Chung sức phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bão lũ
Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt đến các cấp, các ngành và các địa phương huy động tối đa lực lượng, vật tư, phương tiện để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ theo phương châm '4 tại chỗ'.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 4, trong các ngày từ 20/9 đến 23/9, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa liên tục xảy ra mưa to kéo dài, trên diện rộng đã gây ngập lụt và sạt lở đất, đá ở một số địa bàn và tuyến giao thông, đe dọa đến sự an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Thanh Hóa, sáng 24/9, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động ứng phó với nguy cơ sạt lở đất, đá và ngập lụt, đồng thời tuyên truyền, vận động, tổ chức sơ tán 2.873 hộ dân tương đương với 11.759 khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm do sạt lở đất, ngập lụt.
Trong đó, huyện Quan Sơn di dời 150 hộ, huyện Thường Xuân di dời 273 hộ, huyện Quan Hóa di dời 264 hộ, huyện Mường Lát di dời 464 hộ, huyện Bá Thước di dời 110 hộ, huyện Thọ Xuân di dời 253 hộ, thành phố Thanh Hóa di dời 253 hộ, huyện Thạch Thành di dời 142 hộ…
Mưa, lũ đã làm 11 điểm trường bị ảnh hưởng, sạt lở đất tập trung chủ yếu ở Mường Lát, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh; sạt lở taluy dương, taluy âm, sạt lở sa bồi mặt đường, rãnh dọc tại 183 vị trí, có 7 vị trí gây tắc đường.
Ngoài ra, mưa lũ cũng khiến diện tích lúa bị ngập 356,6 ha, diện tích cây trồng hàng năm 572 ha, 323 ao cá truyền thống bị ngập, nhiều điểm đê điều, sông suối cũng bị ảnh hưởng, rạn nứt, thấm nước. Các lực lượng chức năng và Nhân dân đã tích cực triển khai công tác hộ đê, xử lý sự cố bảo đảm an toàn đê điều.
Đáng chú ý, trước tình trạng nước thấm qua chân đê tại xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc), ngay trong đêm 23/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương khắc phục sự cố.
Để đối phó với các tình huống do thiên tai gây ra, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.
Đồng thời, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Cùng với đó, lực lượng vũ trang trong tỉnh đã duy trì, thực hiện nghiêm chế độ trực ban, trực chiến, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định.
Theo đó, Công an các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với lực lượng Quân đội, Biên phòng và các đơn vị chức năng rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập úng, nước dâng cao gây nguy hiểm để tham mưu chính quyền các cấp và phối hợp bố trí lực lượng, phương tiện để sơ tán người, tài sản đến nơi tránh trú an toàn; phân công, bố trí lực lượng cắm chốt tại các khu vực nguy hiểm, các ngầm, tràn bị nước dâng cao để cảnh báo, cấm người, phương tiện đi qua.
Việc đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân trong phòng, chống thiên tai, bão lũ là tiền đề hết sức quan trọng để tỉnh Thanh Hóa hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, qua đó tạo đà cho việc khắc phục hậu quả do mưa, lũ, ngập lụt, sạt lở đất gây ra, giúp Nhân dân sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.