Chung tay bảo tồn đa dạng sinh học

Động vật hoang dã có vai trò và ý nghĩa to lớn đối với môi trường sinh thái và kinh tế - xã hội, góp phần tạo nên đa dạng sinh học, giữ được sự cân bằng trong tự nhiên. Trong thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn huyện Đồng Phú luôn được quan tâm thực hiện và có chuyển biến tích cực.

Cần thêm nhiều giải pháp hữu hiệu

Ông Lý Văn Việt, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú cho biết: Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn động vật hoang dã, các cơ quan chuyên môn của huyện thường xuyên phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về các quy định liên quan bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, kiểm soát các cơ sở, trại nuôi nhốt động vật hoang dã thông thường, động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhằm tuyên truyền, vận động các cơ sở thực hiện đúng quy định pháp luật và kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, vận động các hộ dân sống gần rừng, ven rừng ký bản cam kết bảo vệ rừng và động vật hoang dã; là cơ sở cung cấp nguồn tin quan trọng cho lực lượng chức năng.

Hiện nay, khu vực rừng do Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú quản lý có 2 đàn bò tót với số lượng khoảng từ 20-25 cá thể, sinh sống tại vùng rừng tự nhiên thuộc các tiểu khu 375, 377, 378, 386, 389 thuộc địa bàn 2 xã Tân Hòa và Tân Lợi. Đây là loài bò quý hiếm nằm trong Sách đỏ cần được bảo tồn. Đàn bò thường xuyên di chuyển kiếm ăn theo hướng không xác định, do vậy, việc bảo vệ gặp không ít khó khăn. Vì vậy, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú đã tham mưu Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND huyện đề ra những giải pháp tích cực nhằm bảo tồn đàn bò này. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không vào rừng săn bắt thú và bẫy bò tót; thực hiện các phương án bảo vệ đàn bò tót như: Rắc muối tại một số vị trí bò tót thường qua lại nhằm tăng hàm lượng khoáng chất, góp phần nâng cao sức đề kháng cho đàn bò, xây dựng các hồ chứa nước nhỏ trong rừng nhằm tạo nguồn nước uống cho bò… Nhờ làm tốt tuyên truyền, nhiều người dân đã trở thành mạng lưới thông tin của kiểm lâm, khi phát hiện người lạ vào địa bàn, nghe tiếng súng nổ, tiếng máy cưa, họ đều báo ngay cho kiểm lâm hoặc cung cấp thông tin mới nhất về bò tót.

Lực lượng chức năng huyện Đồng Phú thả cá thể khỉ mốc quý hiếm về rừng tự nhiên

Lực lượng chức năng huyện Đồng Phú thả cá thể khỉ mốc quý hiếm về rừng tự nhiên

Trong năm 2021, Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Phú đã tổ chức tuần tra, kiểm tra truy quét, bảo vệ rừng được 308 đợt; phát hiện và xử lý 11 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; 5 vụ vận chuyển lâm sản (động vật rừng) trái pháp luật, tịch thu 1 cá thể rắn ráo trâu (nhóm IIB) có trọng lượng 2,3kg; 1 cá thể khỉ mốc, thu giữ và bàn giao cho Ban CHQS huyện 11 khẩu súng tự chế do các đối tượng vào rừng săn bắn bỏ lại và 1 khẩu súng hơi do người dân tự nguyện giao nộp; phát hiện và tháo gỡ 117 bẫy thú các loại. Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp tổ chức thả 2 cá thể khỉ về rừng tự nhiên, gồm 1 cá thể khỉ mốc (nhóm IIB) và 1 cá thể khỉ đuôi dài (nhóm IIB) do người dân giao nộp.

Trong năm 2021, tại khu vực thuộc Tiểu khu 363, xã Tân Lợi xuất hiện 3-4 cá thể voi (nghi voi rừng) di chuyển từ khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa tỉnh Đồng Nai đi qua sông Mã Đà sang. Voi xuất hiện và phá hoại một số cây trồng của người dân. Để đảm bảo an toàn cho người và các cá thể voi rừng, Hạt Kiểm lâm huyện đã tuyên truyền, thông báo đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sống gần rừng, ven rừng nghiêm cấm tuyệt đối không săn, bắn, bẫy, bắt và dùng các biện pháp khác xâm hại đàn voi rừng. Phối hợp với Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa tỉnh Đồng Nai thực hiện kế hoạch hành động bảo tồn các loại sinh vật nguy cấp, quý, hiếm bị đe dọa tuyệt chủng trên địa bàn, như bảo vệ đàn bò tót, bảo vệ đàn voi rừng…

Thay đổi nhận thức để chung tay bảo vệ

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Phú có 8 cơ sở gây nuôi động vật rừng thông thường, quý hiếm để phát triển kinh tế gia đình. Đây là hướng đi mới trong lĩnh vực chăn nuôi, tạo thu nhập ổn định và góp phần duy trì nguồn gen các động vật rừng thông thường, nguy cấp, quý, hiếm.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt hơn công tác quản lý, kiểm soát các loài động vật hoang dã, Hạt Kiểm lâm huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động gây nuôi của các tổ chức, cá nhân, đảm bảo nguồn gốc động vật nuôi hợp pháp, an toàn đối với vật nuôi, con người, vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Song song đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp. Đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không tham gia săn bắt, mua bán, vận chuyển, giết, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái phép; không tiếp tay cho các đối tượng mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Bảo vệ các loài động vật hoang dã chính là bảo vệ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với những nỗ lực quản lý, bảo tồn của lực lượng chức năng và sự chung tay, chấp hành đúng quy định pháp luật của người dân địa phương, tin rằng hệ sinh thái rừng tự nhiên cùng những cá thể động vật hoang dã trên địa bàn huyện Đồng Phú được bảo vệ và ngày càng phát triển.

Minh Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/130737/chung-tay-bao-ton-da-dang-sinh-hoc