Chung sức xây dựng nông thôn mới, góp phần củng cố 'thế trận lòng dân'

Lực lượng vũ trang (LLVT) Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới' là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Bộ CHQS tỉnh. Thực hiện tốt nhiệm vụ này, góp phần xây dựng và củng cố 'thế trận lòng dân', thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, tăng cường mối quan hệ quân dân máu thịt, phát huy bản chất truyền thống 'Bộ đội Cụ Hồ' trong thời kỳ mới.

Cán bộ, chiến sĩ và lực lượng dân quân tự vệ huyện Thiệu Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới tại xã Thiệu Thành.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, LLVT tỉnh luôn chung sức cùng cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương xây dựng nông thôn mới; coi đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong công tác dân vận; căn cứ vào các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của Quân khu và tỉnh; Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã quán triệt và xây dựng kế hoạch tổ chức phát động phong trào thi đua “LLVT Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung vào nội dung, yêu cầu của tiêu chí 19.1 về quốc phòng; xây dựng quyết tâm cho lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên toàn tỉnh tham gia xây dựng nông thôn mới; bằng những việc làm cụ thể, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã tham gia hưởng ứng sôi nổi, tự nguyện ủng hộ tiền, ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới, theo đó từ năm 2012 đến nay, mỗi năm cán bộ hưởng lương đều quyên góp 1 đến 2 ngày lương, chiến sĩ 20.000 đồng/người; cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ, dự bị động viên trích một phần phụ cấp hàng tháng, quý của mình tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đóng quân.

Các cơ quan, đơn vị còn lồng ghép có hiệu quả các hoạt động hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, xây dựng nông thôn mới với việc thực hiện các chương trình của LLVT tỉnh, như: “Hạt giống vàng”, “Búp măng vàng”, “Cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”... đã tặng bò, lợn, gia cầm cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo học giỏi, tặng bình lọc nước và bàn ghế trang bị cho trường học; phục tráng rừng luồng cho các gia đình chính sách, hộ nghèo; làm nhà cho mẹ liệt sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tường bao, làm sân cho trường mầm non.... Hằng năm, các đơn vị còn điều động hàng chục lần, với gần mười nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai bão lụt, cháy rừng, cứu hộ, cứu nạn... góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn trong tỉnh.

Hàng năm các cơ quan, đơn vị luôn làm tốt công tác huấn luyện, diễn tập kết hợp làm công tác dân vận; trong đó, Trung đoàn 762 tổ chức hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại các huyện vùng giáo và kinh tế đặc biệt khó khăn như: Thọ Xuân, Nga Sơn, Nông Cống, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Cẩm Thủy, Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn... Trọng tâm là hướng vào tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời thực hiện tốt các hoạt động giúp dân xây dựng cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, xây dựng hội trường, nhà văn hóa, trường học; khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho đối tượng chính sách, người nghèo, dân tộc thiểu số; tham mưu huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên với hàng vạn ngày công giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thu hoạch hàng trăm ha lúa, ngô; giúp nhân dân các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn sửa chữa, dựng lại và di dời hơn 300 ngôi nhà bị sập và lũ cuốn trôi; giúp nhân dân các huyện Tĩnh Gia, Nông Cống, Yên Định, Thạch Thành... một số huyện, thị xã ven biển, miền núi di chuyển khỏi các khu vực hồ, đập chứa nước, vùng lũ có nguy cơ mất an toàn. Các đơn vị Đảo Mê, Đảo Nẹ đã làm tốt công tác phối hợp nắm tình hình, tuyên truyền, vận động ngư dân đang đánh bắt trên biển về vị trí trú ẩn, neo đậu an toàn khi bão về.

Phong trào thi đua “LLVT Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới” sau 8 năm triển khai thực hiện đã đóng góp cho các địa phương số tiền gần 11 tỷ đồng và hơn 11.717 ngày công giúp các xã, thôn, bản trên địa bàn tỉnh tu sửa, củng cố, xây mới 30 nhà văn hóa thôn bản, gần 300 km đường giao thông nông thôn, nạo vét 452 km kênh mương nội đồng; nâng cấp 3 trạm y tế xã thành trạm y tế quân, dân y kết hợp; 6 trường mầm non và hàng trăm bộ bàn ghế cho học sinh; hỗ trợ 67 vạn cây giống cho các hộ thuộc các xã Tén Tằn, Quang Chiểu, Mường Chanh của huyện Mường Lát, trồng mới 250 ha rừng, 67 ha ngô lai, xây dựng 8 trang trại chăn nuôi bò tập trung, lợn giống, vịt đẻ trứng. Trong thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay mang lại hiệu quả cao như: “Hạt giống vàng” của LLVT huyện Yên Định; “Hũ gạo tiết kiệm” của cán bộ, chiến sĩ Đảo Mê; “Búp măng vàng” của cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Mường Lát,...

Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” Bộ CHQS tỉnh đã góp phần quan trọng để diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao, làm sáng đẹp hình ảnh và bồi đắp phẩm chất cao quý “Bộ đội Cụ Hồ” – bộ đội của dân trong thời kỳ mới.

Bài và ảnh: Thanh Tùng (Bộ CHQS tỉnh)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nong-thon-moi/chung-suc-xay-dung-nong-thon-moi-gop-phan-cung-co-the-tran-long-dan/112003.htm