Chúng ta không thể vì 'chạy theo deadline' mà ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh
Đó là chia sẻ rất thẳng thắn của ĐBQH đoàn Bình Định Nguyễn Lân Hiếu tại buổi thảo luận Tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra.
Chương trình giáo dục phổ thông đến nay đã thay sách đến năm thứ 4 (năm nay thẩm định lớp 4, 8, 11), tuy nhiên chúng ta vẫn còn rất nhiều lúng túng và hạn chế. Thực trạng trái với nhận định của nhà phát triển chương trình.
Tôi chỉ xin lấy 1 ví dụ: Tích hợp: KHTN = Lý + Hóa + Sinh (một cuốn sách chia thành 3 phần một cách cơ học). Mục tiêu có thể nghe rất hay phù hợp với xu hướng chung thế giới nhưng thực tế triển khai gây rất nhiều bất cập đối với nhà trường, giáo viên và học sinh.
"Môn KHTN có 3 phương thức dạy học.
Phương thức 1 là dạy học song song: môn Vật lý (1 tiết/tuần), Hóa học (1 tiết/tuần) và Sinh học (2 tiết/tuần) đối với lớp 6, 7. Việc dạy song song không đảm bảo được mạch kiến thức.
Phương thức 2 là dạy học theo tuyến tính: Chủ đề Sinh học thì giáo viên môn Sinh dạy, chủ đề Vật lý, giáo viên Vật lý dạy, chủ đề Hóa học do giáo viên môn Hóa học dạy, với thời lượng 4 tiết/tuần… Phương thức này đảm bảo được mạch kiến thức nhưng thời khóa biểu của trường phải đổi liên tục, gây rối cho giáo viên.
Phương thức 3 là phân công cho một giáo viên đã có chứng chỉ tích hợp giảng dạy cả 3 phân môn. Cách này thuận lợi cho nhà trường, giáo viên dễ chấm điểm, nhập điểm… nhưng bất cập là giáo viên chưa đủ kiến thức, tự tin giảng dạy, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Cả ba phương thức đều rối, khiến giáo viên quá tải, gây thiệt thòi cho học sinh. Học xong các chủ đề Hóa học đầu lớp 7 (5 tuần), sau đó không học nữa, đến năm lớp 8 mới học lại môn Hóa sẽ khó cho học sinh.
Chỉ từ 1 ví dụ trên, tôi một lần nữa, lại đặt ra câu hỏi về quy trình thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chúng ta đã thực nghiệm đủ mẫu để đánh giá đầy đủ các tác động và hệ lụy của chương trình hay không?
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, chúng ta không thể nào vì "chạy theo deadlines" mà làm một cách không thận trọng để ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh như vậy.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, chúng ta không thể nào vì "chạy theo deadline" mà làm một cách không thận trọng để ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh như vậy.
Mỗi năm học mới, có 1,5 – 2 triệu học sinh vào lớp 1, tương ứng đó là 1,5 – 2 triệu gia đình. Chỉ cần một sự không cẩn trọng, thì sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến toàn thể xã hội. Ngoài ra còn nhiều vấn đề phát sinh cần gấp rút điều chỉnh như thiết bị dạy học, tình trạng thiếu giáo viên…
Cụ thể là máy tính để phục vụ dạy học theo chương trình phổ thông mới. Do mua sắm tập trung nên rất chậm. Vấn đề thiếu giáo viên tin học, Tiếng Anh, mỹ thuật, âm nhạc. Có nhiều người có bằng cấp về tin học, ngoại ngữ... Nhưng chính quy định phải có bằng cử nhân sư phạm mới có thể đứng lớp dạy các môn này cộng thêm với thu nhập của nghề giáo còn thấp, vì vậy nhiều người không tham gia ứng tuyển vào làm giáo viên. Các thành phố lớn còn khó thì chúng ta hình dung những vùng sâu vùng xa sẽ khó khăn đến nhường nào?!