Chúng ta đang bơi trong biển thuế, phí
Việc thu thuế, phí như hiện nay khiến cho người dân thấy rất tù mù, lắt nhắt và 'thuế chồng thuế'.
Chính phủ nào trên thế giới cũng sống dựa trên nguồn thu chính là thuế và phí từ người dân và doanh nghiệp, nhưng điều khác dễ thấy nhất là ở các nước phát triển các sắc thuế có vẻ cao (như thuế thu nhập) nhưng lại không quá nhiều, rất hợp lý và khá rõ ràng. Trong khi ở Việt Nam thì quả thật là quá nhiều.
Có bao nhiêu loại thuế, phí?
Người viết bài này từng hỏi rất nhiều cán bộ ở Tổng cục Thống kê, cán bộ thuế vụ rằng ở Việt Nam hiện có bao nhiêu loại thuế, phí áp trên người dân thì không ai trả lời được. Bản thân người dân cũng không biết có bao nhiêu loại thuế, phí mà chỉ biết khi gọi thì đóng và… than trời.
Ngoài thuế của Nhà nước, hầu như địa phương nào cũng có những quy định thu phí ở nhiều lĩnh vực liên quan đến đất đai, dịch vụ, thương mại. Việc thu thuế, phí như hiện nay khiến cho người dân thấy rất tù mù, lắt nhắt và “thuế chồng thuế”. Có một mặt hàng mà phải chịu nhiều lần thuế.
Chẳng hạn, nhà sản xuất bia phải chịu thuế trên một chai bia khi xuất xưởng, đại lý bia và chủ nhà hàng kinh doanh ăn uống phải trả thuế khi mua chai bia về cửa hàng, khi bán cho khách lại tiếp tục chịu thuế trên hóa đơn (trong đó có chai bia), còn người uống phải trả cho nhà hàng chi phí ăn uống và thuế VAT, vậy là một chai bia phải cõng ít nhất 5 lần thuế.
Cái lạ là ở nước ta bộ nào, tỉnh nào, thậm chí sở nào cũng có quyền xây dựng chính sách, đề xuất các thuế, phí mới. Chỉ tính trong mấy tháng gần đây, một loạt thuế, phí được đề xuất, có cái lập tức được thi hành như mức phí bảo vệ môi trường (10%) được tính cho nước thải trên 1m3 nước sạch (đầu vào) của mỗi hộ dân cư và doanh nghiệp. Mặc dù Nghị định 53/2020/NĐ-CP ngày 5.5.2020 của Chính phủ chỉ bắt đầu thực hiện từ 1.7 nhưng TP. HCM đã thu từ tháng 6.
Các đề xuất khác như phí chống ngập, phí sử dụng lòng đường, vỉa hè (UBND TP.HCM chuẩn bị ban hành quyết định thay thế cho Quyết định 74 ban hành 23.10.2008), phí khí thải ô tô, xe máy, mặc dù nhà kinh doanh xăng dầu phải nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 32% rồi, còn người tiêu dùng lâu nay đã phải trả thuế giá trị gia tăng VAT và thuế bảo vệ môi trường cho mỗi lít xăng khi mua.
Cân ký rác thải: Cái gì đã ổn đừng bới ra!
Trong kỳ họp lần thứ 9, Quốc hội khóa XIV lần này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà lại đưa ra đề xuất tính tiền rác thải trên trọng lượng, sau này ông sửa lại tính theo túi rác có định lượng sẵn. Mặc dù ông và các cộng sự nhiệt tình thuyết phục tính hợp lý của nó cũng như đưa ra một vài nước trên thế giới đã tính tiền rác thải trên kg, nhưng may mà Quốc hội không thông qua.
Tôi đã hỏi ông Imura là giáo sư Đại học Yokohama về chuyện này, ông cho biết các thành phố lớn của Nhật như Tokyo, Yokohama, Osaka bắt đầu thu phí rác thải từ tháng 12.1996, nhưng dưới 10kg thì không trả phí, và hiếm có gia đình nào ở Nhật một ngày thải ra hơn 10kg rác thải vì thực phẩm, rau củ của Nhật được chế biến sẵn. Ngược lại chính quyền địa phương còn trả tiền cho hộ gia đình nào thu gom được vật dụng tái chế như nhựa, giấy, kim loại… Còn gia đình nào loại bỏ những đồ cồng kềnh như bàn ghế, giường tủ, nệm thì phải trả phí cho kho bãi và vận chuyển.
Luật thu phí rác thải của Nhật chủ yếu áp dụng cho các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, sản xuất. Nhưng GS. Imura nhấn mạnh rằng chính phủ Nhật đưa ra loại thuế này không nhằm mục đích tận thu để làm tăng ngân sách trung ương hay địa phương mà nhằm làm cho các ông chủ, bà chủ các cơ sở ý thức được làm sao giảm được rác thải, thu hồi tái chế phần sử dụng được.
