Chúng ta cần những gì để trở thành cha mẹ tốt?
Vật chất không phải là thứ quan trọng nhất trong quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ. Con cái cần một môi trường tràn đầy tình yêu thương, sự thấu hiểu và an toàn để lớn lên.
Những bậc cha mẹ nên học cách bao dung với chính mình và không nên ép bản thân phải trở nên hoàn hảo, bởi không ai có thể đạt được điều đó. Ngay cả những người học thức cao hay nổi tiếng cũng không tránh khỏi những khoảnh khắc bối rối, đau khổ hay cảm giác bất lực, thậm chí như muốn phát điên trong quá trình nuôi dạy con cái. Chúng ta chỉ là những người cha, người mẹ bình thường, và việc cần thời gian để trưởng thành cùng con là điều hoàn toàn tự nhiên.
Khi cảm thấy bất lực và suy sụp, tại sao chúng ta không tự cho mình một chút thời gian để bình tĩnh lại và khôi phục cảm xúc? Khi đối diện với sự nổi loạn và gây rối của con cái, tại sao không tin rằng thời gian sẽ giúp mọi việc dần trở nên ổn thỏa? Trước những lo toan gia đình dường như bất tận, tại sao không tin rằng mọi chuyện đang dần đi theo hướng tích cực hơn?
Cuộc sống vẫn tiếp tục, con đường trước mắt vẫn trải dài, và ngoài việc nỗ lực, chúng ta cũng có thể tin tưởng vào những quy luật tự nhiên sẽ dẫn lối. Đôi khi, chỉ cần thuận theo dòng chảy mà không cưỡng cầu, ta cũng có thể đạt được những kết quả tốt đẹp.
Khi đối diện với việc con cái không đáp ứng được kỳ vọng, nhiều cha mẹ dễ dàng trách móc, cho rằng con chưa đủ chăm chỉ hay chưa đủ giỏi, dẫn đến tiến bộ chậm. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở đứa trẻ mà ở chính môi trường nuôi dưỡng chúng.
Mỗi đứa trẻ như một bông hoa, cần đất đai màu mỡ để phát triển. Nếu đất thiếu dinh dưỡng, hoa sẽ yếu và thời gian nở sẽ chậm hơn. Đây chính là lý do nhiều học sinh giỏi ở trường nhưng khi về nhà lại trở thành một con người hoàn toàn khác.
Trong khi cha mẹ nỗ lực muốn “uốn nắn” con mình, trẻ lại khao khát được bầu bạn và quan tâm. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh chỉ chu cấp về mặt vật chất và đặt ra những kỳ vọng, yêu cầu, mà ít khi tìm hiểu điều con thực sự cần và có khả năng đạt được hay không.
Trước khi chính thức bước vào tuổi trưởng thành, sức mạnh mà gia đình mang lại cho trẻ rất quan trọng. Trong giai đoạn này, trẻ chưa biết cách tiếp nhận sự hỗ trợ từ bên ngoài vì cuộc sống của chúng chủ yếu xoay quanh nhà và trường học, và cha mẹ chính là những người gần gũi nhất với trẻ.
Nhiều trung tâm tư vấn giáo dục gia đình đã chuyển hướng trọng tâm từ trẻ em sang gia đình, tập trung vào việc giúp phụ huynh thiết lập quan điểm và phương pháp giáo dục đúng đắn, từ đó xây dựng môi trường giáo dục tích cực hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh phàn nàn rằng con cái của họ nghịch ngợm và khó dạy dỗ.
Họ thường mang đến trung tâm tư vấn một loạt vấn đề, với vẻ mặt lo lắng và vội vã, nhưng lại không kiên nhẫn lắng nghe, chỉ muốn nhận được những đáp án chính xác và nhanh chóng.
Nếu cha mẹ chỉ xem các vấn đề hành vi của con cái là những vấn đề riêng lẻ, họ sẽ không thể có cái nhìn tổng thể về giáo dục và sẽ khó giải quyết triệt để các vấn đề đó. Thiếu kiên nhẫn để dừng lại và học hỏi, cha mẹ sẽ không nhận ra rằng họ đang bị mắc kẹt trong những giới hạn của phương pháp giáo dục, và do đó, sẽ không thể thoát ra. Thái độ này cho thấy họ chính là những người cần học hỏi nhiều nhất.
Trong mọi gia đình, khi một sinh linh mới chào đời, các cặp vợ chồng trẻ bắt đầu đảm nhận vai trò quan trọng và vĩ đại nhất trong cuộc đời họ: làm cha mẹ. Họ cần nhận thức rằng trách nhiệm này rất nặng nề và kéo dài. Mọi hành vi và lời nói của họ đều có tác động mạnh mẽ đến con cái, và trẻ em sẽ dần nhận ra ảnh hưởng của cha mẹ trong cuộc sống của chúng.
Do đó, nếu không nỗ lực, tiến bộ, hay trau dồi bản thân và kiên trì trưởng thành, cha mẹ không có lý do gì để yêu cầu con cái vui vẻ đến trường mỗi ngày, chú ý lắng nghe bài giảng và hoàn thành bài tập về nhà.
Cha mẹ chính là tấm gương cho con cái noi theo, và ngược lại, con cái cũng là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ. Nếu không thể tự nhìn nhận bản thân, cha mẹ có thể nhận ra thông qua những biểu hiện của con mình ở mọi khía cạnh, từ đó hiểu được mình cần phải cải thiện điều gì.
Dù không bậc cha mẹ nào cần bằng cấp để đảm nhận vai trò của mình, mỗi người vẫn cần chuẩn bị tâm lý để yêu thương con cái, vui vẻ chào đón sự xuất hiện của trẻ và nỗ lực tạo ra một môi trường trưởng thành an toàn, tràn đầy yêu thương.
Cha mẹ nên đối xử với trẻ bằng sự tôn trọng và bình đẳng từ tận đáy lòng. Nếu kiên định với những nguyên tắc này, dù họ không đốc thúchay la mắng, trẻ cũng sẽ tự giác hoàn thành mọi việc thật tốt, vì trong trái tim chúng luôn tràn đầy năng lượng.
Nguồn Znews: https://znews.vn/chung-ta-can-nhung-gi-de-tro-thanh-cha-me-tot-post1521799.html