Buông tay đúng lúc

Nhiều bậc cha mẹ sợ con cái bị tổn thương, nên bảo vệ và chăm sóc chúng một cách thái quá. Hành trình trưởng thành đầy rẫy chông gai, con trẻ cần phải học cách đối đầu với khó khăn.

 Học cách vượt qua khó khăn giúp con trẻ tự tích lũy kinh nghiệm. Ảnh: T.N.

Học cách vượt qua khó khăn giúp con trẻ tự tích lũy kinh nghiệm. Ảnh: T.N.

Trên đời này, ai là người yêu thương con mình nhất? Khi được hỏi câu này, các bậc phụ huynh sẽ ngay lập tức sốt sắng giơ tay, như một đứa trẻ tiểu học biết đáp án và háo hức muốn được thầy cô gọi tên. Không còn gì để bàn cãi, cha mẹ nào cũng yêu thương con mình nhất trên đời. Dù đã cố gắng rất nhiều để chu cấp vật chất cho con, họ vẫn thường tự trách bản thân vì cảm thấy chưa cho con được điều tốt nhất.

Thấy con vấp ngã, họ sẽ lập tức chạy đến đỡ con dậy. Nhìn chung, cha mẹ luôn đối xử với con cái bằng tất cả sự chăm chút và lo lắng, không ngừng băn khoăn làm sao để mang lại điều tốt đẹp nhất cho con.

Nhưng xin hỏi, làm như vậy có thực sự là yêu thương con cái không? Tất nhiên là không. Nếu cha mẹ chỉ lo cung cấp vật chất mà bỏ quên việc chăm sóc sự phát triển tinh thần của con, thì đó không phải là tình yêu.

Cha mẹ yêu thương con cái cần có những kế hoạch sâu rộng và tầm nhìn dài hạn. Nếu cha mẹ thiển cận, nghĩ rằng yêu thương là bao bọc, bảo vệ trẻ khỏi mọi rủi ro và chỉ tập trung vào việc thúc ép con học tập mà không để trẻ khám phá thế giới xung quanh, thì tình yêu thương ấy sẽ trở thành rào cản cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Từ đó, trẻ sẽ cảm thấy ngột ngạt dưới áp lực kiểm soát từ cha mẹ.

Khi một sinh linh mới cất tiếng khóc chào đời, nó hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ để được chăm sóc và bảo vệ. Trong giai đoạn này, cha mẹ có toàn quyền chi phối mọi khía cạnh của con. Tuy nhiên, khi dần lớn lên, khả năng tự lập của trẻ cũng ngày càng phát triển. Chẳng hạn, một đứa trẻ khoảng một tuổi bắt đầu biết đi và có xu hướng muốn thử đi mọi lúc mọi nơi.

Thay vì lo lắng con sẽ mệt mỏi, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tập đi nhiều hơn, vì việc luyện tập sẽ giúp bước chân của trẻ vững vàng hơn. Khi mệt, trẻ sẽ tự ngồi xuống nghỉ ngơi, và cha mẹ không cần thúc ép, chỉ cần kiên nhẫn đợi trẻ tự hồi phục và tiếp tục khi trẻ đã sẵn sàng. Thuận theo bản tính của trẻ nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực tế không phải cha mẹ nào cũng làm được điều đó.

Trẻ em không chỉ phát triển khả năng đi lại mà còn nhiều kỹ năng khác dưới sự chi phối của bản năng. Khi trẻ tự động muốn làm một việc gì đó, cha mẹ không nên ngăn cản. Ví dụ, nếu trẻ muốn tự ăn, hãy để trẻ thử, dù có làm đổ thức ăn khắp nơi cũng không sao, vì dần dần chúng sẽ học được cách tự xúc.

Hoặc khi trẻ muốn tự đi học, thay vì đưa đón con mỗi ngày, cha mẹ có thể dạy trẻ cách sang đường an toàn và cẩn trọng với người lạ. Nếu cha mẹ bao bọc con quá mức trong suốt 12 năm học, rất có thể khi lên đại học, trẻ vẫn chưa biết cách tự chăm sóc bản thân. Do đó, cha mẹ cần theo dõi quá trình phát triển của trẻ, biết buông tay đúng lúc để trẻ có cơ hội rèn luyện sự tự lập và phát triển toàn diện.

Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ không nỡ để con mình chịu khổ, không muốn thấy con than mệt nên làm hết mọi việc thay con. Khi con tỏ ra bất mãn, họ vội vàng tìm cách làm con hài lòng. Nhưng nếu cứ tiếp tục nuông chiều như vậy, trẻ chỉ phát triển bản năng mà không có kỹ năng cần thiết để sống tự lập.

Khi lớn lên, những đứa trẻ này có thể trở thành người dựa dẫm vào cha mẹ, không thể tự nuôi sống bản thân hay đảm nhận trách nhiệm gia đình. Đến lúc cha mẹ nhận ra rằng cách nuôi dạy của mình là sai lầm, thì mọi chuyện đã quá muộn để sửa chữa.

Phàn Tổ An/ Skymomy & NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/buong-tay-dung-luc-post1522271.html