Một vài ví dụ như trước kia các cơ sở chế biến rau củ, bán hoa tươi thường bỏ rác còn tươi, nên trọng lượng lớn, chi phí trả cao, sau này họ phơi khô, ép bớt nước nên chi phí giảm hẳn. Còn các cơ sở chế biến cá thịt tươi sống, các cửa hàng ăn uống, khách sạn thì họ không bỏ phần thừa ra thùng rác nữa mà đưa vào hầm biogas để thu được năng lượng nấu ăn, sau đó phân hữu cơ chuyển giao cho nơi trồng rau quả hữu cơ.
Cung cách gom rác như hiện nay có từ thời lập thị ở Sài Gòn và cả Hà Nội. Đây là thỏa thuận giữa các bên trong xã hội công dân, mà trong xã hội công dân có một quy ước là cái gì ổn rồi, đang ổn thì đừng bới ra.
Quay trở lại trường hợp tính tiền rác theo kg hay theo túi có định lượng ở Việt Nam. Tôi đã hỏi ông tổ trưởng dây rác các phường 11, 12, 13, 14 quận Phú Nhuận, TP.HCM xem ý kiến của những người gom rác thế nào? Hầu hết đều cho rằng nếu quy định này được ban hành thì sẽ rất rắc rối và không khả thi. Như hiện nay, mỗi hộ gia đình ở quận Phú Nhuận trả 50.000 đồng/tháng (tính từ tháng 4.2020), với mức phí này, người gom rác thấy khá ổn và hài lòng vì có lời, còn nếu tính rác theo kg thì các xe rác phải được trang bị cân Nhơn Hòa loại nhỏ 30kg, loại lớn 120kg. Một loạt vấn đề rắc rối sẽ nảy sinh mang lại hệ lụy không mấy dễ chịu.
Trước nay, tổ tưởng dây rác công lập (của công ty dịch vụ công ích quận) và dây rác dân lập (thực chất là tư nhân) thu tiền rác của mỗi hộ gia đình vào đầu tháng, sau đó bất cứ ai trong hộ gia đình kể cả trẻ con, người già, khách tới chơi, hay nhờ hàng xóm cứ việc bỏ rác vào nơi quy ước là xong, công việc còn lại công nhân vệ sinh gom lúc nào thì gom, thì nay chuyện hệ trọng nhất là làm sao người thu gom rác gặp trực tiếp được chủ nhà để tiến hành cân, rồi ghi chép vào sổ và hai bên ký nhận để làm cơ sở tính tiền (giả định việc cân đong luôn hanh thông). Điều đó khó như hái sao trên trời, làm sao mà người thu gom rác lên lịch gặp trực tiếp được với từ 500-700 hộ gia đình (có dây rác chịu trách nhiệm hơn 1.000 hộ)? Nội việc làm thủ tục cân, đong, đo, đếm, ghi chép xác nhận đã mất rất nhiều thời gian, thời gian đâu mà gom rác, đẻ thêm thư ký, kế toán thì còn rách việc nữa!
Thứ nữa, là khi tính tiền rác theo kg thì nhất định sẽ có rất nhiều rác vô chủ khắp vỉa hè, đường hẻm, nhiều người lẳng lặng quăng rác ra đường hoặc vứt ra đâu đó càng kín càng tốt, như thế làm khó cho người thu gom rác. Trong trường hợp tồi tệ này những người gom rác dù không có xu teng nào vẫn phải tìm cách moi móc thu gom vì cam kết của họ với chính quyền là đến 6 giờ sáng địa bàn anh phụ trách phải sạch sẽ, nếu không làm được thì sẽ bị mất việc.
Còn một chuyện nữa, đó là phí đổ rác xưa nay thỏa thuận thu theo hộ, có nghĩa là hộ anh độc thân hay 5 người thì cũng 50.000 đồng, bây giờ thu theo kg, thì rất có thể rất nhiều hộ gia đình có chút xíu rác, vài ba ngày mới bỏ một lần, như thế thu chả được bao nhiêu. Như hộ độc thân, hai vợ chồng son, gia đình công chức đi làm cả ngày, vậy là tính theo kg tưởng khôn hóa ra bị lỗ, thu không đủ bù chi. Nói tóm lại là không đơn giản như ông bộ trưởng tưởng tượng.
Thật ra cung cách gom rác như hiện nay có từ thời lập thị ở Sài Gòn và cả Hà Nội. Đây là thỏa thuận giữa các bên trong xã hội công dân, mà trong xã hội công dân có một quy ước là cái gì ổn rồi, đang ổn thì đừng bới ra. Xã hội công dân có quy luật riêng của nó, mỗi khi đưa ra một chính sách, đường lối thì nghĩ đến dân một chút, đừng đứng trên cao lấy lợi ích của chính quyền ra để định đoạt.
Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chung-ta-dang-boi-trong-bien-thue-phi-24127.html