Chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô Hoa Lư

Công tác trùng tu, tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư được triển khai cẩn trọng, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về trình tự thủ tục bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Cổng chính dẫn vào Khu di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Cổng chính dẫn vào Khu di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Kinh đô Hoa Lư xưa là nơi đóng đô của các triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý.

Triều đại đầu tiên nhà Đinh trị vì đất nước bắt đầu từ khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, lên ngôi Hoàng đế vào năm 968, lập nước Đại Cồ Việt, lấy Hoa Lư làm kinh đô (nay thuộc huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình).

Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư là di tích có giá trị đặc biệt quan trọng về văn hóa, lịch sử, khảo cổ học.

Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều giải pháp gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Giá trị lịch sử to lớn

Hoa Lư - Kinh đô lừng lẫy của nhà nước Đại Cồ Việt gắn với công cuộc dẹp loạn và dựng nước của vua Đinh Tiên Hoàng, nơi đây được mệnh danh là kinh đô đá, có vị trí đặc biệt trong suốt quá trình phát triển của lịch sử Việt Nam.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Kinh đô Hoa Lư đã trở thành một vùng văn hóa đặc sắc, những dấu tích, di tích tại Hoa Lư đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, truyền tải các giá trị văn hóa từ xa xưa để lại.

Theo tài liệu nghiên cứu, Kinh đô Hoa Lư xưa rộng khoảng 300ha gồm Thành Ngoại, Thành Nội, được bao quanh bởi hàng loạt núi đá, cảnh quan hùng vĩ.

Hiện nay, những dấu tích lịch sử-văn hóa vẫn còn tại khu vực di tích rất phong phú và đa dạng, gồm hệ thống kiến trúc thờ tự, tường thành, hang động... như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, chùa và động Am Tiên, chùa Nhất Trụ, đình Yên Trạch, chùa Ngần, lăng vua Lê, hang Muối, hang Quàn... Trong số đó, 14 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, 8 di tích xếp hạng cấp tỉnh.

Đặc biệt, đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và đền thờ vua Lê Đại Hành khởi đầu được xây dựng ngay trên nền móng của cung điện xưa để nhân dân thờ cúng, tưởng nhớ công lao của các bậc tiên đế.

Đến thế kỷ 17 đền được tu sửa, xây dựng lại với kiến trúc độc đáo, nghệ thuật điêu khắc gỗ và đá đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo.

Du khách thắp hương tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Du khách thắp hương tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Ngoài những điểm di tích kể trên, trong khu vực Cố đô Hoa Lư hiện nay còn lưu giữ hàng ngàn di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.

Hiện nay, Ninh Bình có 5 bảo vật quốc gia thì cả 5 bảo vật được lưu giữ, bảo quản tại các di tích thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư như, Cột Kinh Phật chùa Nhất trụ, Long sàng trước Bái đường Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Long sàng trước nghi môn ngoại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, Bộ Phủ Việt Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng và Bộ Phủ Việt Đền thờ vua Lê Đại Hành.

Với những giá trị văn hóa, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, Cố đô Hoa Lư là một trong ba vùng lõi thuộc Quần thể danh thắng Tràng An, được UNESCO chính thức công nhận là di sản kép (văn hóa và thiên nhiên) đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á vào năm 2014.

Theo Tiến sỹ Hà Văn Cẩm, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, từ những năm 60-70 của thế kỷ 20, khu vực Cố đô Hoa Lư Ninh Bình và vùng phụ cận đã được Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiến hành nhiều cuộc khảo sát khai quật.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại Cố đô Hoa Lư trong hơn nửa thế kỷ qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, những dấu tích của một kinh thành nguy nga được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ 10 ngày một hiển lộ rõ là minh chứng góp phần xác định Cố đô Hoa Lư là khu di tích lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử văn hóa của dân tộc.

Các kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư là minh chứng có giá trị đặc biệt quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử liên quan đến hai vương triều Đinh-Tiền Lê giúp phục dựng một trong những giai đoạn lịch sử mang ý nghĩa "bản lề" của dân tộc ta cách đây hơn 1000 năm.

