Chung sức giúp người dân vùng lũ ổn định cuộc sống
Hai tháng đã trôi qua nhưng dấu tích của đợt mưa lũ lịch sử do bão số 3 (bão Yagi) vẫn nguyên vẹn trên những cung đường lên biên giới Lào Cai. Suốt dọc đường đi, hình ảnh chúng tôi bắt gặp nhiều nhất là những khu vực bị sạt lở trơ trụi đất đá. Thậm chí cả cánh đồng rộng lớn dọc ven suối thuộc xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai trở nên hoang tàn, trơ trọi toàn đá sau trận lũ do hoàn lưu bão Yagi. Người dân giờ đây đều tự hỏi nhau, bao giờ mới dọn hết chỗ đất đá này lấy lại cánh đồng xưa.

Cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý cùng người dân bị sập nhà do sạt lở đất kiểm tra vật liệu xây dựng nhà mới. Ảnh: Thanh Thủy
Đích đến của chúng tôi là xã biên giới A Lù, huyện Bát Xát. Quãng đường khoảng 70km ghập ghềnh, khúc khuỷu, nhiều đoạn lún sụt, nứt toác, sạt lở, trôi mất phần nửa đường khiến tôi có lúc muốn đứng tim. Bình thường từ thành phố Lào Cai lên đây chỉ mất khoảng hai tiếng nhưng hiện giờ thời gian tăng lên gấp đôi.
Vượt qua hàng chục tấm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, cuối cùng chúng tôi cũng đến được với A Lù. Với sức tàn phá khủng khiếp bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề cả về người và của cho người dân xã A Lù, thể hiện ở những con số đau thương: 8 người thiệt mạng; 13/13 thôn đều có điểm sạt lở. Hầu hết các tuyến đường giao thông liên thôn bị sạt lở. Tuyến đường tỉnh lộ 158 đi qua xã bị sạt lở, đứt gãy, có những điểm bị trôi toàn bộ mặt đường gây chia cắt, cô lập.
Cán bộ xã A Lù cho biết thống kê sơ bộ, toàn xã có 37 ngôi nhà bị hư hỏng do sạt lở đất, trong đó có 8 nhà bị đổ sập, vùi lấp hoàn toàn. Ngoài ra, toàn xã còn có 17ha lúa chưa thu hoạch bị vùi lấp, 13 công trình thủy lợi bị hư hỏng; 10 công trình cấp nước sinh hoạt bị hư hại gây mất nước sinh hoạt ở hầu hết các thôn; 50ha đất sản xuất lúa bị vùi lấp và sạt lở; 100% diện tích cây măng sạt bị sạt lở; 1 điểm trường bị hư hỏng...
Bà Lù Thị Chứ, 66 tuổi, ở thôn Phìn Chải 2 vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại trận sạt lở đất kinh hoàng đêm 8, rạng ngày 9/9: “Đêm hôm đó, tôi đang ngủ thì bị tỉnh giấc bởi tiếng nước chảy rất mạnh. Rồi bỗng nhiên tôi nghe tiếng ầm ầm. Tôi bật đèn pin thì thấy đất đá tràn vào nhà rồi. Lúc đó tôi nghĩ chắc mình sẽ bị chôn sống rồi”. Bà Lù Thị Chứ may măn vô cùng vì chỗ bà nằm có một cái tủ quần áo, khi đất đá tràn vào nhà, cái tủ đổ nghiêng tạo thành khe hở, che chắn cho bà không bị đất đất vùi lấp. Lúc đó con trai bà ở nhà bên cạnh nghe tiếng sạt lở đất đã tới bới tìm, kéo được bà ra khỏi bùn đất.
Mừng vì mẹ không bị sao nhưng anh Thào A Chớ vẫn không khỏi đau xót khi vợ chồng anh trai không được may mắn. Mắt buồn rười rượi, anh Chớ xót xa kể: “Mấy ngày liền trời mưa rất lớn. Vùng này chưa khi nào xảy ra sạt lở đất nên mọi người vẫn nấn ná ở lại nhà, không ngờ hậu quả lại quá thảm khốc. Đêm đó, nghe tiếng nước chảy lại có cả tiếng đá lăn, tôi tỉnh giấc. Định chạy sang gọi mẹ và anh chị thì không kịp nữa. Khi tôi nhìn sang thì đã thấy chỗ ngôi nhà của anh trai và bố mẹ tôi ở chỉ toàn bùn đá, không thấy mái nhà đâu. Tôi tìm, kéo được mẹ ra khỏi đống bùn đất. Còn anh trai và chị gái thì không thấy đâu”.
