Chung sức xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh

Trong ngày làm việc thứ nhất (21-8), các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2024-2029 đã có các tham luận với mong muốn tiếp tục chung sức xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh Đặng Minh Thắng:

Tích cực vận động nhân dân xây dựng khu dân cư an toàn

Với phương châm hướng hoạt động về cơ sở, nhiệm kỳ vừa qua, MTTQ các cấp huyện Đông Anh đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án của Huyện ủy, đặc biệt là Chương trình 06 của Huyện ủy về “Toàn dân đoàn kết xây dựng huyện Đông Anh thành quận giàu đẹp, văn minh, hiện đại giai đoạn 2020-2025” và Nghị quyết số 250, Nghị quyết số 379 của Ban Thường vụ Huyện ủy về quyết tâm thực hiện “5 có, 3 không và hạ tầng giao thông”.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh Đặng Minh Thắng. Ảnh: Quang Thái

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh Đặng Minh Thắng. Ảnh: Quang Thái

Hiện nay, tại Đông Anh 153/155 thôn có nhà văn hóa; 30/30 nhà văn hóa tổ dân phố, 133/155 thôn làng có điểm sinh hoạt cộng đồng, 56/155 thôn làng có công viên mini; 66/155 thôn làng có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh; 100% khu dân cư ra quân tổng vệ sinh môi trường. Toàn huyện có 20/23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Thời gian tới, MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh sẽ tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đảm bảo 3 nội dung: Đa dạng hóa hình thức, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao công tác tuyên truyền.

Cùng với đó, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền. Mặt trận cũng tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội; phát huy vai trò của nhân dân trong giám sát cán bộ, đảng viên, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tích cực vận động nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thi đua lao động sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy tài năng, sáng kiến, giúp nhau vươn lên làm giàu chính đáng.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ:

Thực hiện tốt hoạt động đối ngoại nhân dân

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố hiện có 25 hội hữu nghị và tổ chức thành viên, trong đó có 20 hội hữu nghị song phương, 3 tổ chức đa phương và 2 tổ chức thành viên. Ban Chấp hành Liên hiệp có 55 ủy viên gồm đại diện các sở, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, quận, huyện, nhân sĩ, trí thức, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Chủ tịch Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ. Ảnh: Quang Thái

Chủ tịch Hội Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ. Ảnh: Quang Thái

Với phương châm “chủ động, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả”, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đưa nội dung các chỉ thị của Trung ương và Thành ủy về tăng cường, mở rộng công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới đến các quận, huyện, sở, ngành, đoàn thể.

Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố thường xuyên phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị chia sẻ thông tin thời sự trong nước và quốc tế giúp các hội hữu nghị, tổ chức thành viên của Liên hiệp và cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện, thị xã cập nhật về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối ngoại nói chung và đối ngoại nhân dân nói riêng; tổ chức tọa đàm về vai trò của đối ngoại nhân dân trong trong việc quảng bá văn hóa, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô và đất nước.

Tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, đối ngoại nhân dân tiếp tục phát huy được thế mạnh của mình, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố sẽ linh hoạt, mềm dẻo trong tổ chức các hoạt động, phối hợp nhịp nhàng với ngoại giao Nhà nước và đối ngoại của Đảng tạo nên thế chân kiềng vững chắc trên mặt trận đối ngoại, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặt khác, tận dụng sức mạnh của phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, trang web chính thức, bản tin “Hữu nghị và Hợp tác” của Liên hiệp bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, đưa tin về các hoạt động đối ngoại của thành phố trong đó có đối ngoại nhân dân, để các hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp cận được với đông đảo các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Công tác tôn giáo Bạch Thành Định:

Nắm chắc, tham mưu xử lý các vấn đề tôn giáo phát sinh

Trong quá trình bảo vệ và xây dựng Thủ đô, các tôn giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần quan trọng vào sự thành công của sự nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi các ngành, các cấp trong đó có MTTQ Việt Nam phải chủ động trong công tác nắm tình hình, phát hiện từ sớm, từ xa, những vấn đề phát sinh để tham mưu kịp thời các giải pháp và phối hợp giải quyết.