Việc nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản khảo cổ học tại Cố đô Hoa Lư nếu được thực hiện kịp thời góp phần củng cố, nâng cao chất lượng nguồn di sản văn hóa-lịch sử liên quan đến lịch sử vùng đất Ninh Bình giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên và quá trình tồn tại, phát triển cũng như những đóng góp của Kinh đô Hoa Lư trong lịch sử dân tộc.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản

Tỉnh Ninh Bình đã thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích, trong đó tập trung vào hoạt động nghiên cứu, khai quật khảo cổ học nhiều lần từ năm 1970-2021 và các hội nghị khảo cổ học, đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát huy giá trị di tích.

Tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư...

Xác định di sản văn hóa là thế mạnh của tỉnh, công tác trùng tu, tôn tạo di tích Cố đô Hoa Lư được triển khai cẩn trọng, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về trình tự thủ tục bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.

Trong ảnh: Long sàng - Bảo vật quốc gia tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Trong ảnh: Long sàng - Bảo vật quốc gia tại đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng thuộc Khu di tích Cố đô Hoa Lư. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)

Giai đoạn 2020-2021, hầu hết các hạng mục chính của khu di tích đều được tu bổ, tôn tạo. Hệ thống cơ sở hạ tầng được cải tạo, nâng cấp với tổng nguồn vốn hàng trăm tỷ đồng, góp phần bảo vệ tính bền vững của di tích và phát huy giá trị của di tích gắn với phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, cho biết công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Cố đô Hoa Lư ngày càng được quan tâm, chú trọng, thể hiện sự quan tâm, nỗ lực chung của tỉnh nhằm tôn vinh giá trị, vị thế của di tích trong hệ thống các di tích cố đô và trong phát triển du lịch.

Ngay sau khi lễ hội Hoa Lư được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Hoa Lư," đồng thời phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia nghiên cứu, phục dựng lại nghi thức Tế Cửu khúc đã bị thất truyền.

Đối với bảo vật quốc gia, căn cứ đặc điểm chất liệu, chức năng, hiện trạng của bảo vật, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã tham vấn ý kiến cấp có thẩm quyển, cơ quan chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học thực hiện biện pháp bảo vệ, bảo quản bảo vật.

Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích còn hạn chế. Cụ thể, các đề án, dự án, kế hoạch đã được triển khai nhưng chưa đánh giá hết vị trí, quy mô, giá trị của di sản.

Nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã được triển khai nhưng chỉ dừng ở một số hạng mục nhỏ, đặc biệt là hoạt động số hóa dữ liệu di sản.

Hoạt động bảo quản, phát huy giá trị bảo vật quốc gia, các tài liệu nghiên cứu chuyên sâu còn thiếu và hạn chế về chất lượng.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, thời gian tới, ngành tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị di sản Cố đô Hoa Lư đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của cộng đồng địa phương trong việc giữ gìn và phát huy di sản; xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng cũng như giá trị của hệ thống di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư một cách tổng thể, toàn diện.

Trên cơ sở đó lập cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ số hóa hệ thống di sản, đầu tư thích đáng cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, văn hóa phi vật thể liên quan đến di sản, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng.

Sở Văn hóa và Thể thao đầu tư bảo tồn, tôn tạo, khai quật khảo cổ Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư nhằm gìn giữ, phát huy giá trị vốn có của di tích, tạo vành đai hợp lý bảo vệ di tích, ngăn chặn lấn chiếm và hoạt động trái phép ảnh hưởng đến việc bảo vệ mỹ quan khu vực.

Qua đó góp phần xây dựng Cố đô Hoa Lư trở thành bảo tàng sống về một kinh đô trong quá khứ của nước Đại Cồ Việt, điểm du lịch lịch sử văn hóa, tâm linh hấp dẫn mang tầm quốc gia và khu vực./.

Theo Hải Yến (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/chung-tay-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-co-do-hoa-lu-340754.html