Anh Chớ cho biết, chỉ trong đêm mưa định mệnh đó, 4 ngôi nhà trong thôn, trong đó có nhà của bố mẹ anh đã bị đổ sập dưới con sóng bùn đất, 7 người dân vĩnh viễn ra đi bao gồm cả anh trai và chị dâu của anh. Ký ức đau thương đó mãi ám ảnh trong tâm trí anh đến mức cứ thấy trời mưa là lo lắng bất an.
Trong câu chuyện của mình, dù đau buồn nhưng anh Chớ nhớ mãi tấm lòng của những người lính Biên phòng. Anh kể: “Sau khi sạt lở xảy ra, cán bộ Biên phòng, dân quân, công an và cán bộ xã đã vào đây hỗ trợ chúng tôi tìm kiếm người thân. Trao tặng lương thực, thực phẩm cho những hộ bị sạt lở để duy trì cuộc sống”.

Với sự hỗ trợ của BĐBP và các nhà hảo tâm, gia đình bà Lù Thị Chớ đã khởi công xây dựng nhà mới trên vị trí cách nơi ở cũ khoảng 1km. Ảnh: Thanh Thủy
Đại úy Tẩn A Bằng cho biết: “Thời điểm đó, đường sá bị sạt lở, chia cắt nhiều chỗ, chúng tôi phải hành quân bộ, cắt đường rừng đi xuống thôn Phìn Chải 2. Trong lúc nguy cấp, anh em chúng tôi đều xác định tinh thần vì dân nên không ai nề hà, ngại khó. Không có máy móc hỗ trợ, chúng tôi phải dùng các dụng cụ thô sơ để tìm kiếm. Đào bới, thu dọn đất đá mấy ngày liền, ai cũng mệt nhoài nhưng vẫn động viên nhau cố hết sức, tìm được nạn nhân cuối cùng mới dừng công việc”.
Hoàn thành công việc tìm kiếm nạn nhân, các cán bộ Biên phòng cùng với người dân khơi thông các tuyến đường, sửa chữa nhà cửa…, đồng thời kết nối với các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí, lương thực, thực phẩm hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Do đường sá hư hỏng, xe cộ không đi được, chính những người lính Biên phòng trực tiếp vận chuyển thực phẩm, đồ dùng thiết yếu trao tận tay người dân.
Trong gian khó, những người lính mang quân hàm xanh đã phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ, trở thành chỗ dựa vững chắc giúp người dân vượt qua hoạn nạn. Đại tá Trần Quang Tùng, Chính ủy BĐBP Lào Cai cho biết, trong thời gian qua do chịu ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra mưa lũ gây ngập sâu trên diện rộng, sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản, hoa màu, cơ sở hạ tầng, sản xuất của nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, nhân dân ở khu vực biên giới nói riêng. Xuất phát từ tình hình thực tế trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương kịp thời di dời trang thiết bị, vật chất, tài sản, vận động nhân dân những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đến những nơi an toàn; cơ động lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn các xã biên giới và các xã nội địa (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà và xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai).
Đại tá Trần Quang Tùng cho biết thêm, với sự sẻ chia sâu sắc trước những mất mát đau thương của nhân dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã vận động cán bộ chiến sỹ và kết nối với các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân động viên, giúp đỡ rất lớn về cả vật chất và tinh thần để ủng hộ nhân dân ở khu vực biên giới. Cụ thể, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ủng hộ 30 triệu tiền mặt, 650 lượt xe các loại, huy động 3.150 lượt cán bộ chiến sỹ tham gia giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả. Phát động, kêu gọi sự ủng hộ giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân đến hỗ trợ nhân dân ở khu vực các xã, thị trấn biên giới với tổng trị giá tiền mặt và hiện vật khoảng gần 30 tỷ đồng.
Đặc biệt trong thời gian vừa qua Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp Báo Thanh niên, Tập đoàn Hòa phát tổ chức khảo sát xây dựng nhà cho 28 hộ gia đình bị đổ sập hoàn toàn do cơn bão số 3 gây ra tại xã A Lù, huyện Bát Xát. Mỗi ngôi nhà trị giá khoảng 350 triệu đồng; trong đó Tập đoàn Hòa Phát hỗ trợ 200 triệu đồng/căn, phần còn lại 150 triệu phần đối ứng của hộ gia đình và UBMTTQ Việt Nam các cấp. Ngày 28/10, ngôi nhà đầu tiên đã được khởi công để tặng cho cháu Thào A De, thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, cháu nội của bà Lù Thị Chứ. Cả bố và mẹ của De đều bị tử vong do sạt lở đất đêm 8/9.
Với sự giúp đỡ của BĐBP Lào Cai và các nhà hảo tâm, người dân vùng lũ đã giảm bớt được phần nào khó khăn, bắt đầu gây dựng lại cuộc sống sao đợt thiên tai kinh hoàng này.
Thanh Thủy