước đi khắp cánh đồng.
Bức tranh ấy càng sống động hơn khi giữa khung cảnh thiên nhiên là hình ảnh người nông dân với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi nhưng trên môi luôn nở nụ cười hạnh phúc khi nói với nhau về thửa ruộng của gia đình mình sẽ bội thu, về kế hoạch cho vụ mùa sắp tới, về con cái, về một tương lai đầy hứa hẹn.
Ngày mùa, thôn xóm luôn rộn ràng những thanh âm. Cùng với tiếng gà gáy sáng là tiếng trâu bò được đánh thức dậy nhai cỏ, rơm để chuẩn bị cho một ngày làm việc. Những bếp lửa được nhóm lên ở mỗi nếp nhà, tiếng củi lách tách, làn khói bếp nối nhau tỏa ra xung quanh làm không gian làng quê như ấm áp hơn.
Ở mỗi ngôi nhà, các bác nông dân cũng đã chuẩn bị dụng cụ để ra đồng. Dụng cụ thu hoạch lúa thì được chất lên chiếc xe bò; cơm trưa, nước uống cũng được sắp xếp gọn gàng trong túi.
Trên các con đường làng dẫn ra cánh đồng, từng đoàn xe nối đuôi nhau, tiếng chân bò lộc cộc, chân người hối hả cùng tiếng cười nói râm ran suốt con đường tạo nên một không khí lao động thật phấn khởi, vui tươi. Lũ trẻ sau giờ học cũng theo cha mẹ ra đồng phụ giúp những việc lặt vặt hay đưa bò đi chăn thả ở những bờ thửa vừa thu hoạch xong.
Bây giờ thì máy móc đã thay thế sức lao động của con người. Về quê vào mùa lúa chín, chúng ta không còn nghe tiếng xe bò lộc cộc đi trên con đường đầy đất đá.
Những chiếc máy gặt đập liên hợp chạy xuống tận ruộng lúa vừa cắt vừa đập để có sản phẩm cuối cùng là những bao lúa được xe công nông chở về để phơi khô.
Máy móc và những tiến bộ khoa học đã giúp việc đồng áng nhẹ nhàng hơn, năng suất lúa cao hơn, cuộc sống của người dân được cải thiện.
Trên cánh đồng, không chỉ cây lúa mà những loại rau quả có giá trị kinh tế cao cũng góp mặt. Bộ mặt nông thôn đã thay đổi với những con đường rộng mở được thảm nhựa, nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên.
Đi giữa đồng lúa chín vàng, nghe trong gió hương thơm dịu dàng, một cảm giác nhẹ nhàng, yên bình lan tỏa.
Từ những cánh đồng này, từ giọt mồ hôi của bao người nông dân mà những hạt gạo dẻo thơm như hạt ngọc đã đi khắp nơi trên đất nước, ra cả nước ngoài như một mặt hàng xuất khẩu hàng đầu, góp phần vào sự lớn mạnh của nền kinh tế đất nước.
Mong sao mưa thuận gió hòa, thiên tai đừng xảy ra để người nông dân luôn có những vụ mùa bội thu, để cuộc sống người dân luôn được an vui, hạnh phúc.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nho-nhung-mua-vang-post293505.html