Thiếu tướng, PGS. TS Bạch Thành Định, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn công tác tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Thiếu tướng, PGS. TS Bạch Thành Định, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn công tác tôn giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Ảnh: Quang Thái

Mặt trận thành phố đã tập hợp được đội ngũ trí thức có quá trình hoạt động khá toàn diện trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, hoạt động tôn giáo, hoạt động văn học nghệ thuật... tham gia Hội đồng tư vấn Công tác tôn giáo. Vì vậy, từ khi thành lập đến nay, Hội đồng đã có nhiều phản ánh, ý kiến tham mưu đề xuất sát với tình hình, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của người có đạo…

Ngoài ra, thông qua các chức sắc, chức việc tôn giáo, những người có uy tín trong nhân dân; các tổ chức thành viên của Mặt trận để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nắm tình hình, xử lý những vấn đề phức tạp nảy sinh trong hoạt động tôn giáo. Cùng với đó, Mặt trận đã huy động sức mạnh của hệ thống chính trị phục vụ công tác nắm tình hình đầy đủ, toàn diện, chính xác, diễn biến tình hình để kịp thời, giải quyết có hiệu quả các vụ việc về tôn giáo phức tạp, nảy sinh.

Để công tác nắm bắt tham mưu xử lý các vấn đề tôn giáo thời gian tới được tốt hơn, Mặt trận các cấp cần từng bước số hóa; thường xuyên, định kỳ có đánh giá, biểu dương, khen thưởng và rút kinh nghiệm cụ thể để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nắm tình hình và xử lý các vấn đề tôn giáo phát sinh trên địa bàn…

Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Vì Nguyễn Thị Kim Oanh:

Thực hiện “Giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”

Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện, trong 5 năm qua, MTTQ Việt Nam các cấp huyện Ba Vì đã vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” hơn 13 tỷ đồng.

Từ nguồn Quỹ vận động được, đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 294 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở trị giá hơn 11 tỷ đồng; hỗ trợ hộ nghèo về tư liệu sản xuất phát triển kinh tế, khám chữa bệnh, tặng sổ bảo hiểm xã hội, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, hỗ trợ hộ nghèo khó khăn đột xuất, thăm hỏi, tặng quà, chăm lo tết cho người nghèo… với số tiền trên 2 tỷ đồng. Nhờ thực hiện tốt phong trào “Giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau” của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện từ 1,43% (năm 2019) xuống còn 0,34% (năm 2024), bình quân giảm 0,22%/năm.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ba Vì Nguyễn Thị Kim Oanh. Ảnh: Quang Thái

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Ba Vì Nguyễn Thị Kim Oanh. Ảnh: Quang Thái

Với mục tiêu đến năm 2025, huyện Ba Vì không còn hộ nghèo, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò của tổ tiết kiệm vay vốn, các tổ chức ủy thác của ngân hàng chính sách xã hội ở cơ sở, đặc biệt là vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc hướng dẫn người dân về kỹ thuật sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, hạn chế tối đa hộ nghèo tái nghèo. Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết để rút ra bài học kinh nghiệm.

Cùng với đó, Mặt trận sẽ đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, đề án về an sinh xã hội, giảm nghèo, đồng thời cần huy động sự tham gia của hệ thống chính trị trong việc giám sát, theo dõi để kịp thời nắm bắt, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các đối tượng trục lợi. Theo dõi, nắm bắt, đề xuất biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tích cực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và công tác an sinh xã hội; chủ động tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền có chính sách khuyến khích và nêu gương các hộ nghèo, hộ cận nghèo vượt khó vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Hiền Phương ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chung-suc-xay-dung-thu-do-giau-dep-van-minh-675456.html