Chung sức xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, các ngành, các cấp trên địa bàn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.Xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, với mục tiêu tạo dựng sự hài lòng từ nhân dân, sau khi đạt chuẩn huyện NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện Cái Bè đã đề ra kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM. HIỆU QUẢ TỪ CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

Xác định tầm quan trọng đó, ngay từ đầu mỗi năm, huyện đã ban hành các văn bản đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các đoàn thể huyện và UBND các xã xây dựng kế hoạch tuyên truyền NTM bằng nhiều hình thức như trực tiếp, lồng ghép, xây dựng các pa nô, tờ bướm... nhằm triển khai sâu rộng, tạo sự đồng tình, ủng hộ đến các tầng lớp nhân dân trong huyện.

Nhờ sự chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân, diện mạo NTM ở huyện Cái Bè có nhiều khởi sắc.

Nhờ sự chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân, diện mạo NTM ở huyện Cái Bè có nhiều khởi sắc.

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, trong quá trình xây dựng thành công huyện Cái Bè đạt chuẩn NTM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cái Bè đã nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân hiến 56.376 m2 đất làm công trình, 4.133 ngày công lao động, 4,5 tỷ đồng xây dựng giao thông nông thôn; xây dựng 14 tuyến đường, xây dựng mới 38 cây cầu, trị giá hơn 20 tỷ đồng…

Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn huyện đã xây dựng và thực hiện các mô hình như: Mô hình giúp nhau giảm nghèo bền vững (17 mô hình); mô hình xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đền ơn đáp nghĩa (7 mô hình); mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp (15 mô hình); mô hình phòng chống tội phạm (15 mô hình).

Phát huy sức trẻ xây dựng quê hương Cái Bè giàu đẹp, Đoàn Thanh niên các cấp trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyên truyền bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp; xây dựng 10 tuyến đường hoa thanh niên cấp huyện và trên 25 tuyến đường hoa của cấp cơ sở; tổ chức trục vớt lụt bình, chướng ngại vật 25 tuyến kinh trọng điểm với tổng chiều dài mỗi tuyến 4 km, tổ chức trồng trên 35.000 cây xanh, vệ sinh cảnh quan môi trường với tổng chiều dài 38,5 km, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 10 km, tổ chức khám bệnh cho trên 2.000 lượt người dân, hỗ trợ sửa chữa 62 điểm vui chơi cho thiếu nhi…

Cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cái Bè, Đoàn Thanh niên huyện Cái Bè, trong quá trình xây dựng huyện NTM, Hội Nông dân huyện Cái Bè cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia xây dựng và lựa chọn các tiêu chí để chỉ đạo các cấp Hội tổ chức trên 61 ngàn cuộc tuyên truyền. Đồng thời, các cấp Hội cũng đã vận động nông dân hiến đất, góp tiền, ngày công lao động tham gia xây dựng và duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn…

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cái Bè tổ chức Tọa đàm trao đổi học tập kinh nghiệm về xây dựng NTM trên địa bàn xã Hòa Hưng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cái Bè tổ chức Tọa đàm trao đổi học tập kinh nghiệm về xây dựng NTM trên địa bàn xã Hòa Hưng.

Mỹ Lợi B là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Cái Bè, được công nhận đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2020, xây dựng thành công xã NTM nâng cao năm 2022 và phấn đấu ra mắt xã NTM kiểu mẫu cuối năm 2024. Trong quá trình xây dựng NTM, Mỹ Lợi B đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động giúp nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình, tạo đồng thuận trong quá trình xây dựng NTM.

Là một nông dân sống trên địa bàn xã, anh Lê Văn Vinh (ấp Lợi Nhơn) chia sẻ: “Từ những ngày đầu triển khai xây dựng xã NTM Mỹ Lợi B, được các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, tôi nhận thức được việc xây dựng xã NTM không chỉ là nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương, mà người dân mới giữ vai trò chính và là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất. Chính vì vậy, khi có chủ trương mở rộng và nâng cấp tuyến đường Nam kinh Bảy Khao, gia đình tôi đã tự nguyện hiến thửa đất có tổng diện tích 2.400 m2 để hoàn thiện tuyến đường này”.

Còn với ông Nguyễn Văn Còn (ấp Hậu Phú A, xã Hậu Mỹ Bắc A), mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, thế nhưng khi nghe chính quyền xã Hậu Mỹ Bắc A triển khai kế hoạch xây dựng NTM, trong đó có việc mở rộng và nâng cấp tuyến đường Tây kinh 8, gia đình ông đã tự nguyện tháo dỡ hàng rào và đập tháo căn nhà trị giá 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ông Còn là một tuyên truyền viên vận động người dân trong ấp tích cực hiến đất, di dời cây trồng, hoa màu, vật kiến trúc, đóng góp ngày công lao động, cùng với chính quyền địa phương xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Thành Trần Hữu Thanh, thực hiện chủ trương phát triển mạng lưới giao thông để xây dựng NTM, thời gian qua, nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động để mở ra những con đường liên ấp, liên xã. Có thể kể đến các tuyến đường như: Tuyến từ cầu Cái Nứa đến kinh Đất Sét chiều dài 1.000 m, nền 5 m, mặt đường 3,5 m; tuyến Ba Tre đến cầu Sập với chiều dài 2.170 m, nền 5 m, mặt đường 3 m; tuyến Tây kinh số 7 chiều dài 2.380 m, nền 4 m, mặt đường 3 m…

NÂNG CHẤT HUYỆN NTM

Với mục tiêu tạo dựng sự hài lòng từ nhân dân, Đảng bộ, chính quyền huyện Cái Bè đã đề ra kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM ngay khi được công nhận huyện NTM. Theo đó, trong năm 2024, huyện Cái Bè sẽ tiếp tục duy trì 9 tiêu chí huyện NTM; đồng thời, phấn đấu đến cuối năm nay huyện sẽ hoàn thành ra mắt 2 xã NTM nâng cao (An Thái Đông, Tân Hưng) và 3 xã NTM kiểu mẫu (Mỹ Tân, Mỹ Lợi B, Đông Hòa Hiệp); củng cố, nâng chất 24 xã NTM.

Chính quyền và nhân dân đồng lòng xây dựng NTM (ảnh chụp tại xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè).

Chính quyền và nhân dân đồng lòng xây dựng NTM (ảnh chụp tại xã Hậu Mỹ Phú, huyện Cái Bè).

Xác định xây dựng NTM là quá trình liên tục, lâu dài, Đảng bộ, chính quyền huyện Cái Bè đã đề ra kế hoạch duy trì, nâng chất các tiêu chí NTM; trong đó, chú trọng các giải pháp tuyên truyền, truyền thông tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Theo đó, huyện sẽ tập trung tuyên truyền đến các hộ dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về NTM theo chiều sâu, làm bật lên tính chủ thể trong xây dựng NTM là người dân, dân làm, dân thụ hưởng, Nhà nước chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ và huy động các nguồn lực để thực hiện.

Đồng thời, triển khai và thực hiện đồng bộ các chính sách về huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chú trọng phát huy nguồn lực trong nhân dân thông qua việc đóng góp ngày công, hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, trong đó chú trọng quan tâm nguồn vốn của các doanh nghiệp, vốn tín dụng…

Cùng với đó, trong thời gian tới, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ được huyện tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện truyền thông như Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện với những cách làm hay, mô hình sáng tạo ở từng địa phương, đơn vị, các điển hình tiên tiến…

Đồng thời, huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền xây dựng NTM gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Tiền Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2021 - 2025.

Đ. PHI - T.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/nong-thon-moi/202408/chung-suc-xay-dung-nong-thon-moi-1019845/